"Gieo chữ" giữa Trường Sa

Thứ Hai 15:46 10/06/2019

Đến với Trường Sa, một trong những hình ảnh giản dị và bình yên níu lòng khách lạ là nơi bậc thềm trường học chan hòa nắng, các thầy giáo cặm cụi phơi vỏ ốc làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ. Ngày nghỉ cuối tuần giữa đảo xa thật khác với đất liền, thầy và trò vẫn quấn quýt học bài, vui chơi như một gia đình nhỏ.

 

Học sinh ở Trường Sa. Ảnh: Hùng Lêkima

Chuyện riêng tư, gác lại mai sau…

Hai thầy giáo Nguyễn Hữu Phú và Nguyễn Bá Ngọc trên xã đảo Song Tử Tây dắt học trò ra tận cầu tàu chờ những chuyến xuồng chở khách vào thăm đảo. Số lượng học sinh có hạn, lớp học ghép các cháu độ tuổi đi nhà trẻ và lớn nhất là lớp năm, cho nên những người thầy trên đảo kiêm luôn bảo mẫu.

Ấp ủ trong lòng tình yêu biển đảo và khao khát gieo chữ cho những công dân nhí trên quần đảo Trường Sa, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú từng bảy lần làm đơn tình nguyện, đợi chờ nhiều năm mới nhận được quyết định dạy học trên đảo Song Tử Tây. Qua tuổi ba mươi đã lâu, anh chưa lập gia đình riêng, cha mẹ trong đất liền đều đã qua đời. Trong mọi cuộc chuyện trò, anh xúc động bày tỏ ước mơ được gắn bó mãi với đảo xa. Ngoài giờ dạy học, thầy Phú dành nhiều thời gian đọc sách, sáng tác văn chương và đều đặn gửi tác phẩm cho những những tờ báo, tạp chí văn nghệ. Học trò trên đảo thuộc rất nhiều thơ của thầy giáo Phú, luôn đồng thanh đọc: “Yêu sao từng con chữ/ Non nớt bàn tay ngoan/ Từng nét em nắn nót/ Thẳng tắp đều dọc ngang/ Yêu sao những nụ cười/ Hồn nhiên giữa phong ba/ Mầm xanh đầy sức sống/ Kiên cường giữa đảo xa”.

Chúng tôi nhắc tên một vài tác phẩm của thầy Phú đã đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Như gặp được niềm đồng cảm, Nguyễn Hữu Phú chia sẻ ngay tập bản thảo có tựa đề “Những ký âm đêm” - kết tinh sau bao ngày tháng trăn trở, chiêm nghiệm về biển đảo, quê hương, ký ức gia đình và cả những nỗi niềm riêng. Anh viết rất nhiều câu thơ xúc động: “Mẹ ơi Tết đã gần kề/ Nhưng con lại thấy bốn bề chơi vơi/ Mẹ ngồi bên gió bên trời/ Con tìm mòn mỏi ngàn khơi lối về” (Gió chiều tháng Chạp); “Những lúc nhớ về em/ Chỉ gặp nhau qua vài dòng tin nhắn/ Với người thân chỉ nói được đôi câu/ Chuyện riêng tư, anh gác lại mai sau”. (Những ngọn sóng Trường Sa).

Trái với vẻ ngoài có phần mộc mạc, khắc khổ của thầy giáo Phú, thầy Nguyễn Bá Ngọc (sinh năm 1993) quê ở Khánh Sơn, Khánh Hòa lại mang dáng vẻ rất thư sinh, hồn nhiên đúng tuổi. Vừa tiếp khách, anh vừa chia sẻ những bức thư của gia đình, hàng xóm gửi từ đất liền bày tỏ tình cảm, sự tin tưởng vào con đường người thầy giáo trẻ đã chọn lựa. Thầy Phú yêu thương học trò bằng tình cảm giống như người cha, còn thầy Ngọc luôn là người bạn lớn được trẻ nhỏ tin tưởng, sẵn sàng tiết lộ những buồn vui, bí mật tuổi thơ. Đã qua những ngày đầu say sóng say gió, giờ đây thầy giáo 9x đã quen với nếp sống nhà binh, tác phong người lính. Những lúc rảnh rỗi, anh thích nhất là bày trò chơi cho học trò, dạy chúng tập viết trên nền cát, tập đếm bằng vỏ sò và hát những bài ca về biển đảo. “Ở đây, xa cách với công nghệ, đôi khi lại hay. Các cháu rất tập trung vào học tập, vui chơi lành mạnh. Từ bài học đơn giản tập đọc, tập đếm bên bờ cát, trong vườn cây mà một số cháu đã đọc thông viết thạo khi mới bốn, năm tuổi”, thầy Ngọc chia sẻ. Hiểu được khó khăn, vất vả của thầy, các em học sinh trên đảo luôn dành cho các thầy những tình cảm chân thành. Theo bố mẹ ra sinh sống ở đảo Song Tử Tây được gần một năm, cháu Nguyễn Lưu Nhật Huy, học sinh lớp năm cho biết, ở đảo không được đi chơi nhiều như ở trong đất liền nhưng bù lại, các em được hai thầy giáo và các chú bộ đội yêu thương, chăm sóc. Ngoài những món đồ dùng học tập, đồ chơi được gửi từ đất liền thì học sinh ngoài đảo rất thích món quà giản dị của bộ đội, thầy giáo làm từ thân cây bàng vuông, phong ba, bìa các-tông…

Nói chuyện trường lớp, thầy Phú, thầy Ngọc luôn nhắc tên từng đồng nghiệp của mình dạy học trước đó, khi điều kiện còn muôn vàn khó khăn. Cách đây nhiều năm, đảo Song Tử Tây chưa có trường riêng, lớp học phải mượn tạm nhà bộ đội; thiếu điện sáng, các thầy soạn giáo án, chấm bài cho học sinh dưới ánh nến chập chờn. Năm 2015, Trường tiểu học xã đảo mới được xây mới, điều kiện dạy và học dần được cải thiện, nâng cao hơn. Hiện nay, sách vở, tư liệu, đồ dùng học tập… đều được các sở, ban, ngành và đoàn công tác hỗ trợ, cho nên tương đối phong phú. Hai thầy cho biết, tài sản quý giá nhất của họ trên đảo Song Tử Tây chính là tủ sách chung được xây dựng từ lúc mới nhận công tác, sau này bổ sung thêm sách biếu tặng của các đoàn công tác. Những cuốn sách ấy được hai thầy cẩn thận giữ gìn, phân loại, nâng niu để chắt chiu thêm tri thức.

 

Thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc bên các em học sinh trên xã đảo Song Tử Tây. Ảnh: Mai Xuân Tùng

Chiếc thước bàng vuông

Đến đảo Trường Sa Lớn, hỏi tên thầy giáo Bành Hữu Tình, người dân và chiến sĩ đều chỉ tay về phía cây bàng vuông đang xòe tán rợp. Cuối giờ chiều, thầy Tình thường tranh thủ chơi cờ với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên huyện đảo. Trước khi ra thị trấn Trường Sa công tác, thầy giáo Tình đã dạy học tại Trường tiểu học Suối Cát (Cam Lâm, Khánh Hòa) 13 năm. Khi có thông tin tuyển dụng ra Trường Sa, anh đã viết đơn tình nguyện để đạt được hoài bão của tuổi trẻ. Nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu ra nhận công tác, anh nhắc mãi về lớp học vỏn vẹn sáu học trò, trong đó có một em lớp bốn, hai em học lớp hai và ba em học mầm non. Ở lớp học ấy, thầy giảng bài cho học sinh lớn rồi quay sang học sinh nhỏ, chốc chốc lại bày trò chơi, lo bỉm sữa, trông nom những em bé còn bi bô, chập chững. Vất vả là vậy nhưng lúc nào lớp học cũng ngập tràn tiếng cười. Cha mẹ thầy Tình đều đã khuất núi, giống như thầy Phú, anh ước nguyện được gắn bó lâu dài với đảo xa.

Các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa chia sẻ, mỗi lần đi ngang lớp học của thầy Tình, nghe tiếng trẻ học bài, họ đều vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ con và có thêm động lực hoàn thành nhiệm vụ. Trong những món đồ dùng dạy học, anh Tình quý nhất là chiếc thước kẻ được làm từ thân cây bàng vuông do các phụ huynh trên đảo Trường Sa tặng. Người dân trên đảo mong muốn, ngoài những bài giảng trên lớp, thầy giáo sẽ dạy cho con mình nhiều điều tốt đẹp khác, nhất là tinh thần yêu Tổ quốc, yêu cái đẹp và vững vàng trước bão táp phong ba như cây bàng vuông vốn thế. Điều khiến chúng tôi bất ngờ, xúc động là khi vừa gặp thầy giáo Tình, anh cảm ơn mọi người đã tặng sách cho hai đồng nghiệp là thầy Phú, thầy Ngọc vài hôm trước. Anh tâm sự, ngoài đảo sóng điện thoại chập chờn, lúc có kết nối, các thầy chủ yếu gọi về nhà và gọi cho nhau. Đó đều là những cuộc gọi mang hơi ấm gia đình. Tin vui của đồng nghiệp ở đảo này khiến thầy giáo đảo khác phấn khởi theo.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, công dân sinh sống trên đảo Trường Sa Lớn kể với chúng tôi về những tình cảm đặc biệt của các thầy giáo với học trò nơi đây. Họ luôn coi học trò như con cái trong gia đình, ngoài dạy dỗ còn chăm sóc, bảo ban các cháu lúc vui chơi, sinh hoạt thường ngày. Tuy điều kiện biển đảo còn thiếu thốn so với đất liền nhưng thứ quý giá nhất mà mỗi công dân nhỏ ở Trường Sa nhận được chính là tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo, ấm nồng bên cạnh một gia đình lớn có bố mẹ, thầy giáo và bộ đội.

“Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển...”, đó là những câu thơ mà bất cứ vị khách nào ra Trường Sa, gặp các công dân nhỏ đều sẽ được nghe các em đọc. Rất nhiều em mạnh dạn bày tỏ mơ ước sau này được trở thành chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời hoặc gần gũi nhất là được làm người thầy đứng trên bục giảng như thầy giáo của các em đầy yêu thương, tận tụy mỗi ngày.

Không phụ tấm lòng của nhân dân, chiến sĩ, các thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, Nguyễn Bá Ngọc và Bành Hữu Tình đã dìu dắt được những học trò thông minh, ngoan ngoãn, đạt danh hiệu học sinh giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Với họ, việc được gieo chữ ở nơi đầu sóng ngọn gió vừa là niềm vinh dự cũng chính là nhiệm vụ thiêng liêng bản thân khao khát từ khi còn đứng trên bục giảng ở đất liền. Nhìn từng gương mặt trẻ thơ rạng ngời, coi trường lớp như mái ấm, trẻ lớn dạy trẻ nhỏ học nói bằng thơ của thầy, đủ hiểu các thầy giáo nơi đảo xa đã dạy dỗ học trò bằng tình yêu thương và trách nhiệm rất thiết thực, đậm sâu.

Giữa biển đảo bao la, hình ảnh những người chiến sĩ hải quân nắm tay các em nhỏ tạo thành một vòng tròn múa hát chung quanh cột mốc chủ quyền thật đẹp và xúc động. Đó là sự nối tiếp trong niềm tự hào dân tộc, cùng nhau vun đắp ý chí vượt qua khó khăn, chung tay xây dựng biển đảo quê hương giữa muôn trùng sóng gió.