Methadone – những “khoảng trống” cần được lấp đầy

Thứ Hai 16:13 06/08/2018

ĐBP - Thống kê hiện nay toàn tỉnh Điện Biên có gần 2.700 người nghiện ma túy đang tham gia chương trình điều trị thay thế bằng methadone. Đây là con số hết sức khiêm tốn so với tổng số hơn 9.000 người nghiên ma túy hiện đang có hồ sơ quản lý của toàn tỉnh. Thực tế triển khai cho thấy công tác này ở Điện Biên thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, song vẫn còn không ít “khoảng trống” cần được lấp đầy.

Năm 2011, Điện Biên bắt đầu triển khai xây dựng và mở rộng cơ sở cấp phát methadone. Tuy nhiên, sau gần 8 năm, điến nay toàn tỉnh mới chỉ có 29/131 xã, phường, thị trấn có cơ sở cấp phát và chủ yếu được đặt tại các khu vực trung tâm. Tại điểm cấp phát methadone đặt ở Trạm Y tế xã Mường Pồn (huyện Điện Biên), hiện đang tiếp nhận điều trị cho 18 người bệnh, song con số này cũng thường xuyên biến động. Với địa bàn rộng, phức tạp về giao thông, nhiều bản cách xa điểm cấp phát tới vài chục ki lô mét, như: Huổi Chan, Huổi Un, Pá Trả… nên bệnh nhân gặp không ít khó khăn khi tham gia điều trị và việc không tuân thủ điều trị cũng thường diễn ra.

Mặc dù là bệnh nhân kiên trì điều trị, song anh Chá A Mua, bản Huổi Chan cũng phải thừa nhận không ít bất cập. Hai năm qua, mỗi ngày anh phải mất 2 giờ đồng hồ để vượt qua quãng đường hơn 15km từ bản đến điểm uống methadone tại Trạm Y tế xã. Những ngày mưa gió, đường trơn trượt, mặc dù có xe máy song anh buộc phải chọn cách đi bộ. Công việc ruộng nương vì thế mà ảnh hưởng, do phải mất đến nửa ngày mới hoàn thành xong việc uống thuốc.

Tại Điện Biên, những trường hợp cách trở về giao thông như anh Mua không phải hiếm. Song để kiên trì tuân thủ điều trị thời gian lâu dài thì đây là thách thức lớn không phải ai cũng có thể vượt qua. Nhiều trường hợp tham gia điều trị một thời gian lại bỏ, có trường hợp bỏ rồi lại quay trở lại điều trị. Tình trạng này khiến các cơ sở điều trị, cấp phát methadone gặp khó khăn trong công tác quản lý người bệnh và chủ động liều lượng thuốc.

Ngoài số ít kể trên, hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh, dịch vụ cấp phát methadone còn chưa được phủ sóng, trong đó riêng huyện Nậm Pồ chưa có cơ sở điều trị, cấp phát nào; một số huyện có đến hơn 1 nửa số xã chưa có cơ sở cấp phát; cá biệt, một số địa bàn chưa tới 1/10 người nghiện tham gia điều trị methadone. Trong khi đó, việc điều trị bằng methadone đòi hỏi phải thường xuyên, lâu dài, nên cùng với các giải pháp đã, đang triển khai, như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức người bệnh; tiếp tục đưa bác sĩ, dược sĩ, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật xuống cơ sở để tập huấn, nâng cao năng lực cho các cơ sở; thì việc mở rộng chương trình điều trị theo các tuyến y tế ở cơ sở, có thể xem là một trong những giải pháp kỳ vọng lấp đầy “khoảng trống”, nhằm đưa chương trình tiếp cận sâu, rộng hơn tới các địa bàn dân cư – nơi có người nghiện, qua đó mới phát huy tối đa hiệu quả chương trình điều trị.