Tình người Điện Biên

Thứ Hai 13:24 28/01/2019

ĐBP - Khách đến Ðiện Biên bằng đường bộ khởi hành từ Hà Nội đi Hòa Bình, qua Sơn La đến Ðiện Biên chậm lại hành trình, qua Pha Ðin pass, Ðào Viên Sơn tour, Tằng Quái lầu ngắm phong cảnh, thưởng thức ẩm thực địa phương và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa các dân tộc nơi đây trước khi tới TP. Ðiện Biên Phủ với quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ để chiêm nghiệm về một giai đoạn lịch sử oai hùng của dân tộc. Người thích du lịch trên đường (dân chuyên nghiệp gọi là “phượt”) qua TP. Ðiện Biên Phủ đến A Pa Chải - nơi “ba nước nghe chung tiếng gà gáy sáng”, sẽ qua Ma Thì Hồ nay xanh rừng trẩu và cây chủ thả cánh kiến. Biết đâu khách sẽ gặp lão nông Hạng Dụ Chống để nghe ông kể chuyện xưa. Ðể cảm nhận thêm rằng dù là người bản địa hay dân miền xuôi lên lập nghiệp, đã là người Ðiện Biên đều nguyện hết mình xây dựng nơi đất ở ngày càng đẹp hơn.

 

Ðào Viên Sơn tour (xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng) là điểm đến lý thú cho du khách khi đến Ðiện Biên. Ảnh: Văn Thành Chương

1. Gặp lại lão nông Hạng Dụ Chống - người Mông tiên phong trong việc “hạ sơn” ổn định cuộc sống của bản Hô Chim II (xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà) tôi không khỏi ngỡ ngàng. Ðã qua tuổi 80 song ông vẫn giữ dáng vẻ nhanh nhẹn được tôi luyện trong những năm tham gia công tác tại Lâm trường Ðặc sản Mường Lay (nay là huyện Mường Chà). Ông nói, Hô Chim giờ đã mang dáng dấp của vùng nông thôn mới. Vui nhất là bà con đã tin vào thành quả của quyết định “hạ sơn” từ xã Huổi Lèng về vùng Ma Thì Hồ khi đó còn rất heo hút để làm kinh tế mới, khai hoang ruộng nước, chăn nuôi gia súc và trồng rừng.

Nhớ lại năm 1990, xã Huổi Lèng còn ở trên núi cao, chỉ làm được nương và thiếu nước sinh hoạt quanh năm. Khi ấy, ông Hạng Dụ Chống vừa nghỉ chế độ tại xã Huổi Lèng, theo vận động của huyện, ông cùng một số người thân quyết định vượt rừng tìm đất lập nghiệp. Từ Huổi Lèng sang điểm lập nghiệp Hô Chim ngày nay phải băng đường rừng gần nửa tháng. Ðến vùng đất có địa thế: Trên là đồi rừng, dưới có bãi bằng có thể làm ruộng nước, lại gần suối nước, thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất. Ðịa thế ấy cho ông quyết tâm vận động người thân định cư để trồng lúa nước như người Kinh, người Thái vùng lòng chảo Ðiện Biên. Tên bản “Hô Chim” có nghĩa là đầu nguồn suối được hình thành. Những năm đó, vùng Ma Thì Hồ vẫn được coi là chốn “rừng thiêng nước độc”, dịch sốt rét hoành hành. Ðể người trong bản không vì nản mà bỏ về quê cũ, ông phải lặn lội trở ra huyện nhờ cán bộ y tế huyện hướng dẫn kiến thức cơ bản về chẩn đoán và phòng, chữa các bệnh thông thường. Ông cũng đứng ra tổ chức khai hoang trồng lúa nước, đào ao thả cá, trồng cây chủ thả cánh kiến… rồi chăn nuôi gia súc và làm thủy điện nhỏ… để phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ ngày đường giao thông qua bản được mở rộng và trải nhựa, nông sản được tư thương vào tận nơi thu mua thì phong trào mở rộng diện tích trồng lúa nước và chăn nuôi đại gia súc ở Hô Chim càng phát triển. Có thời điểm bản đã dồn dân làm nhà ở tập trung, dành những khu đất có thể cải tạo thành ruộng bậc thang để trồng lúa. Nay thì trồng lúa và chăn nuôi đại gia súc đã trở thành nghề chính của dân bản Hô Chim II song ruộng không thể khai hoang thêm nữa, khai thác tiềm năng từ rừng là xu thế tất yếu và phù hợp với Hô Chim nhưng dân bản vẫn chưa tìm được hướng đi thích hợp. Mang theo trăn trở ấy, ông ra tỉnh tìm hiểu thị trường rồi nhu cầu, mong tìm ra phương sách để phát triển vốn rừng khi những chỉ dẫn của cán bộ nông nghiệp dường như chưa thuyết phục được dân bản theo “nghề” rừng.

 
Trả lời câu hỏi ông định làm thế nào để phát triển vốn rừng ở Hô Chim, người tiên phong mở đất gần 30 năm trước quả quyết phải động viên lớp trẻ gắn bó và làm giàu từ rừng. Có như thế mới trả nghĩa được cho quê hương.
  

2. Những ngày đầu năm 2019, bạn bè rủ nhau “đi trốn” ở một điểm dừng chân mới mang tên “Ðào Viên Sơn tour” ở bản Bua (xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng). Ðào Viên Sơn tour được cải tạo trên diện tích 7ha trước đây trồng cà phê Arabica của gia đình anh Nguyễn Ðức Lợi. Trong khuôn viên điểm đến còn có hơn 1.000 cây đào rừng, được nhân giống từ đào Pha Ðin, hiện giờ đã có cây nở rộ. Dọc con đường mòn trải nghiệm dài trên 1.200m, hoa chuối rừng đỏ rực, hoa lau trắng muốt cùng sắc hồng đào của gần 1.000 cây hồng cổ đang sung hoa lẫn trong không gian thơ mộng có cây cầu tình yêu để các bạn trẻ treo “khóa trái tim”, khèn Mông khổng lồ - biểu tượng văn hóa Mông của các tỉnh miền núi và cả chiếc cầu thang lên trời. Ông chủ Ðào Viên Sơn còn tái hiện một phần tích truyện dân gian Thái “Ải lậc cậc” với con trâu “thần” - cộng sự đắc lực của “Ông bố khổng lồ” khai hoang nên 4 cánh đồng “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” của Tây Bắc…

 

Ðào Viên Sơn tour còn phục vụ các món ẩm thực được gia đình nuôi, trồng, chế biến tại chỗ như lợn rừng, cà phê và đặc biệt là tảo xoắn được trồng theo mô hình khép kín - là sản phẩm chủ đạo cho các món ăn nhẹ và giải khát.

Còn nhớ cách đây không lâu có dịp trò chuyện cùng nhà văn Nguyễn Ðức Lợi, khi đó vừa cùng Hội Cà phê Mường Ảng mở điểm kinh doanh cà phê thật (loại cà phê trồng tại Mường Ảng, khi rang không tẩm thêm hương liệu và xay, đun hoặc pha tại chỗ). Anh nói điểm kinh doanh này là hiện thực hóa cho mục tiêu để những người đến Mường Ảng được uống cà phê thật và nghĩ khác về sản phẩm cà phê Mường Ảng. Nay thêm Ðào Viên Sơn tour, thêm một điểm đến để du khách được sống chậm lại, nghĩ khác và yêu thương nhiều hơn với Ðiện Biên.