Học tập suốt đời...!

Thứ Năm 9:59 02/03/2017
ĐBP - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học, phải học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân... Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”. Lời dạy đó chính là lý do ở Nậm Pồ nhiều học sinh có hoàn cảnh hết sức khó khăn, không đủ điều kiện đến lớp với các bạn cùng trang lứa hoặc đã bước sang tuổi xế chiều, con đàn, cháu đống nhưng vẫn miệt mài đến với những lớp học đặc biệt...

Lớp học đặc biệt

Ngày nào cũng vậy, đều đặn 18 giờ 30 phút, thầy giáo Đinh Tiến Dũng, Trường Tiểu học Nà Hỳ số 1 (huyện Nậm Pồ) lại tất bật chuẩn bị giáo án, vượt gần 7km đường đất đá để đến với lớp học đặc biệt tại bản Huổi Sang – nơi có 16 học trò, với 16 hoàn cảnh khác nhau, nhưng lại có chung điểm sáng về tinh thần học tập. Trong ánh điện lập lờ, lớp học mượn tạm của một điểm trường bỏ không, thầy trò hăng say với những con chữ và phép tính của chương trình lớp 5. Lặng lẽ từng người đọc vanh vách bài văn của mình, có lẽ chỉ trước đây chừng vài tháng, không ai trong số họ nghĩ mình có thể làm được điều đó.

 

Cả giáo viên và học viên đều chăm chú với bài học.

Giữa những gương mặt đang chăm chú với bài học, chúng tôi bắt gặp ánh mắt có phần ngại ngùng của một người cao tuổi ngồi cuối lớp. Sau một hồi trò chuyện được biết, ông tên Giàng A Súa, năm nay đã 50 tuổi. Lý do ngại ngùng sau đó được chia sẻ là vì ông sợ chúng tôi sẽ cười khi thấy ông ngồi đánh vần từng đoạn văn. Khi được hỏi: “Sao ngại vậy mà vẫn tham gia lớp học”, ông Súa trả lời: “Tôi cũng ngại lắm, nhưng so với cái ngại với con cháu vì không thạo chữ thì còn kém xa. Ngày nhỏ cũng được đi học một ít, nhưng lâu dần giờ quên gần hết rồi, chỉ biết viết tên mình thôi. Thấy bọn trẻ ở nhà bảo nhau đọc chữ, tôi thèm lắm. Mấy tháng theo học, giờ tôi có thể dạy cả đứa cháu đang học lớp 2 rồi”. Kết thúc câu nói, đôi mắt ngại ngùng lúc đầu ánh lên niềm tự hào.

Trao đổi với thầy giáo Đinh Tiến Dũng về trường hợp ông Súa, chúng tôi được biết thêm: Như nhiều người Mông khác, trước đây vào mùa đi nương ông Súa cả tháng mới về nhà. Nhưng giờ thì khác, việc nương bận mấy ông cũng gác lại hôm sau làm tiếp để kịp về nhà lên lớp. Từ khi lớp học mở, ông Súa chưa ngày nào đến muộn hay vắng mặt, trừ lúc ốm đau.

Còn đối với Giàng A Của (18 tuổi), thực sự gây bất ngờ với chúng tôi, được biết từ khi sinh ra em chưa một ngày được đến trường. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mấy anh lớn và Của đều phải ở nhà phụ giúp bố mẹ việc nương và đi làm thuê kiếm tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày. Hoàn cảnh éo le, nhưng lại không đầu hàng số phận, khi thấy đám trẻ trong bản đọc chữ, Của nhẩm đọc theo; chúng viết chữ, Của mò viết theo. Bất kể điều gì bọn trẻ học từ trường lớp, thầy cô, em mót lại và gom góp thêm vào vốn kiến thức cho mình. Chẳng thế mà khi tham gia lớp học, Của đã có thể đọc thông, viết thạo, việc học những con số, phép tính bây giờ lại càng trở nên dễ dàng hơn. Của chia sẻ: “Do hoàn cảnh gia đình không cho phép, nên em chẳng dám mơ cao. Trước mắt là đọc thông thạo để tìm hiểu sách vở, phụ giúp công việc chăn nuôi của gia đình thêm thuận lợi; biết tính để khi bán con gà, con vịt, hay lúa, ngô làm ra và mua các thứ khác đỡ bị thiệt thòi”.

Nếu như đến lớp học này, mục tiêu của Giàng A Của chỉ đơn giản vậy thì đối với trường hợp của Tráng A Phềnh (25 tuổi) lại xa hơn. Em chia sẻ với chúng tôi: “Em thích học lắm, nhưng nhà có tới 6 anh chị em, em lại là cả. Nhà nghèo quá, học đến lớp 2 em phải ở nhà phụ giúp bố mẹ làm thêm để lo cho các em. Trước đây, em chẳng bao giờ dám mơ được đến trường nhưng vẫn khát khao một ngày được đứng trên bục giảng dạy chữ cho bọn trẻ. Lớp học này chính là nơi để em bắt đầu tiến gần hơn với khát khao đó. Bởi em nghe thầy giáo nói, những lớp học như thế này có thể sẽ được tiếp nối, nếu chúng em thực sự vẫn có nhu cầu”. 

Chắp cánh cho những khát vọng...

Được biết, đây là chương trình do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ xây dựng trên toàn địa bàn trong năm học 2016 - 2017. Không chỉ có lớp học ở bản Huổi Sang, trong năm học này toàn huyện Nậm Pồ có 15 lớp học tương tự được mở tại 8 xã, với 214 học viên tham gia. Tất cả đều dựa trên những khảo sát từ nguyện vọng, đăng ký của người dân địa phương và khi tham gia học sẽ được hỗ trợ sách vở, trang thiết bị học tập. Cũng chính bởi người học chủ động đăng ký nên phần lớn đều tự giác đến học và tự chủ với kiến thức tiếp nhận.

Khai giảng từ tháng 9/2016, sau 4 tháng học chương trình của lớp 4, đến nay cơ bản số học sinh theo học đều đã đọc thông, viết thạo và thuần thục với các phép tính. Mới đây, sau khi chương trình học lớp 4 kết thúc, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tổ chức khảo sát, đánh giá tổng thể, trên cơ sở đó đưa ra những hướng điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời xây dựng định hướng cho các năm tiếp theo.

Khác với lớp học xóa mù được triển khai trong năm học 2015 – 2016, đây là lớp học sau xóa mù, dành cho những người cơ bản đã biết chữ, nhưng chưa thành thạo do đã quên, hoặc không có điều kiện theo học tiếp. Kiến thức học viên được tiếp nhận là chương trình học của lớp 4 và lớp 5, nhằm bổ sung khả năng viết, đọc, làm các phép tính thông thường. Thế nhưng, trên cả mong đợi, nhiều thời điểm số học sinh đến với lớp học vượt quá danh sách đăng ký, nhiều người lớn tuổi mang theo cả con, cháu tới lớp... Cũng từ những lớp học này, nhiều học sinh, nhất là người trẻ tuổi lại có thêm sự mở mang và những khát vọng mới, không chỉ là con chữ đơn giản, nhiều em đã mạnh dạn chia sẻ khát vọng trở thành người thầy giáo, cán bộ trong tương lai...

Bà Hoàng Thị Bích, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: “Sau khi kết thúc đợt đào tạo này, ngành tiếp tục tuyên truyền, cho rà soát toàn địa bàn để nắm bắt nguyện vọng của nhân dân. Nếu người dân vẫn có nhu cầu, phòng sẽ nghiên cứu tiếp tục mở các lớp học sao cho phù hợp. Chúng tôi sẵn sàng chắp cánh cho những khát vọng học tập chính đáng. Bởi khách quan mà nói, đứng về phía ngành, mục tiêu phấn đấu của chúng tôi là, đến năm 2020 có 90% xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ II và huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ II, mà chính những người dân nơi đây lại chủ động thì đáng mừng quá. Chẳng gì quý hơn khi họ coi việc học tập là suốt đời!”.