Sớm chi trả chế độ cho tuyên truyền viên pháp luật

Thứ Năm 9:03 02/01/2020

ĐBP - Quyết định 29/2015/QÐ-UBND ngày 22/12/2015 của UBND tỉnh về việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh quy định: Mỗi tuyên truyền viên (cấp xã) thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn và tham gia các đợt phổ biến pháp luật lưu động, hướng dẫn sinh hoạt chuyên đề câu lạc bộ pháp luật, nhóm nòng cốt được chi trả thù lao 225.000 đồng/buổi. Quyết định có hiệu lực thi hành từ năm 2016, tuy nhiên sau 4 năm thực hiện, đến nay các địa phương (xã) trên địa bàn tỉnh vẫn chưa quan tâm, chi trả thù lao cho các tuyên truyền viên pháp luật. Ðiều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở.

Cán bộ tư pháp huyện Mường Ảng phối hợp với xã Mường Ðăng tuyên truyền pháp luật đến người dân.

Theo thống kê của Sở Tư pháp, tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 2.263 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã trên địa bàn 130 xã, phường, thị trấn. Những năm qua, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật đã góp phần quan trọng vào việc truyền tải các chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa.

Vai trò, trách nhiệm và công sức của đội ngũ làm công tác tuyên truyền viên pháp luật là hết sức quan trọng. Vì vậy, để nâng cao năng lực, gắn kết trách nhiệm của đội ngũ này với công việc, ngày 22/12/2015 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 29/2015/QÐ-UBND để giao các địa phương chi trả chế độ cho các tuyên truyền viên khi thực hiện nhiệm vụ. Quyết định nêu rõ: Chi thù lao cho tuyên truyền viên, người được mời tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; thù lao cộng tác viên, chuyên gia tham gia các hoạt động đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật là 225.000 đồng/buổi (áp dụng chế độ thù lao giảng viên quy định tại Ðiều 3, Thông tư số 139/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính). Ðối với nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức do cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm từ nguồn kinh phí hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan, đơn vị (từ nguồn ngân sách của xã).

Như vậy, theo quy định, bắt buộc hàng năm trên cơ sở nguồn kinh phí được cấp, UBND các xã phải dành một khoản tiền để thực hiện cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có phần chi thù lao cho các tuyên truyền viên pháp luật. Thế nhưng, qua tìm hiểu của chúng tôi, đến nay hầu hết các địa phương chưa thực hiện việc chi trả thù lao, chế độ cho đội ngũ này.

Cụ thể, huyện Ðiện Biên có 25 đơn vị hành chính cấp xã, với 705 tuyên truyền viên pháp luật, trong đó có 470 tuyên truyền viên trực tiếp, đến nay chưa xã nào thực hiện được việc chi trả thù lao cho đội ngũ này. Ðể tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi tìm về xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên). Xã có 30 tuyên truyền viên pháp luật (bao gồm: Trưởng các ban, ngành, đoàn thể xã, đại diện công chức xã và trưởng thôn, đội, bản). Thời gian qua, đội ngũ tuyên truyền viên của xã đã thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Trong năm 2019, đội ngũ tuyên truyền viên đã tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu với 30 băng rôn, phát 400 tờ rơi, tuyên truyền bằng loa phát thanh và tuyên truyền miệng 140 cuộc với hơn 8.000 lượt người nghe; tổ chức 30 lớp tập huấn tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật.

Theo bà Bùi Thị Lý, cán bộ tư pháp xã Thanh Hưng: Hiệu quả trông thấy nhưng chế độ đãi ngộ cho các tuyên truyền viên chưa thực hiện được. Nguyên nhân, do nguồn kinh phí còn hạn chế. Từ năm 2019, lĩnh vực tư pháp của xã chỉ được cấp 15 triệu đồng để hoạt động, còn những năm trước chỉ có 2 triệu đồng/năm; trong khi đó không chỉ dành riêng cho hoạt động tuyên truyền pháp luật mà còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác như: hộ tịch, tư vấn, hòa giải, tập huấn… Ðơn cử, cũng theo Quyết định 29, chi hỗ trợ cho các tổ hòa giải 100 nghìn đồng/tháng/tổ (mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống…). Toàn xã có 16 tổ hòa giải, nếu chi hỗ trợ cho các tổ hòa giải theo đúng quy định thì một năm đã mất hơn 19 triệu đồng. Như vậy, riêng tiền hỗ trợ cho tổ hòa giải nếu thực hiện được đã vượt số tiền cho hoạt động chung của lĩnh vực tư pháp xã, chưa nói đến kinh phí cho hoạt động tuyên truyền pháp luật.

Huyện Ðiện Biên Ðông có 92 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và hầu hết các xã chưa thực hiện việc chi trả thù lao cho đội ngũ này. Xã Pú Nhi (huyện Ðiện Biên Ðông) có 15 tuyên truyền viên pháp luật. Mỗi người được giao phụ trách một bản thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn xã chưa thực hiện việc chi trả chế độ cho đội ngũ này. Anh Sùng A Lầu, tuyên truyền viên pháp luật phụ trách bản Pú Nhi A, xã Pú Nhi cho biết: Trung bình một năm đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật của xã thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật đến người dân rất nhiều lần. Thế nhưng, chưa lần nào được hỗ trợ chế độ, thù lao. Chúng tôi nghĩ đây là nhiệm vụ chung phải thực hiện. Trong khi đó, để tuyên truyền, giới thiệu một nội dung pháp luật, nếu muốn bảo đảm chất lượng thì thời gian chuẩn bị ít nhất cũng mất vài ngày. Trong đó khâu chuẩn bị tài liệu, đề cương để tuyên truyền mất nhiều thời gian nhất. Bên cạnh đó, để tài liệu bảo đảm tính sinh động, hấp dẫn, tránh sự nhàm chán, khô khan, các tuyên truyền viên phải sưu tầm nhiều tư liệu, từ những câu chuyện đến hình ảnh thực tế. Nhiều trường hợp nội dung bài giảng chỉ sử dụng một lần nên rất lãng phí… Công phu là vậy, nhưng chưa có tuyên truyền viên nào được chi trả chế độ. Rõ ràng, không phải là đòi hỏi nhưng với công sức bỏ ra, thật sự làm người tuyên truyền viên cảm thấy hụt hẫng, không có tác dụng động viên, khuyến khích.

Theo ông Lê Anh Hưng, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư Pháp): Qua công tác kiểm tra, giám sát tại một số đơn vị cấp xã, hiện nay việc thực hiện chi chế độ cho các tuyên truyền viên pháp luật theo Quyết định 29 của UBND tỉnh, các xã chưa thực hiện được. Thậm chí, ngay cả các xã vùng lòng chảo, có điều kiện kinh tế phát triển hơn như: Pom Lót, Hua Thanh, Thanh Hưng… vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân, chủ yếu là do các địa phương chưa chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Ngân sách hàng năm được phân bổ, các xã chỉ chú trọng vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, như: đầu tư xây dựng, nông thôn mới, kênh mương nội đồng… chưa chú trọng chi cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Như vậy, từ khi Quyết định 29 có hiệu lực đến nay đã 4 năm, thế nhưng các địa phương vẫn chưa thực hiện việc chi trả thù lao cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền viên pháp luật, mặc dù quy định bắt buộc phải chi trả. Thiết nghĩ, công việc gì cũng là việc chung của các xã, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, thời gian tới các địa phương cần sớm cân đối, bố trí nguồn ngân sách để chi trả thù lao cho đội ngũ này. Có như vậy, những người làm công tác tuyên truyền mới gắn bó, tâm huyết hơn trong công việc, góp phần quan trọng trong việc đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân hiệu quả hơn.