Doanh nghiệp “gồng mình” duy trì lao động

Thứ Năm 16:28 24/06/2021

ĐBP - Hơn 2 tháng trở lại đây, Khu du lịch sinh thái Him Lam – cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của Công ty TNHH Thương mại & Xây dựng số 6, phải tạm dừng các hoạt động dịch vụ và đón khách tới tham quan, du lịch để phòng chống dịch Covid-19. Đồng nghĩa với đó, doanh thu của cơ sở này trong 2 tháng qua bị sụt giảm nghiêm trọng. Để cứu vãn tình thế, Công ty TNHH Thương mại & Xây dựng số 6 buộc phải cắt giảm 80% số lượng lao động đang làm việc tại Khu du lịch sinh thái Him Lam và chỉ duy trì việc làm thường xuyên cho 20% số lao động cần thiết.

Mặc dù vậy, Công ty TNHH Thương mại & Xây dựng số 6 vẫn triển khai các biện pháp hỗ trợ tiền lương cho những người lao động phải nghỉ việc, để họ đảm bảo đời sống và yên tâm, tiếp tục gắn bó với Công ty. Bằng cách sử dụng nguồn thu từ các ngành nghề khác, như: Xây dựng, sản xuất, năng lượng... Công ty TNHH Thương mại & Xây dựng số 6 đã hỗ trợ cho mỗi người lao động đang làm việc tại Khu du lịch sinh thái Him Lam tối thiểu 1,8 triệu đồng/người/tháng; đồng thời còn khuyến khích người lao động nghỉ phép và luân phiên nhau đi làm để có thu nhập tối thiểu bằng mức lương cơ bản.

Có thể nói, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và doanh thu của những doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh; đẩy nhiều doanh nghiệp vào hoàn cảnh khó khăn khi phải chi trả nhiều chi phí, tiền lương cho công nhân, người lao động. Cá biệt, có những doanh nghiệp buộc phải ngừng sản xuất trong đại dịch, khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp vẫn phải “gồng mình” vừa trả lãi cho ngân hàng vừa nỗ lực trả lương để duy trì số lượng công nhân.

Là một trong những doanh nghiệp sản xuất lớn hàng đầu trên địa bàn tỉnh Điện Biên, nhưng Công ty Cổ phần Xi măng Ðiện Biên cũng đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dù nhà máy vẫn vận hành, nhưng việc tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài bị hạn chế vì dịch, khiến doanh thu của Công ty sụt giảm nghiêm trọng. Để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, duy trì việc làm, đảm bảo đời sống cho gần 300 công nhân, hiện nay Công ty thực thi nhiều giải pháp để thích ứng, phù hợp với tình hình thực tế, như: cắt giảm chi phí, giãn việc, cho người lao động làm việc luân phiên, bố trí vận chuyển nguyên liệu từ các địa phương khác về để phục vụ sản xuất… Song về lâu dài, Công ty vẫn mong có sự “trợ lực” của Nhà nước, của chính quyền tỉnh Điện Biên để Công ty duy trì hoạt động, kinh doanh giữa đại dịch và duy trì việc làm, đảm bảo nguồn sống cho người lao động.

Thực tế hiện nay, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý người lao động, gây ra nguy cơ mất nguồn lao động thường xuyên; đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng từ các hoạt động sản xuất có tiếp xúc đông người. Trước thực trạng đó, Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên cũng thực hiện thêm giải pháp hỗ trợ chế độ cho người lao động, để họ yên tâm làm việc tại Công ty. Cụ thể như: việc duy trì chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động kể cả trong thời gian tạm nghỉ do dịch bệnh; kịp thời chi trả tiền lương, thưởng, không để chậm trễ, gián đoạn; hỗ trợ các chi phí khám sức khỏe liên quan đến phòng dich Covid-19 cho người lao động; tặng vật tư, trang thiết bị phòng dịch cho người lao động; kịp thời hỗ trợ cho những người phải cách ly... đã giúp người lao động yên tâm làm việc, tiếp tục gắn bó và chung tay với Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch.

­Mặc dù các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh đã và đang “gồng mình” duy trì sản xuất, kinh doanh và duy trì việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, về lâu dài, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng vẫn cần sự chung tay hỗ trợ, đồng hành, tạo cơ chế, chính sách phù hợp của các cấp, ngành chức năng, để doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, giúp người lao động trong tỉnh ổn định đời sống.

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên, Quý II/2021, có đến 90% trong tổng số 130 doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh phải giảm quy mô sản xuất kinh doanh; do đó doanh thu của các doanh nghiệp bị sụt giảm từ 50 – 70%, nặng nề nhất là các doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ, vận tải... Hiện nay, 20% doanh nghiệp đã buộc phải cắt giảm tất cả lao động, 80% doanh nghiệp đã cắt giảm từ 50 - 80% lao động. Theo đánh giá, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài tới hết năm 2021, thì khoảng 30% doanh nghiệp có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động; đồng thời, hàng nghìn người lao động trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nguy cơ mất việc làm.

Trước thực trạng đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành có chính sách hỗ trợ, giúp các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh duy trì hoạt động, duy trì việc làm cho người lao động, như: xem xét miễn thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuế đất và thuê đất, giảm thuế khoán kinh doanh... Đồng thời, Hiệp hội cũng đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xem xét cho phép các đơn vị, doanh nghiệp chậm nộp bảo hiểm và kịp thời chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động phải nghỉ việc do dịch Covid-19...