Oai nghiêm quốc kỳ ở Trường Sa

Thứ Sáu 9:02 21/06/2019
ĐBP - Cùng là lá cờ Tổ quốc đỏ tươi, ngôi sao vàng năm cánh rực rỡ, cùng là bài hát Quốc ca đã thuộc lòng từ thuở bé… Những điều vốn đã thân quen ấy lại trở nên bồi hồi, thổn thức đến lạ kỳ khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Quần đảo Trường Sa, giữa vùng trời Tổ quốc nơi đầu sóng. Dưới quốc kỳ oai nghiêm, giữa sóng gió điệp trùng, bên những con người đang ngày đêm canh giữ biển trời, chúng tôi - những người lần đầu ra thăm đảo đều cảm thấy xúc động, thiêng liêng.

 

Quân và dân trên đảo Nam Yết hướng về quốc kỳ trong Lễ chào cờ đầu tuần.

Ðiều đặc biệt là khi đoàn công tác chúng tôi đặt chân đến các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa, buổi lễ chào cờ nào cũng diễn ra giữa không gian ngập tràn nắng gió. Giữa khoảng sân rộng trước cột mốc đánh dấu chủ quyền mang tên mỗi đảo, các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đứng thành hàng thẳng tắp, trang nghiêm; đôi mắt họ hướng về phía quốc kỳ. Nhạc Tiến quân ca vang lên, bài Quốc ca được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đồng thanh hát vang. Từng câu, từng lời cất lên nơi đảo xa hòa vào tiếng sóng biển, tiếng gió trời và hòa vào sắc nắng Trường Sa như chứa đựng bao lời hứa, khẳng định quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Với mỗi thành viên đoàn công tác chúng tôi, hát Quốc ca ở Trường Sa trở thành điều thiêng liêng chất chứa và những cảm xúc dâng trào.

Chiến sĩ Nguyễn Huỳnh Công Tước, đảo Sơn Ca đã hoàn thành nhiệm vụ của mình tại đảo và chuẩn bị ra quân dịp này. Chàng thanh niên tuổi đôi mươi chia sẻ với chúng tôi: “Ðây là lần cuối cùng em được thực hiện lễ chào cờ trên đảo. Kể từ ngày đầu tiên đặt chân đến đây, với em, mỗi buổi lễ chào cờ đều trở nên quen thuộc và khi đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân, em như có thêm quyết tâm, trách nhiệm góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc...”.

Ngoài lễ chào cờ diễn ra trên các đảo, thì mỗi tối chúng tôi lại được chứng kiến lễ hạ cờ của các nhóm chiến sĩ trực đảo. Ðều đặn, đúng 21 giờ hàng ngày, nhóm chiến sĩ gồm 5 thành viên, trước khi hết ca trực, họ làm nghi lễ hạ cờ tại cột cờ cạnh mốc chủ quyền nằm giữa đảo. Trong buổi lễ hạ cờ trên đảo Nam Yết, giữa không gian tĩnh mịch của bóng đêm, chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng sóng biển rì rào và những khẩu hiệu hô vang của các chiến sĩ. Khi lá cờ đã được gấp cẩn thận trên tay, các chiến sĩ đem về cất giữ trong phòng truyền thống, để 5 giờ sáng hôm sau nhóm chiến sĩ trực ca sẽ thực hiện nghi lễ thượng cờ.

Cờ Tổ quốc trên cột mốc chủ quyền, cờ Tổ quốc trên những công trình thiết kế của đảo… luôn căng mình đón gió, hứng bão, phơi nắng, phơi sương. Bởi vậy mà cứ khoảng 3 - 5 ngày, tùy tình hình thời tiết mà lá cờ trên đảo đã bị nắng đảo làm cho bạc màu. Ðặc biệt, khi có cơn bão quét qua, với cấp gió mạnh trên cấp 7, chỉ qua một đêm, lá cờ đã không còn giữ nguyên được hiện trạng ban đầu, và cán bộ, chiến sĩ trên đảo lại thay thế một lá cờ mới. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền về biển đảo, trong dịp ra công tác tại quần đảo Trường Sa lần này, chúng tôi còn mang những lá cờ đỏ sao vàng từ đất liền tặng cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Nhận những lá cờ từ tay chúng tôi, Trung tá Ðào Văn Kha, Ðảo trưởng đảo Nam Yết xúc động chia sẻ: “Những lá cờ này là món quà ý nghĩa đối với chúng tôi. Hình ảnh lá cờ tung bay trên đảo luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ chúng tôi ngày đêm cố gắng canh giữ biển trời, xứng đáng với niềm tin yêu của đất liền gửi gắm...”.

Lá cờ Tổ quốc ở Trường Sa thể hiện chủ quyền lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Dưới lá cờ đỏ sao vàng oai nghiêm bay phấp phới, bao thế hệ chiến sĩ đã cống hiến sức trẻ, máu xương của mình cho hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ; những cán bộ, chiến sĩ Trường Sa luôn tự nhắc mình về câu nói cuối cùng của liệt sĩ Trần Văn Phương trước khi hi sinh tại hải chiến Gạc Ma (14/3/1988), quấn chặt lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, anh hô vang: “Hãy để máu của tôi tô thắm lá cờ…”.