Hội Cựu chiến binh tỉnh với phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu làm theo lời Bác”

Thứ Sáu 0:00 25/12/2015
ĐBP - Tính đến nay, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh có 15.571 hội viên, so với đầu nhiệm kỳ tăng 1.170 hội viên. Tổ chức cơ sở Hội có 188, số chi hội có 1.449 (trong đó số xã, phường, thị trấn, bản, tổ dân phố là 1.376 chi hội; đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp là 82 chi hội).

Phát triển kinh tế theo mô hình VAC kết hợp đầu tư máy móc, nhận thi công các công trình xây dựng trên địa bàn đã giúp gia đình CCB Thào A Của, bản Nậm Là, xã MườngNhé, huyện MườngNhé có nguồn thu nhập ổn định hơn 1 tỷ đồng/năm. Trong ảnh: Ông Của chăm sóc vườn cây ăn quả. Ảnh: Đức Linh

Cùng với việc xây dựng và phát triển Hội, phong trào "CCB gương mẫu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng" đạt được kết quả tốt. Quán triệt đường lối đổi mới của Đảng và thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh, nghị quyết đại hội CCB Việt Nam các cấp lần thứ IV, V, trong nhiệm kỳ qua, Hội CCB tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp hội trong tỉnh truyên truyền, vận động toàn thể hội viên tích cực thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng nông thôn mới trên quê hương mình. Nhờ vậy, phong trào thi đua CCB phát triển kinh tế đã đạt được thành công ban đầu. Hiện nay, toàn tỉnh có 25 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã do hội viên CCB làm chủ, thu lãi từ 500 triệu đồng/năm trở lên, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Có 773 trang trại, gia trại, trong đó có trên 50% thu lãi từ 100 - 500 triệu đồng/năm và có gần 1.000 CCB sản xuất kinh doanh giỏi. Các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu xuất hiện ngày càng nhiều, như: phát triển các doanh nghiệp, các hợp tác xã, kinh doanh tổng hợp của CCB TP. Điện Biên Phủ; mô hình trồng cà phê, trồng rừng của huyện Mường Ảng; mô hình trồng sa nhân, thảo quả, sơn tra của CCB Tuần Giáo; mô hình trồng chè shan tuyết của CCB Tủa Chùa; mô hình trồng dứa và nuôi gia súc của CCB Mường Chà; mô hình nuôi dê, bò, trâu của CCB Điện Biên Đông. Đặc biệt các CCB là thương binh, bệnh binh nhiễm chất độc da cam, đi ô xin đã tích cực tham gia làm kinh tế tùy theo sức và khả năng của mình, thể hiện “thương binh tàn nhưng không phế”. Tiêu biểu là các đồng chí: Bùi Văn Thọ, Bùi Viết Cương, Phạm Văn Dũng (TP. Điện Biên Phủ), Lường Văn Lả (Tuần Giáo), Cà Văn Diên (Mường Ảng), Nguyễn Trọng Nghiêu (Tủa Chùa), Bùi Sĩ Cành, Nguyễn Văn Mỹ (Điện Biên), Lâm Văn Kinh (Mường Chà)… Các cấp hội đã phối hợp cùng ngân hàng chính sách xã hội nhận ủy thác vay vốn, hiện nay toàn hội đang quản lý 442 tổ với số tiền vay 317 tỷ đồng. Nhờ có vốn vay, trong 5 năm qua, sản xuất kinh doanh phát triển nên hầu hết CCB có đời sống ổn định, tỷ lệ hộ CCB nghèo giảm từ 24% xuống còn 11,6% (thuộc các hộ CCB ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới), hộ khá, giàu đạt 60% (tăng 20% so với năm 2009), nhiều cơ sở hội không còn hộ nghèo, không có nợ xấu.

Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, các cấp hội đã vận động hội viên CCB tham gia hiến kế, hiến công, hiến đất. Hội viên CCB đã hiến 8.319m2 đất, tham gia hàng nghìn ngày công làm đường giao thông nông thôn, làm trường học, nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố...

Trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Hội đã thành lập được 468 tổ tự quản, 76 cụm liên kết an ninh, 1.127 tổ hòa giải, xây dựng được 1.860 điểm sáng về an ninh, 110 câu lạc bộ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên và nhân dân nơi cư trú. Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Vì người nghèo”, phong trào từ thiện nhân đạo của CCB cũng thành công tốt đẹp. 5 năm qua, CCB toàn tỉnh đã đóng góp ủng hộ hàng tỷ đồng vào các nguồn quỹ xã hội, riêng doanh nhân CCB Bùi Văn Thọ (Trường Thọ) đã ủng hộ 1,7 tỷ đồng, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Vũ Kim Thuần

 (P.Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ)