Côn Đảo - Một lần đến

Thứ Ba 0:00 02/02/2016
ĐBP - Sau gần 1 giờ cất cánh từ Thành phố Hồ Chí Minh, chiếc máy bay ATR72 của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam Airlines đưa chúng tôi cập bến sân bay Cỏ Ống (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là lần đầu tiên tôi được đi Côn Đảo, nên tâm thế hồ hởi, phấn chấn khó tả thành lời. Trước khi máy bay cất cánh, tôi đã phải thương lượng với hành khách đi cùng để được ngồi ghế ngoài cùng (gần cửa sổ) ngắm mây trời, non nước, nhất là thời gian máy bay vừa cất cánh và lúc hạ độ cao. Thiên nhiên khéo chiều lòng người, Côn Đảo đón chúng tôi bằng nắng vàng, biển xanh và vị mặn mòi của biển cả nơi trùng khơi. Nghe người ta kể rằng, ở đâu trên đất nước mình có biển, có đảo thì ở đó có nắng gió, nhưng gió Côn Đảo mùa này thật lạ, không chỉ nhẹ nhàng làm dịu cái nóng, làm đẹp thêm bãi biển mà còn khiến cho sóng lặng, để người ta buộc phải có ước muốn nhảy ào xuống biển bơi đùa cho thỏa thích.

Từ sân bay Cỏ Ống về trung tâm huyện Côn Đảo khoảng 17km đường núi quanh co uốn lượn. Có những đoạn đường đi sát bờ biển, sóng vỗ ì oạp cảm giác như sắp vỗ vào thành xe. Về đến điểm đầu huyện, cô thuyết minh viên dẫn đoàn chúng tôi bắt đầu giới thiệu: Đây là khu khách sạn liên doanh với nước ngoài. Phần lớn phòng ốc đều đơn giản nhưng giá rất đắt, khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/ngày đêm. Ở đây sở hữu khu bãi biển cát vàng đẹp nhất huyện Côn Đảo. Xe dừng lại một lúc, đoàn chúng tôi bước xuống, gió biển thổi tạo thành những cơn sóng nối đuôi nhau vỗ bờ, bọt tung trắng xóa. Do nằm ở giữa trùng khơi (cách đất liền 97 hải lý, gần 200km) nên bãi biển, nước biển rất sạch. Xe chạy thêm một đoạn, cô hướng dẫn viên nói: bên phải chúng ta là sở lò vôi, còn bên trái là lò vôi được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Thời xưa, để có nguyên liệu làm vôi xây dựng các công trình trên đảo, Pháp đã bắt tù chính trị của chúng ta ngâm xuống biển mỗi ngày từ 10 - 12 tiếng để cho những con sò biển bám vào cơ thể, sau đó chúng lấy để đốt vôi. Cách đày đọa tù chính trị cũng rất dã man. Đó là lấy vôi khô bôi vào những chỗ lở loét. Vôi khô gặp chỗ lở loét càng phá vết thương to thêm và nhiễm trùng nặng. Không ít tù chính trị đã không chịu được cách tra tấn dã man này mà hy sinh tại Côn Đảo. Ngày nay, sở lò vôi và lò vôi trở thành di tích lịch sử. Ai đến Côn Đảo cũng qua đây tham quan và tìm hiểu về một thời oanh liệt của các tù chính trị Việt Nam. Mặc dù bị giam cầm, chịu đói, chịu rét, tra tấn dã man nhưng vẫn luôn giữ vững chí khí chiến đấu, không khuất phục trước đòn roi...

Du khách tham quan giếng nước ngọt trên đảo Hòn Cau.

Điều đáng ngạc nhiên ở Côn Đảo là khắp đường phố và trong những mảnh sân nhỏ của các trại tù, nhà dân, có rất nhiều cây bàng cổ thụ. Theo lời kể của một số người dân sống lâu năm trên đảo thì cây bàng như cứu cánh của những người tù chính trị ngày nào. Vì khi cây bàng cho quả, tù chính trị vặt quả bàng tách lấy hạt làm thức ăn qua ngày. Ngọn bàng, lá bàng non giã nhuyễn lấy nước đắp các vết thương trên cơ thể. Nay những cây bàng này, nhất là những cây dọc bờ biển khu vực thị trấn Côn Đảo đã được gọi là "cây di sản". Cuối đông, bàng vừa thay loạt áo mới, xõa bóng xanh mướt mắt, góp phần tô đẹp cảnh vật, sự yên bình của thị trấn đảo. 

Ghé thăm nhà tù Côn Đảo, chúng tôi được thuyết minh viên dẫn đi tham quan nhà tù trong nhà và nhà tù ngoài trời. Đấy là chuồng cọp kiểu Pháp (vì bị giam bít trong các song sắt như nhốt cọp sở thú, mà có tên gọi “chuồng cọp”). Còn chuồng cọp kiểu Mỹ được xây sau khi dư luận quốc tế lên án, buộc phải đóng cửa chuồng cọp cũ thì khác hơn. Chỉ có một lối đi hẹp giữa mấy chục phòng giam cũng chật hẹp như thế, xây sao đó để chỉ cần đập mạnh vào một cánh cửa sắt, tiếng ồn sẽ vang khắp trại. Có tù nhân đã phát điên hay ngất xỉu vì không thể chịu được tiếng động dữ dội này. Đối diện với hai loạt phòng giam kín này là dãy phòng giam không có mái. Tù nhân nào bị giam giữ tại đây phải chịu đựng hết nắng gắt ban ngày đến cái lạnh sương đêm và từ tường đá. Tù nhân còn có thể bị cai ngục đánh đập bất cứ lúc nào. Bức hình một cai ngục cầm cây sào dài, đầu dưới vít sắt để chọc thẳng vào người tù chính trị đủ để nói lên sự ác độc của kẻ thù. Như thuyết minh viên nói thì: Lúc nào ở cả hai khu chuồng cọp cũng có hơn 300 tù nhân. Sau này còn có thêm tù nhân nữ. Với tù nhân nữ bị tra tấn dã man bằng cách không cho tắm giặt trong nhiều ngày. Tiểu tiện, đại tiện trong xô và để vào góc phòng giam. Mùa gió chướng, cả khu chuồng cọp bốc mùi nồng nặc. Khổ quá, có phụ nữ tự rạch bụng mình, moi ruột ném thẳng vào mặt cai ngục để biểu tình, tố cáo tội ác dã man của chúng.

Cô hướng dẫn viên có giọng nói ấm áp, truyền cảm, kể rằng: phải đến năm 1970, nghĩa là 30 năm sau khi người Pháp dựng nên hòn đảo ngục tù này, thế giới mới biết đến chuồng cọp Côn Đảo. Bởi đã rất nhiều đoàn quốc tế đến đây, nhưng chỉ thấy những buồng giam như mọi trại tù khác trên thế giới, với đủ cả câu lạc bộ, trạm xá, nhà nguyện… Nhưng đi qua hai lần cổng, quanh co theo vách tường hẹp, có ám hiệu riêng, cánh cửa chuồng cọp mới mở ra. Ở đó, trên trần các phòng giam còn nguyên những thạp vôi để đổ khi trời nóng và những chiếc chum đựng nước để dội xuống các chuồng cọp chật ních người khi trời lạnh, lẫn với thùng phân trong những phòng giam chật hẹp. Trên mảnh đất Côn Đảo đầy nắng và gió này, đã có hơn 20.000 tù chính trị hy sinh, trong đó rất nhiều người không tìm được mộ. Như lời kể thì sau khi tù chính trị hy sinh, thực dân Pháp vứt xác xuống biển và bị sóng cuốn đi. Chính vì vậy, với phần lớn du khách, người thân có tù chính trị hy sinh tại Côn Đảo, sau khi thắp nén hương lên phần mộ Cô Sáu tại nhà thờ, trong Nghĩa trang Hàng Dương, họ còn đi thuyền ra biển để thắp hương, thả hoa khấn cầu cho những linh hồn tù chính trị còn lênh đênh trên biển được an giấc nghìn thu.

Tại Nghĩa trang Hàng Dương - nơi có ngôi mộ rất thiêng của nữ liệt sỹ Võ Thị Sáu, chúng tôi thắc mắc, sao ở nghĩa trang này không ghi dòng chữ "Tổ quốc ghi công" như nhiều nghĩa trang liệt sỹ khác? Cô hướng dẫn viên cho biết: Lý do chưa được gọi là nghĩa trang liệt sỹ, bởi người ta mới chỉ quy tập và xây được mộ của khoảng 2.000/20.000 liệt sỹ, đa số là vô danh. Ngoài ra còn người dân, lính của bên kia chiến tuyến cũng được chôn cất nơi đây.

Thông thường, ban ngày du khách đi tham quan các điểm di tích quanh Côn Đảo. Đêm xuống mới đến Nghĩa trang Hàng Dương để thắp nén tâm nhang cho các liệt sỹ. Đêm càng về khuya, bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” vọng vào bóng đêm nghĩa trang, giữa hàng trăm người đang thành kính bên những bia mộ nghi ngút khói hương. Cạnh mộ Cô Sáu là cây lê ky ma (cây trứng gà) quanh năm sai trĩu quả. Những người quản trang nơi đây thường vặt quả lê ky ma để khấn Cô Sáu hàng ngày và ngày rằm, mùng một.


Những ngày ở Côn Đảo, chúng tôi còn ghé thăm đền bà Hoàng Phi Yến (tên tục là Răm), người đã khuyên can Chúa Nguyễn Ánh đừng cầu cứu ngoại bang, mà phải tự mình cứu nước, nên bị bỏ lại nơi đảo vắng. Để lâu nay, một năm dân đảo có 2 lễ hội trọng đại đó là ngày giỗ Cô Sáu và ngày giỗ bà Phi Yến. Hoặc dừng lại thắp nén nhang xin hoàng tử Cải (do khóc đòi mẹ nên bị Chúa Nguyễn Ánh vứt xuống biển, trôi dạt về đây) phù hộ, như cư dân trên đảo mỗi khi qua lại, ngắm cây thị rừng trái lúc lỉu, hay chụp ảnh hai cây Mẹ - Con quấn quít lấy nhau ở cửa đền...

Trước khi rời "địa ngục trần gian", chúng tôi gặp ông Nguyễn Anh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo. Ông nói: nhận thức rõ giá trị to lớn của độc lập, tự do, hòa bình, của biết bao xương máu anh hùng, liệt sỹ, tù chính trị... đổ xuống để đất nước phát triển phồn vinh như ngày hôm nay, hơn 7.000 người dân Côn Đảo nguyện một lòng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo, góp sức xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng thịnh vượng.

Ghi chép của Tùng Lĩnh