Hiệu quả chuyển hóa địa bàn phức tạp ở Nậm Pồ

Thứ Sáu 9:52 03/01/2020

ĐBP - Năm 2019, huyện Nậm Pồ chọn xã Na Cô Sa và Nà Khoa để tập trung triển khai thực hiện việc chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự (ANTT). Bằng cách làm linh hoạt, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng biên phòng, công an ở cơ sở trong tuyên truyền, vận động đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực.

Ðồn Biên phòng Na Cô Sa phối hợp chính quyền xã và Công ty thời trang Canifa tổ chức chương trình “Hơi ấm mùa đông” và trao quà cho các cháu học sinh trên địa bàn xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ).

Na Cô Sa và Nà Khoa là 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Pồ; trong đó, Na Cô Sa có đường biên giới tiếp giáp với nước CHDCND Lào dài 17,1km. Ðây đều là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tỷ lệ hộ nghèo ở Na Cô Sa trên 88%, Nà Khoa trên 62,6%). Bên cạnh đó, cơ sở vật chất hạ tầng cơ bản chưa được đầu tư, nâng cấp, trình độ dân trí không đồng đều, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Từ nhiều năm nay, tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Những hoạt động lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông” vẫn có nguy cơ xảy ra. Qua rà soát trên địa bàn có trên 830 hộ với hơn 5.100 người theo đạo, sinh hoạt tại 21 điểm nhóm với 4 hệ phái khác nhau. Tình hình hoạt động của các loại tội phạm diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tội phạm về ma túy, kinh tế và các hoạt động chặt phá  rừng...

Trước tình hình đó, huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo xã Na Cô Sa và Nà Khoa thành lập Ban Chỉ đạo chuyển hóa địa bàn trọng điểm với 33 thành viên, 18 tổ công tác và 134 cán bộ. Phối hợp với Ban Chỉ đạo cấp huyện, nòng cốt là lực lượng Công an tăng cường cán bộ, chiến sĩ xuống cơ sở và lực lượng biên phòng đứng chân trên địa bàn để tập trung củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Song song với đó là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, đảm bảo an ninh ngay tại cơ sở; tăng cường đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Trên cơ sở đó, xã thành lập các tổ công tác đến từng bản, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Khối đoàn thể xã xây dựng chương trình hành động cụ thể lồng ghép việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gắn với công tác chuyển hóa địa bàn. Các đơn vị trường học trên địa bàn xã quản lý tốt học sinh, thông qua học sinh nắm bắt tình hình thực tế của gia đình các em. Bên cạnh đó, các thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện gồm các lực lượng: Công an, bộ đội, biên phòng và một số phòng ban được phân công với chức năng, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện chuyển hóa thành công địa bàn 2 xã Na Cô Sa và Nà Khoa trong năm 2019.

Qua gần 1 năm triển khai thực hiện, công tác chuyển hóa địa bàn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội 2 xã cơ bản ổn định. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát huy, các tổ chức tự quản về ANTT được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về nhiệm vụ đảm bảo ANTT từng bước được cải thiện. Hệ thống chính trị ở 2 xã được kiện toàn, chất lượng hoạt động đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các lực lượng đã phối hợp đấu tranh, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”; hoạt động của tà đạo Giê Sùa trên địa bàn Na Cô Sa đã bị triệt xóa và không để các tà đạo khác xâm nhập vào địa bàn. Ngăn chặn, giải quyết dứt điểm tình trạng di cư vào địa bàn; không phát sinh các loại tội phạm mới. Các vụ vi phạm pháp luật xảy ra đều được phát hiện, điều tra làm rõ, trong đó có 6 vụ về ma túy, 7 vụ vi phạm luật hình sự. 100% đơn thư tố giác tội phạm được xác minh làm rõ và giải quyết dứt điểm; các xã không phát sinh người nghiện mới; không xảy ra vụ việc phức tạp, hình thành điểm nóng về ANTT…

Ðến thời điểm hiện tại, 18/19 bản của 2 xã đều có đảng viên sinh hoạt chỉ còn lại bản Pắc A2 của xã Na Cô Sa chưa có đảng viên. Các tổ chức quần chúng tự quản về ANTT từng bước được củng cố kiện toàn. Mỗi xã đã triển khai xây dựng 2 mô hình vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ ANTT theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ngày càng phát huy mạnh mẽ đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.