Niềm vui của lính đảo

Thứ Năm 9:22 23/05/2019
ĐBP - Sống nơi hải đảo xa xôi, với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, những cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) không chỉ ngày đêm hăng say luyện tập, trau dồi kiến thức, nhận thức chính trị, tăng gia sản xuất, đảm bảo đời sống mà họ còn có những niềm vui riêng cho bản thân và đồng đội, để cuộc sống nơi đảo xa mỗi ngày trôi qua đều là một ngày ý nghĩa.

Ðọc thư nhà

Cứ nghe tin có chuyến tàu chuẩn bị vào đến đảo, là mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo lại thấp thỏm ngóng trông. Ngoài lương thực, thực phẩm được cung ứng hay công lệnh cấp trên giao phó, thì điều được mong chờ nhất chính là phong thư do người thân trong đất liền gửi ra. Trong chuyến theo đoàn công tác của Vùng 4 Hải quân đi thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi đã thấu hiểu “thư nhà” là hai từ thật thiêng liêng với mỗi cán bộ, chiến sĩ ở nơi đây. “Do đặc thù nơi này xa xôi, không có internet, còn sóng điện thoại thì chập chờn nên việc liên hệ giữa cán bộ, chiến sĩ với gia đình không được thường xuyên. Ðặc biệt, với những chiến sĩ trẻ trong thời gian công tác trên đảo thì không được sử dụng điện thoại. Do đó, lá thư từ đất liền gửi ra chính là niềm vui, sự động viên, an ủi lớn lao đối với những chiến sĩ ở nơi này” - Thượng tá Vũ Duy Khánh, Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân chia sẻ.

 

Chiến sĩ Ðảo Nam Yết đọc thư nhà cho đồng đội cùng nghe.

Ðặt chân lên đảo Nam Yết với nhiệm vụ mang quà và thư của người nhà cho một cán bộ đã công tác lâu năm trên đảo, tôi như nhận thêm một trách nhiệm khá đặc biệt. Vừa thấy tôi ngoài cầu cảng, Trung tá Vũ Văn Phúc, cán bộ Cụm chiến đấu 2, đảo Nam Yết đã không giấu nổi xúc động khi biết tôi mang theo lá thư và những bức ảnh do vợ, con anh gửi ra từ đất liền. Cầm lá thư trên tay, anh Phúc đọc đi đọc lại nhiều lần, chia sẻ cho các đồng đội cùng đọc rồi phấn khởi nói: “Mỗi lần nhận được thư nhà là sự động viên tinh thần lớn đối với tôi trong nhiều năm công tác ngoài đảo”.

Nắm được tâm lý của cán bộ, chiến sĩ mong ngóng thư nhà, những năm qua, cấp ủy, Ban Chỉ huy Vùng 4 Hải quân đã thường xuyên phát động viết thư hỏi thăm và tổ chức nhận thư của người nhà cán bộ, chiến sĩ để mang ra đảo theo mỗi chuyến công tác. Ðồng thời, trên các đảo cũng tổ chức các buổi sinh hoạt tư tưởng, đọc thư nhà tại các cụm chiến đấu, để mọi cán bộ, chiến sĩ cùng nghe và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với nhau.

Dự buổi sinh hoạt tư tưởng đọc thư nhà trên đảo Nam Yết khá thú vị. Có những lá thư gây xúc động rơi nước mắt, cũng có lá thư đem đến nụ cười, tiếng vỗ tay giòn tan... Trung tá Ðào Văn Kha, Ðảo trưởng đảo Nam Yết cho biết: “Mỗi lá thư tưởng chừng nhỏ bé nhưng có ý nghĩa lớn lao, chứa đựng sự quan tâm, động viên của người thân trong đất liền, từ đó giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ thêm vững tin và yên tâm công tác trên đảo”.

Chơi thể thao

Trên các đảo, tuy quĩ đất hạn hẹp, nhưng đảo nào cũng bố trí được một góc để làm sân thể thao. Ðến đảo chìm như Ðá Thị cũng có một góc nhỏ dành để đặt bàn chơi môn bóng bàn. Thượng úy Trần Anh Tuấn, Ðảo trưởng đảo Ðá Thị cho biết: “Hàng ngày, sau khi hết ca trực, anh em lại cùng nhau chơi bóng bàn. Ðây cũng là môn thể thao duy nhất có thể bố trí được trên đảo. Người chơi, người cổ vũ, giúp tinh thần phấn chấn và tâm lý thoải mái hơn”.

Còn ở đảo Song Tử Tây, do quĩ đất rộng hơn nên đã bố trí được một sân bóng đá cho cán bộ, chiến sĩ. Buổi chiều, sau giờ trực chiến, chúng tôi thấy các chiến sĩ trong trang phục cầu thủ vào sân thi đấu bóng đá giữa các cụm chiến đấu trong tinh thần sôi nổi, phấn khởi. Binh nhất Lương Văn Giang, chiến sĩ Cụm chiến đấu 3, cho biết: “Tôi mới ra đảo Song Tử Tây công tác được vài tháng, ngoài giờ huấn luyện nghiệp vụ, chúng tôi còn chơi thể thao. Riêng môn đá bóng đã trở thành niềm vui mỗi ngày, giúp tôi nhanh chóng làm quen, bắt nhịp với cuộc sống và nhiệm vụ trên đảo”.

Không chỉ là chơi thể thao thường ngày, cấp ủy, Ban Chỉ huy các đảo đã tổ chức thành các hội thao thi đấu với các môn: Bóng đá, chạy bộ, cờ vua, cờ tướng, kéo co... để cán bộ, chiến sĩ được tham gia thi đấu, giao hữu. Thượng tá Vũ Duy Khánh, Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146 cho biết thêm: “Hàng năm, các đảo đều tổ chức thi đấu thể thao cho cán bộ, chiến sĩ đã trở thành phong trào quan trọng, giúp tăng cường trí, lực, đem đến niềm vui, sự phấn khởi cho mỗi cán bộ, chiến sĩ sau giờ trực chiến và vất vả luyện tập trên thao trường”.

Chăm sóc những “người bạn bốn chân”

Thú vui bình dị nữa của chiến sĩ trên đảo là chăm sóc chó - những “người bạn bốn chân” thân thiết. Trên đảo Ðá Thị chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy đàn chó con mập mạp và những con chó trưởng thành tinh khôn chạy theo chiến sĩ như người bạn trung thành. Trung úy Nguyễn Ðăng Quyết, Chính trị viên đảo Ðá Thị, cho biết: “Trước đây, chúng tôi không nghĩ những chú chó  sẽ thích nghi được với điều kiện khắc nghiệt trên hòn đảo đầy nắng gió này. Nhưng các chú chó nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống nơi đây, đặc biệt chúng bơi rất giỏi, thường xuyên cùng chúng tôi đi tuần tra, canh gác... Rồi không biết từ bao giờ, mỗi chú chó đã trở thành người bạn thân thiết của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Nuôi chó và chăm sóc, huấn luyện chúng hằng ngày, tôi thấy các cán bộ, chiến sĩ như vơi bớt đi nỗi nhớ đất liền”.

Trên các đảo: Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Tây... những chú chó đủ giống, loài khác nhau được nuôi và huấn luyện trở thành người canh gác, tuần tra nhạy bén. Ấn tượng với chúng tôi là hôm đến đảo Sơn Ca, lúc chập tối nhìn thấy những chú chó giống béc giê đứng tập trung giữa sân. Hỏi ra mới biết chúng nhớ giờ đi tuần tra nên tự giác ra sân đợi chiến sĩ. Trung tá Trịnh Công Ðiển, Phó Chính trị viên đảo Sơn Ca cho biết: “Ðảo Sơn Ca chúng tôi nuôi rất nhiều chó, chủ yếu do các nhóm chiến sĩ tự chăm sóc, huấn luyện. Chúng rất khôn và nhạy bén, không chỉ cùng chiến sĩ tập chạy, tập bơi, tuần tra, canh gác, mà chúng còn rất tình cảm với cán bộ, chiến sĩ ở đây. Có những lần chiến sĩ của đảo bị ốm nặng phải nằm trạm quân y, chú chó cũng bỏ ăn đến nằm dưới chân giường. Rồi có một số cán bộ, chiến sĩ hết thời công tác trở về đất liền, thì các chú chó ở lại đảo ngày nào cũng chạy ra đầu cảng đứng đợi hồi lâu, như ngóng trông chủ về”.

Rời quần đảo Trường Sa sau những ngày trải nghiệm thú vị, chúng tôi hiểu hơn cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo luôn gói gọn trong diện tích nhỏ hẹp với những nhiệm vụ quen thuộc hàng ngày, nhưng không ai cảm thấy buồn tẻ hay nhàm chán, bởi giữa vùng hải đảo mênh mông ấy, họ vẫn tìm được những niềm vui, dù giản đơn đầy ý nghĩa.