ĐBP - Thực hiện chủ trương, định hướng chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng, tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; những năm qua, Ngân hàng TMCP Công Thương Chi nhánh Điện Biên (VietinBank Chi nhánh Điện Biên) luôn coi việc đồng hành cùng chính quyền địa phương trong công tác chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì vậy, Ngân hàng TMCP Công Thương Chi nhánh Điện Biên đang nỗ lực cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng tốt nhất, chăm sóc mọi đối tượng khách hàng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Hiện thực hóa Đề án 06 trong thanh toán không dùng tiền mặt
Đồng chí Tạ Việt Bắc, Bí thư chi bộ - Quyền Giám đốc VietinBank Chi nhánh Điện Biên cho biết: “Tháng 05/2022, sau khi VietinBank Chi nhánh Điện Biên thống nhất quy trình phối hợp với BCĐ Đề án 06 tỉnh Điện Biên, đơn vị đã thực hiện chương trình ra quân đồng hành cùng 22 tổ máy tại các xã, huyện, thành phố, trị trấn trên toàn tỉnh. Sau 3 tháng triển khai với mục tiêu chuẩn bị dữ liệu sẵn sàng cho tỉnh Điện Biên chuyển đổi dữ liệu dân cư quốc gia, đơn vị đã tích cực hướng dẫn người dân trên toàn tỉnh, kể cả vùng sâu, vùng xa tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng”.
Nghị quyết 54-NQ/ĐU NHCT ngày 08/10/2021 của BCH Đảng bộ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã nêu rõ: “Chuyển đổi số phải đi liền với công tác bảo đảm an ninh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và sự phát triển bền vững, hiệu quả của NHCTVN, phát huy vai trò Ngân hàng Thương mại lớn đồng hành phục vụ cho sự phát triển của đất nước, góp phần hình thành nền kinh tế số, xã hội số”. Để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, chi bộ đã xác định tầm quan trọng của việc mở và sử dụng tài khoản đến mọi người dân trong công tác chuyển đổi số tại địa phương. Đồng thời, các đồng chí trong chi bộ và cán bộ, nhân viên đã nhiệt tình hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản ngân hàng một cách an toàn, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí. Chi bộ cũng xác định, đây là cơ sở quan trọng để thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ.
Đồng chí Tạ Việt Bắc cho biết thêm: “Trong quá trình triển khai, có nhiều xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, đặc biệt người dân chưa nắm được các thông tin, chưa hiểu hết được tầm quan trọng của Đề án 06. Do đó, cán bộ ngân hàng đã tư vấn, truyền thông, giải thích và định hướng cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nắm bắt được tầm quan trọng về việc chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán tại các ngân hàng”.
Tại một số địa bàn xa như huyện Nậm Pồ, Mường Nhé... người dân luôn có tâm lý e ngại khi mở tài khoản ngân hàng vì thói quen sử dụng tiền mặt và sợ mất tiền trong tài khoản khi bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo. Vì vậy, cán bộ ngân hàng dành nhiều thời gian để giải thích và hướng dẫn các phương thức bảo mật, như: nhận diện khuôn mặt, vân tay, OTT... để đảm bảo an toàn trong việc sử dụng internet banking thông qua ứng dụng VietinBank Ipay, từ đó đã từng bước tạo thói quen tiêu dùng thông qua tài khoản cho người dân.
Kết quả, sau 6 tháng (từ tháng 5/2022 đến tháng 11/2022) với sự kiên trì đồng hành cùng các tổ máy, VietinBank Điện Biên đã thực hiện mở thành công hơn 38.000 tài khoản mới trên toàn bộ 10 đơn vị hành chính của tỉnh.
Cung cấp các phương tiện thanh toán cho lực lượng vũ trang ở tuyến xa
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới nên lực lượng vũ trang phải thường xuyên canh trực tại các đồn trong các xã vùng biên. Tại đây, cán bộ, chiến sỹ tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng rất khó, do không có trụ sở giao dịch ngân hàng đặt tại địa bàn. Thấu hiểu điều đó, từ tháng 2/2022, VietinBank Chi nhánh Điện Biên đã nhiều lần thực hiện hành trình dài, vượt qua những đoạn đường núi gập ghềnh, trắc trở, trời mưa trơn trượt… đến tận các trụ sở công an, đồn biên phòng để giới thiệu giải pháp chi lương và trực tiếp hướng dẫn cán bộ, chiến sỹ sử dụng các chức năng của ứng dụng Internet banking. Nhờ sự lãnh chỉ đạo của các đồng chí trong Ban Chi ủy, sự nỗ lực không ngừng của các đảng viên trong chi bộ và nhân viên, đến thời điểm này, VietinBank Chi nhánh Điện Biên đã cung cấp hơn 2.100 tài khoản cho 100% cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an, biên phòng vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh đó, VietinBank Chi nhánh Điện Biên giúp các cán bộ, chiến sỹ được tiếp nhận và sử dụng các dịch vụ tiện ích của ngân hàng như chuyển khoản nhanh chóng, thanh toán trực tuyến, thanh toán hoá đơn tiền điện, tiền nước, nạp tiền điện thoại di động, gửi tiết kiệm online. Những ứng dụng trên di động còn giúp cán bộ, chiến sỹ dễ dàng tiếp cận các khoản vay ngân hàng qua lương để phục vụ nhu cầu chi tiêu sinh hoạt, đầu tư, mua sắm, sửa chữa nhà cửa…. Nhờ đó, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, không cần phải di chuyển đến ngân hàng để thực hiện các giao dịch, cán bộ chiến sỹ làm việc hiệu quả hơn và tập trung hơn vào các nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Nguyễn Hồng Quân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Nhà cho biết: “Sự hiện diện và hỗ trợ của VietinBank Chi nhánh Điện Biên đã giúp các cán bộ, chiến sỹ vùng biên cương như chúng tôi rất nhiều. Ngày trước, khi chúng tôi chưa chi lương qua tài khoản, việc chi lương tiền mặt mất rất nhiều thời gian cho kế toán. Đặc biệt, khi các cán bộ, chiến sĩ muốn gửi tiền về nhà thì phải đi xe ra trung tâm huyện gần 30km. Từ khi có VietinBank Ipay - ứng dụng chuyển tiền trên điện thoại của VietinBank, đã giúp chúng tôi tiết kiệm công sức, thời gian và chi phí. Chính sự cảm thông và nhiệt tình, tâm huyết của các đồng chí cán bộ, nhân viên ngân hàng VietinBank Chi nhánh Điện Biên đã tạo sự kết nối và tăng cường mối quan hệ thân thiết giữa ngân hàng và cán bộ, chiến sỹ nơi đây và chúng tôi rất tin tưởng trong việc sử dụng các dịch vụ mà ngân hàng cung cấp”.
Ngoài việc hỗ trợ đồng hành cùng người dân và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Điện Biên, VietinBank Chi nhánh Điện Biên còn quan tâm đến đối tượng người có công, người hưởng trợ cấp xã hội thông qua việc mở tài khoản ngân hàng cho các đối tượng khách hàng này.
Chi trả trợ cấp cho người có công, đối tượng hưởng trợ cấp qua tài khoản
Đồng chí Tạ Việt Bắc, Bí thư chi bộ VietinBank Chi nhánh Điện Biên chia sẻ, ngay khi UBND tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch 452/KH-UBND ngày 16/02/2023 về triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, Chi bộ VietinBank Chi nhánh Điện Biên họp bàn và quyết định khẩn trương xây dựng kế hoạch và chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc triển khai đồng loạt tại các địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay và huyện Điện Biên.
Thực tế cho thấy, đối tượng nhận trợ cấp xã hội đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều; những người có công với cách mạng là người cao tuổi, nên việc tiếp cận và triển khai thanh toán không dùng tiền mặt là rất khó khăn. Vì vậy, VietinBank Chi nhánh Điện Biên đã xây dựng bộ sản phẩn dịch vụ với nhiều chính sách ưu đãi, tiện ích và phù hợp nhất với các đối tượng như: Miễn phí mở tài khoản, miễn phí phát hành thẻ, miễn phí rút tiền nội mạng và ngoại mạng, miễn phí duy trì số dư tối thiểu trên tài khoản thẻ; hợp tác với Bưu điện (VNPost) trong việc hỗ trợ người dân rút tiền tại các địa bàn không có mạng lưới của các Ngân hàng, qua đó miễn phí rút tiền tại Bưu điện, giải quyết được khó khăn cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và người có công với cách mạng.
Tính đến tháng 7/2023, VietinBank Chi nhánh Điện Biên đã triển khai mở tài khoản tại 9 địa bàn bao gồm: TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay, huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà và huyện Nậm Pồ với tỷ lệ hoàn thành hơn 52% tổng số lượng người nhận trợ cấp toàn tỉnh và đã thực hiện thanh toán cho toàn bộ số lượng tài khoản đã kích hoạt tại các địa phương nêu trên. Trong đó, 2 địa phương đạt tỷ lệ cao nhất là TX. Mường Lay (84%) với 424/506 người nhận trợ cấp, huyện Điện Biên đạt tỷ lệ hoàn thành mở tài khoản (74%) với số lượng 3.386/4.571 người nhận trợ cấp.
Đồng hành cùng ngành Giáo dục trong thanh toán không dùng tiền mặt
Đối với tỉnh miền núi như Điện Biên, hạ tầng giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận với công nghệ số vẫn còn có nhiều thách thức và ngành Giáo dục cũng không phải là ngoại lệ. Đặc biệt, tại nhiều điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin còn khó khăn, dân cư còn lạc hậu nên đã tác động lớn đến việc sử dụng các ứng dụng về công nghệ. Thực hiện nhiệm vụ “Từng bước xây dựng và phát triển hạ tầng số phù hợp” theo tinh thần của Nghị quyết 02/NQ/ĐUK (ngày 07/06/2021 của Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương), Ban lãnh đạo Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Điện Biên đã tài trợ kinh phí để 19 đơn vị trường học có thể tiếp cận triển khai thí điểm việc thực hiện thu học phí và các khoản thu khác qua phần mềm MISA EMIS của Công ty CP Misa. Đây là một trong những ứng dụng hữu ích cho các đơn vị giáo dục để quản lý các khoản thu, như: thu học phí, các khoản đóng góp, quản lý khoản cấp bù ngân sách hỗ trợ học phí, đồ dùng học tập cho học sinh.
Trường PTTH Chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Điện Biên Phủ được chọn là một trường trong những trường thí điểm triển khai các khoản thu qua phần mềm. Tại đây, VietinBank Chi nhánh Điện Biên đã phối hợp với nhà trường triển khai thành công thu học phí cho học sinh trên địa bàn ngay trong tháng 8/2023, với gần 90% phụ huynh học sinh đã thực hiện thanh toán học phí thông qua phần mềm cài đặt sẵn, hơn 10% phụ huynh còn lại thực hiện thanh toán thông qua chuyển khoản ngân hàng, đảm bảo mục tiêu thanh toán học phí 100% không dung tiền mặt. Đây là thành công bước đầu của việc ứng dụng chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, góp phần kiểm soát việc lạm thu học phí trong thời gian qua. Qua đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên có thể đánh giá tính hữu dụng của giải pháp thu học phí qua phần mềm kế toán MISA EMIS, đánh giá được khó khăn vướng mắc khi triển khai rộng hơn ra toàn tỉnh Điện Biên.
Ông Vũ Xuân Giang, Kế toán Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết: “Nếu chương trình được thực hiện thành công trên toàn tỉnh Điện Biên thì đây sẽ là một bước tiến vượt bậc về chuyển đổi số, đem lại những lợi ích to lớn, tiết kiệm thời gian, nhân lực, giảm thiểu sai sót và các rủi ro khi thanh toán bằng tiền mặt; minh bạch số liệu, phục vụ đắc lực cho các cấp quản lý trong việc giám sát và quản lý các khoản thu chi, hạn chế những vấn đề tiêu cực phát sinh liên quan đến các khoản thu chi trong ngành Giáo dục”.
Tính đến thời điểm 31/08/2023, đã có 05 điểm trường được VietinBank Chi nhánh Điện Biên hoàn tất cài đặt thông số, sẵn sàng triển khai thu học phí, các khoản thu khác ngay đầu năm học 2023 - 2024 vào tháng 09/2023.
Có thể khẳng định, để đạt được những kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Chấp hành Đảng bộ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, sự quyết tâm, đồng lòng, sáng tạo của Chi bộ VietinBank Chi nhánh Điện Biên cùng cán bộ, nhân viên của Chi nhánh trong việc hiện thực hóa, đưa các Nghị quyết của Đảng, của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, địa phương… đi vào cuộc sống. Nhờ đó, đã góp phần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số gắn liền với hoạt động cung cấp nhiều phương tiện thanh toán thay thế hình thức thanh toán tiền mặt cùng đa dạng các sản phẩm dịch vụ hiện đại, tiện lợi, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế.