UBTVQH cho ý kiến việc sửa đổi 2 luật về tổ chức chính quyền

Thứ Ba 9:03 16/07/2019

Tại phiên họp thứ 35 diễn ra vào chiều 15/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

 

Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ (TCCP) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP).

Theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật (UBPL) đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Nội vụ) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để chỉnh lý dự thảo Luật.

Ngày 11/7/2019, Thường trực UBPL đã có Báo cáo số 2430/BC-UBPL14 về các vấn đề dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TCCP và Luật Tổ chức CQĐP.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến đối với những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật liên quan đến số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; phân cấp, ủy quyền giữa trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền; giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp; bộ máy giúp việc của CQĐP; thực hiện thí điểm mô hình đổi mới tổ chức bộ máy; phiên họp của HĐND và hoạt động của HĐND, UBND, đại biểu HĐND; về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND;…

Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định đã báo cáo về một số vấn đề lớn dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo đó, về khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa, Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến ĐBQH tán thành với việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn về khung số lượng cơ quan chuyên môn nhằm bảo đảm tính thống nhất của nền hành chính, sự chỉ đạo, điều hành thông suốt của trung ương nhưng vẫn tạo sự chủ động, sáng tạo cho địa phương trong việc bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị không nên quy định cụ thể về các đơn vị bên trong, trực thuộc cấp tổng cục, cục, vụ, viện, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện như thể hiện tại Khoản 3b Điều 23 của dự thảo Luật vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật TCCP.

Thường trực UBPL và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với ý kiến của các ĐBQH cho rằng, việc giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương chủ động quyết định, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể; xác định những cơ quan chuyên môn nhất thiết phải tổ chức, những cơ quan chuyên môn có thể tổ chức linh hoạt tùy theo đặc điểm, tình hình của địa phương và một số cơ quan chuyên môn đặc thù, không phải địa phương nào cũng có. Như vậy, trên toàn quốc sẽ tạo nên sự “thống nhất trong đa dạng” trong việc tổ chức các cơ quan chuyên môn, không còn tình trạng tổ chức đồng nhất như nhau giữa các địa phương, không phải trung ương có cơ quan nào thì địa phương có cơ quan đó...

Về việc quy định cụ thể về các đơn vị bên trong, trực thuộc các vụ, đơn vị và cơ quan chuyên môn, đúng như ý kiến ĐBQH đã nêu, phạm vi điều chỉnh của Luật TCCP là quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; còn những vấn đề cụ thể khác về tổ chức bộ máy bên trong là thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Do đó, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: Sửa đổi Khoản 3 Điều 23 của Luật hiện hành để bổ sung nội dung Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; quy định tiêu chí thành lập đơn vị bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Sửa đổi Khoản 4 Điều 23 của Luật hiện hành để bổ sung nội dung Chính phủ quy định số lượng cấp phó tối đa, biên chế tối thiểu trong các cơ quan hành chính nhà nước...

 

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Về phân quyền, phân cấp, ủy quyền, theo Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị nghiên cứu một cách toàn diện, cụ thể hơn vấn đề phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền với nhau để bảo đảm tính thống nhất với các luật chuyên ngành khác. Một số ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm ủy quyền, chủ thể ủy quyền và chủ thể được ủy quyền.

Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý lại Điểm e Khoản 2 Điều 11, Khoản 1 Điều 12 và Khoản 1 và Khoản 2 Điều 14 theo hướng: Gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp và việc bảo đảm các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho các địa phương. Quy định cụ thể hơn khái niệm, chủ thể ủy quyền và chủ thể được ủy quyền; trách nhiệm của các cơ quan khi thực hiện ủy quyền và các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền.

Về việc giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp, giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, đa số ý kiến ĐBQH tán thành việc cụ thể hóa chủ trương của trung ương trong việc giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại đơn vị hành chính, giảm số lượng cấp phó của HĐND.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định cũng nhấn mạnh, giảm như thế nào, giảm ở cấp nào, cơ quan nào thì ý kiến còn khác nhau. Đối với HĐND cấp huyện thì đa số ý kiến thống nhất. Đối với HĐND cấp tỉnh thì đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 2 Phó Chủ tịch HĐND) hoặc đề nghị quy định số lượng cấp phó căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đối với việc giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị nên giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 02 Phó Trưởng ban) hoặc quy định linh hoạt hơn.

Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị giữ nguyên cơ cấu thành viên của UBND các cấp như Luật hiện hành nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị cần sửa đổi quy định này theo hướng giảm số lượng thành viên UBND, giữ cơ cấu của UBND gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và một số người đứng đầu các cơ quan chuyên môn như Luật Tổ chức HĐND và UBND (năm 2003).

Thường trực UBPL và cơ quan chủ trì soạn thảo thấy rằng, việc quy định cơ cấu thành viên UBND gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND như Luật hiện hành nhằm phát huy trí tuệ tập thể của UBND trong quản lý, điều hành, giải quyết công việc của UBND; đồng thời, cũng thuận lợi cho HĐND trong hoạt động giám sát, chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm.

Về bộ máy giúp việc của CQĐP, nhiều ý kiến của ĐBQH và ý kiến thẩm tra của UBPL đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về bộ máy giúp việc của CQĐP nhằm thực hiện chủ trương hợp nhất 3 Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND.

Về vấn đề này, Tờ trình của Chính phủ cho rằng, việc hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh đang thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội và Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của UBTVQH. Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã cân nhắc kỹ vấn đề này và đề nghị chưa quy định trong dự thảo Luật những vấn đề đang tiến hành thí điểm, chưa thực hiện việc sơ kết, tổng kết theo chủ trương của cấp có thẩm quyền.

Thường trực UBPL thấy rằng, chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một Văn phòng tham mưu, giúp việc chung đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Hiện tại, đã có 12 địa phương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4/10/2018 của UBTVQH. Nếu không sửa các quy định liên quan đến bộ máy giúp việc của CQĐP sẽ không tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, tổ chức lại 3 Văn phòng và như vậy, sau khi kết thúc việc thí điểm, để tổ chức, sắp xếp lại các Văn phòng khác với hiện nay thì Chính phủ lại phải trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật để quy định về vấn đề này.

Vì vậy, Thường trực UBPL đề nghị cần sửa đổi ngay các quy định có liên quan đến bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương để tạo cơ sở pháp lý, dự liệu trước cho việc sắp xếp tổ chức lại 3 Văn phòng sau thí điểm. Với những lý do nêu trên, Thường trực UBPL đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến Văn phòng HĐND cấp tỉnh, Văn phòng UBND cấp tỉnh và Chánh Văn phòng HĐND cấp tỉnh tại 3 điều trong Luật Tổ chức CQĐP theo hướng: Không quy định Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc cơ cấu của Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại Khoản 2 Điều 18, Khoản 2 Điều 39. Sửa đổi, bổ sung Điều 127 về bộ máy giúp việc của CQĐP theo hướng khái quát về cơ quan, chức năng, nhiệm vụ mà không xác định cụ thể tên gọi của cơ quan này.