Cuộc sống ở đảo chìm

Thứ Năm 9:49 12/09/2019

ĐBP - Khi thủy triều lên thì đảo chìm chỉ là những khối nhà bê tông kiên cố giữa biển nước mênh mông. Khi thủy triều rút, xung quanh đảo chìm hiện ra những bãi đá, bãi san hô lấp lánh với đủ sắc màu của vỏ sò, vỏ ốc với những hình dạng vô cùng đẹp mắt. Trong chuyến công tác đến các đảo chìm của Huyện đảo Trường Sa đầu năm 2019, chúng tôi vô cùng ấn tượng và cảm phục tinh thần vượt khó của các chiến sĩ hải quân nơi đây. Hàng ngày, các anh vẫn luôn rèn luyện, giữ vững kỷ luật, nêu cao cảnh giác, vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn để hoàn thành tốt nhiệm vụ canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Ðá Lớn C chăm sóc vườn rau.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước cùng với sự quan tâm của người dân cả nước, đời sống cán bộ, chiến sĩ trên các đảo ngày càng được cải thiện và nâng cao. Thông qua các hoạt động như tăng gia sản xuất, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã giúp cho cán bộ, chiến sĩ từng bước rút ngắn khoảng cách với đất liền.

Ðến các đảo chìm như: Ðá Lớn, Tiên Nữ, Tốc Tan, Cô Lin, Núi Le, Len Ðao… có thể thấy không gian trên các đảo tuy khá hẹp, nhưng tất cả đều ngăn nắp, gọn gàng. Hiện nay, hầu hết các đảo đều đã được trang bị hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Sau giờ làm nhiệm vụ, huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ tranh thủ tăng gia sản xuất… để cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, các anh còn thường xuyên cấp nước lọc miễn phí cho các ngư dân đánh bắt xa bờ, hỗ trợ nhu yếu phẩm, thuốc men khi ngư dân cần giúp đỡ.

Thượng tá Nguyễn Văn Cao, Chỉ huy Trưởng đảo Cô Lin, cho biết: tăng gia sản xuất là một trong những hoạt động tiêu biểu được cấp ủy và chỉ huy đảo thường xuyên quan tâm. Trong đó, chú trọng việc chăn nuôi, trồng rau xanh và đánh bắt hải sản… Theo thượng tá Nguyễn Văn Cao, ngoài nhận thực phẩm theo chế độ được cấp của đơn vị thì cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn tích cực tăng gia sản xuất nên nguồn thực phẩm khá dồi dào. Việc trồng rau xanh cũng hết sức công phu. Trong điều kiện khắc nghiệt ở đảo, nước ngọt hạn chế, nên phải chọn các loại rau phù hợp và thời gian sinh trưởng ngắn ngày như: mồng tơi, cải xanh và rau dền…

Công nhân lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên đảo Núi Le B.

Trong đời sống tinh thần, văn hóa, văn nghệ, chúng tôi nhận thấy phần lớn các đảo chìm đều đã được trang bị màn hình ti vi cỡ lớn với đầu thu kỹ thuật số cùng hệ thống karaoke hiện đại. Bên cạnh đó các thiết bị dùng để tập luyện thể thao rèn luyện sức khỏe cũng được trang bị đầy đủ trong các nhà văn hóa khang trang trên đảo. Hơn thế nữa, các tủ sách trên từng điểm đảo ngày càng phong phú, đa dạng với nhiều đầu sách báo, tạp chí, ấn phẩm được mang ra từ đất liền… Trung bình, mỗi tủ sách ở các đảo thường có trên 1.000 đầu sách, báo các loại, cơ bản đáp ứng nhu cầu giải trí, học tập và nghiên cứu của cán bộ, chiến sĩ. Chiến sĩ Phạm Hữu Trung ở đảo Tốc Tan A, cho biết: Tủ sách của đơn vị có khá nhiều đầu sách phù hợp với kiến thức và được bổ sung thường xuyên mỗi khi có đoàn trong đất liền ra thăm. Trong đó có những đầu sách chuyên về pháp luật và kinh tế, khoa học… giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu biết rộng hơn, cập nhật thêm tri thức và mở mang tầm nhìn. Việc trang bị tủ sách tại các đảo nói chung và đảo chìm ở Quần đảo Trường Sa nói riêng được xem như những công trình thiết thực mang ý nghĩa phục vụ đời sống và hoạt động của cán bộ, chiến sĩ, vừa khắc phục khó khăn trong điều kiện công tác sinh hoạt nơi đảo xa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mặc dù cuộc sống nơi đảo xa vẫn còn bộn bề gian khó, nhưng với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa - Hoàng Sa thân yêu”, bằng sự quan tâm động viên kịp thời từ các cấp, ngành và nhân dân cả nước, cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã được tiếp thêm nhiều sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần. Ðó là yếu tố quan trọng để những người lính đảo luôn cảm nhận được hơi ấm của đất liền và luôn quyết tâm bám trụ ngày đêm để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.