Nhiều ý kiến đóng góp quan trọng vào lĩnh vực kinh tế - xã hội

Thứ Hai 8:59 13/07/2020

ĐBP - Một trong số những nội dung quan trọng chuẩn bị Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đó là tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị trình Ðại hội. Qua lấy ý kiến tham gia của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ vào dự thảo, hầu hết các ý kiến nhất trí cao với nội dung dự thảo báo cáo chính trị, thể hiện được khát vọng phát triển trong tương quan với các tỉnh khác trong vùng. Một số ý kiến tham gia về các vấn đề cơ bản, quan trọng trong dự thảo báo cáo chính trị đã được Tổ chuẩn bị dự thảo báo cáo về kinh tế - xã hội (gọi tắt là Tổ Kinh tế - Xã hội) tổng hợp để Tiểu ban Văn kiện Ðại hội Ðảng bộ tỉnh khóa XIV xem xét quyết định.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Thành Ðô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Tổ phó Tổ chuẩn bị dự thảo báo cáo về kinh tế - xã hội cho biết, qua rà soát, tổng hợp đề xuất nội dung tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia vào dự thảo báo cáo chính trị thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội cho thấy, hầu hết các ý kiến nhất trí cao với nội dung dự thảo báo cáo chính trị. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần xem lại một số chi tiết trong diễn đạt để bảo đảm tính chính xác, thống nhất trong báo cáo, đồng bộ về hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội, cập nhật cách tính mới một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Ðánh giá thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng bộ tỉnh; phần 3.1 về thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức; một số ý kiến cho rằng cần bổ sung nội dung “tác động của dịch bệnh Covid-19” và “chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế” vào phần khó khăn, thách thức. Tham gia ý kiến về kết quả đạt được trên các lĩnh vực, đa số các ý kiến thống nhất với nhận định, đánh giá phần kinh tế - xã hội như trong dự thảo báo cáo chính trị. Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị bổ sung câu từ, bổ sung các chỉ số, chỉ tiêu; so sánh một số chỉ tiêu quan trọng với các tỉnh trong khu vực và cả nước; có nội dung diễn đạt chưa sát, cần chỉnh sửa và bổ sung, thống nhất về số liệu, cập nhật cách tính mới về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên nhiệm kỳ qua đạt được nhiều kết quả quan trọng; song cần so sánh một số chỉ tiêu phát triển nông nghiệp với vùng và với toàn quốc để nhận diện những điểm mạnh, điểm yếu của tỉnh. Ðề nghị bổ sung đánh giá kết quả thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo bộ tiêu chí giám sát đánh giá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và so với với mục tiêu tới năm 2020; cần bổ sung đánh giá thuận lợi, khó khăn trong lĩnh vực chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Xác định việc đánh giá những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở cho việc đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 2020 - 2025. Do vậy, trong đánh giá phải đảm bảo tính khách quan, toàn diện. Tuy nhiên, trong phần đánh giá các nội dung của phần kinh tế - xã hội, nhất là các nội dung cụ thể về từng lĩnh vực có nhiều câu từ diễn đạt còn trùng lặp, sử dụng thuật ngữ chưa chính xác. Chính vì vậy, Tổ Kinh tế - Xã hội tiếp thu và kiến nghị chỉnh sửa, điều chỉnh, bổ sung và hệ thống lại một số nội dung, số liệu để đảm bảo sát với thực tế. Tuy nhiên, đối với ý kiến tham gia xem xét, đánh giá lại 2 chỉ tiêu quan trọng là “quy mô, tốc độ tăng trưởng và cơ cấu kinh tế”, “tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều”, Tổ đã làm rõ và đề xuất cụ thể. Lý giải về tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều, trong dự thảo báo cáo “tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 48,14% năm 2016 ước tính xuống còn 30,67% năm 2020, bình quân hàng năm giảm 3,49%”; có ý kiến cho rằng tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2016 của tỉnh là 53,9% và năm 2019 là 39,9%. Tổ Kinh tế - Xã hội kiến nghị giữ nguyên với lý do, tại Quyết định số 1095/QÐ - LÐTBXH, ngày 22/8/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Ðiện Biên có 57.214 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 48,14%). Ngày 14/2/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 134/QÐ - UBND phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019 trên địa bàn có 43.048 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 33,05%). Và dự ước đến cuối năm 2020 tỉnh Ðiện Biên có 40.871 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 30,67%).

Trong tổng số 105 nhóm ý kiến tham gia của các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức cơ quan, đơn vị, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ tham gia dự thảo báo cáo chính trị về lĩnh vực kinh tế - xã hội; sau khi tổng hợp, rà soát Tổ Kinh tế - Xã hội đề xuất tiếp thu, bổ sung 29 nội dung. Nội dung bổ sung, chỉnh sửa không làm thay đổi bố cục, kết cấu chính của báo cáo; chỉ làm rõ thêm một số vấn đề. Ðối với 76 nội dung tham gia còn lại phần lớn là đề nghị bổ sung những nội dung chi tiết, cụ thể hoặc làm rõ các nội dung, chỉ tiêu, mục tiêu, số liệu trong dự thảo báo cáo… Các ý kiến này đã được Tổ Kinh tế - Xã hội giải trình cụ thể, một số nội dung kiến nghị ghi nhận và chỉ đạo đưa vào chương trình hành động, báo cáo kinh tế - xã hội 5 năm của tỉnh và các ngành, các cấp theo từng chuyên đề để lãnh đạo tổ chức thực hiện với mục tiêu cao nhất đó là góp phần xác định đúng, trúng mục tiêu xây dựng tỉnh Ðiện Biên phát triển nhanh và bền vững.