Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra trong 22 ngày

Thứ Ba 15:07 16/07/2019

Sáng 16-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp tổng kết kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tám của Quốc hội và nhiều nội dung quan trọng khác. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

 

Báo cáo về kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tiếp tục được cải tiến và vẫn luôn là một nội dung trọng tâm của kỳ họp được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Tại phiên chất vấn của kỳ họp, đã có 230 lượt đại biểu Quốc hội tham gia chất vấn và tranh luận. Thời gian tuy giảm so với các kỳ họp trước nhưng số lượng đại biểu Quốc hội và câu hỏi chất vấn tăng hơn. Các nhóm vấn đề được chọn đều được nhân dân quan tâm, đang nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, thuộc các lĩnh vực an ninh, giao thông, xây dựng, văn hóa.

Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội hài lòng với những nội dung trả lời của các thành viên Chính phủ cũng như trưởng ngành. Các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn không né tránh những vấn đề khó, phức tạp và đã giải trình làm rõ thêm những vấn đề đại biểu nêu. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung trả lời chất vấn chung chung, chưa đúng trọng tâm.

Về kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, dự kiến diễn ra trong khoảng 22 ngày làm việc, phiên khai mạc vào ngày 21-10 và bế mạc vào ngày 20-11- 2019.

Bên cạnh những nội dung như thông lệ về chất vấn, trả lời chất vấn, giám sát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị giảm tối đa tài liệu bằng văn bản giấy, nghiên cứu giảm hoặc bỏ thảo luận ở tổ do hiệu quả chưa cao và tăng thời gian thảo luận ở hội trường (từ 2,5 lên 3 ngày).

Cho ý kiến việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, chưa nên bỏ thảo luận tổ, nhưng không nên ghép nhiều nội dung vào một buổi họp tổ. Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đều cho rằng cần khắc phục, hạn chế tối đa việc vắng mặt, nghỉ sớm tại các phiên thảo luận tổ.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, chưa có kỳ họp nào đại biểu vắng nhiều như tại kỳ họp thứ bảy vừa qua; cần phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.