Sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố

Trước tiên là tạo sự đồng thuận

Thứ Năm 14:01 03/10/2019

ĐBP - Sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả từ cấp cơ sở. Với những khó khăn mang tính đặc thù của miền núi, việc thực hiện chủ trương này ở Điện Biên gặp không ít vướng mắc. Song với sự quyết tâm lớn từ các cấp, các ngành đã dần tạo được sự đồng thuận từ phía người dân.

Tới đây, 2 bản Nà Ín 1 và Nà Ín 2, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) sẽ sáp nhập thành 1 bản. Tuy là 2 bản riêng biệt, nhưng người dân lại có chung đất sản xuất và nhiều điểm tương đồng trong phát triển kinh tế, đời sống, văn hóa. Những thuận lợi này đã được các cấp chính quyền địa phương khai thác để người dân nhân thức rõ trước khi tổ chức triển khai sáp nhập. Giờ đây, sáp nhập không chỉ là chủ trương, mà đã trở thành mong muốn của người dân 2 bản.

Sau sắp xếp, sáp nhập, việc khó khăn nhất là công tác nhân sự, đây là bài toán chung của nhiều địa phương trong huyện, trong tỉnh. Tuy nhiên, trước khó khăn này, Chà Nưa cũng đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng và thực hiện nghiêm túc, minh bạch ngay từ khi tổ chức lấy ý kiến về chủ trương sáp nhập. Đồng thời xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích, động viên nên cho đến nay đã nhận được sự ủng hộ, thống nhất cao từ phía người dân.

Tuy nhiên, không phải địa bàn nào cũng thuận lợi như Chà Nưa. Với nhiều xã, bản vùng cao, những đặc thù về giao thông, điều kiện địa hình trải rộng, dân cư phân bố rải rác, việc sáp nhập nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc. Cùng với việc cẩn trọng, cân đối lựa chọn phương án sáp nhập phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương, thì giải thích, tuyên truyền, để người dân nhìn ra được những lợi ích thiết thực sau sáp nhập đã và đang là giải pháp để chính quyền các địa phương tạo được sự đồng thuận từ phía người dân.

Với những cách làm linh hoạt, bài bản, minh bạch, những vướng mắc mang tính đặc thù vùng miền đã và đang dần được tháo gỡ. Cho đến nay toàn tỉnh đã tiến hành sắp xếp 501 thôn, bản, tổ dân phố để thành lập 247 thôn, bản, tổ dân phố. Trên cơ sở đó đã giảm được 254 thôn, bản, tổ dân phố và giảm chi ngân sách hàng năm hàng chục tỷ đồng. Những nhiệm vụ còn lại của Điện Biên trong thời gian tới đều được xác định là việc khó. Chính vì vậy, càng cần hơn hết một quyết tâm chính trị rất lớn và sự đồng thuận, đồng lòng từ các cấp đến mọi tầng lớp, địa bàn dân cư, để việc thực hiện chủ trương vừa “hợp ý Đảng” vừa “toại lòng dân”.