Những tấm lòng hướng về đồng bào nghèo biên giới

Thứ Sáu 9:38 29/03/2019

ĐBP - Phía sau Chương trình từ thiện “Ấm lòng mùa xuân Tây Bắc” được tổ chức tại xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) vào trung tuần tháng 3 vừa qua là sự kết nối của Sở Kế hoạch và Ðầu tư và bà Nguyễn Thị Hữu, Giám đốc Công ty Chứng khoán Quân đội chi nhánh Bắc Sài Gòn - người con của đất Ðiện Biên lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Còn với người dân nơi đây đã lâu lắm rồi mới có dịp tập trung đông đến vậy, từng đoàn người xếp lượt chờ được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; các em học sinh háo hức khi nhận những suất học bổng ý nghĩa, người nghèo được tặng quà, gạo ngon, chăn ấm…

 

Bác sĩ Bệnh viện Quận 2, TP. Hồ Chí Minh khám bệnh cho người dân xã Phìn Hồ.

Cùng đoàn từ thiện vượt hơn 80 cây số đường đèo dốc quanh co, 8 giờ sáng chúng tôi đã có mặt ở trụ sở Ðảng ủy, HÐND, UBND xã Phìn Hồ như đã hẹn. Ðón chúng tôi ngay từ cổng là các cụ già, phụ nữ, trẻ em có mặt từ sáng sớm. Nhanh chóng các thành viên trong đoàn gần 30 người từ các bác sĩ của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Quận 2 (TP. Hồ Chí Minh), Trường Ðại học Y dược TP. Hồ Chí Minh lần đầu vượt hơn 2.000 cây số từ miền Nam xa xôi có mặt ở xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn này để khám bệnh cho người dân; rồi đến những cán bộ, nhân viên của Tập đoàn Mường Thanh tại Ðiện Biên, Công ty Chứng khoán Quân đội chi nhánh Bắc Sài Gòn… đều nhanh tay mỗi người một việc hướng dẫn người dân thông tin, quy trình chờ đợi khám chữa bệnh; hỗ trợ các bác sĩ khám bệnh, cấp thuốc. Dù thời tiết hanh khô hơn, ngột ngạt hơn bởi gió Lào, nhưng trong khuôn viên hội trường Ðảng ủy, HÐND, UBND xã Phìn Hồ; phía trước sân trụ sở vẫn tấp nập từng tốp người dân kiên nhẫn đợi đến lượt để được tư vấn sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí.

Dáng người gầy gò, bước đi chậm chạp, khuôn mặt sạm đen vì sự vất vả, lam lũ và cuộc sống khó khăn; bà Tông Chá Mẻ, bản Ðệ Tinh (dân tộc Xạ Phang) đi bộ hơn 3km từ 5 giờ sáng có mặt đúng giờ để được khám bệnh trong chương trình từ thiện này. Bà Mẻ cho biết: “Con trai mất sớm, tôi sống với con dâu nhưng cả tôi và nó đau ốm liên miên vì thế chẳng thể lao động, sản xuất được như gia đình người khác. Phần nữa đất sản xuất ít lại khô cằn nên thu hoạch mùa màng bấp bênh, thiếu đói quanh năm. Cảm thương với hoàn cảnh khốn khó, tôi được chính quyền địa phương đưa vào danh sách để được khám bệnh từ đoàn từ thiện này”. Ðược bác sĩ ân cần thăm hỏi, tư vấn sức khỏe và hướng dẫn sử dụng thuốc, bà Mẻ vui lắm! Niềm vui ấy càng được nhân lên khi cũng nằm trong khuôn khổ của Chương trình từ thiện “Ấm lòng mùa xuân Tây Bắc”, bà Mẻ nhận được phần quà, chăn ấm và 10kg gạo tám Ðiện Biên. Không chỉ bà Mẻ mà với người nghèo nơi vùng biên viễn này vừa được nhận gạo, khám bệnh, phát thuốc miễn phí là niềm vui khôn tả. Bởi cuộc sống khó khăn, quanh năm tất bật với nương ngô, cây lúa thì việc chăm sóc sức khỏe vốn là điều xa xỉ.

Vượt dặm dài từ cực Nam Tổ quốc tới vùng đất Tây Bắc của Tổ quốc xa xôi, với Bác sĩ Nguyễn Lê Hoàng, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh là những ngày đáng nhớ. Bác sĩ Hoàng tâm sự: Nghe rất nhiều về cuộc sống khó khăn của đồng bào vùng Tây Bắc của Tổ quốc nhưng khi tới tận nơi chứng kiến chúng tôi càng cảm thấy xót xa hơn. Không chỉ thiếu thốn về đời sống vật chất, tinh thần; sức khỏe của người dân nơi đây cũng chưa được quan tâm đúng mức. Nhìn các cụ già gầy guộc chống gậy ngồi chờ hay các cháu nhỏ áo quần chưa đủ mặc kiên nhẫn cùng bố mẹ đợi tới lượt khám bệnh, chúng tôi xúc động lắm và càng nỗ lực hơn để trong chương trình từ thiện này thêm nhiều cụ già, cháu nhỏ được tư vấn, thăm khám sức khỏe. Cũng vì thế mà hoạt động khám chữa bệnh, cấp phát thuốc được làm liền mạch qua cả bữa trưa tới gần 2 giờ chiều mới xong. Hơn 600 người dân được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí trong khoảng đó thời gian là sự làm việc miệt mài, tích cực của các bác sĩ và đoàn từ thiện. Và dù có thấm mệt và đói, nhưng với mỗi thành viên trong đoàn đều cảm thấy ý nghĩa, vui chung với niềm vui của người dân, nhất là người nghèo đã có mặt từ sáng sớm để đợi đến lượt được khám bệnh, nhận thuốc và tặng quà.

Không chỉ được tư vấn sức khỏe, khám bệnh, phát thuốc miễn phí trong số ấy còn hàng trăm hộ nghèo, người nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhận được phần quà là tiền mặt, gạo ngon và chăn ấm trị giá mỗi suất 1 triệu đồng từ các nhà tài trợ là Tập đoàn Mường Thanh và Công ty Cổ phần Ðầu tư Thái Hòa. Và 100 suất học bổng và dụng cụ học tập được trao tận tay tới học sinh nghèo trên địa bàn xã, góp phần giúp các em vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống.

Tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân vùng biên viễn, bà Nguyễn Thị Hữu rưng rưng xúc động. Bà Hữu tâm sự, dù xa quê lập nghiệp đã lâu nhưng tình cảm vẫn hướng về vùng đất, con người Ðiện Biên, mong muốn sẻ chia phần nào với sự vất vả với bà con các dân tộc cuộc sống còn nhiều gian khó. Chính vì vậy, khi thấy sự háo hức mong mỏi nhận các phần quà, được khám bệnh, nhận thuốc từ chương trình từ thiện của các cụ già, trẻ nhỏ, chị lại cảm thấy việc làm của mình và đoàn từ thiện được bà con trân trọng và thêm ý nghĩa hơn.

Ông Hồ Chử Dung, Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ cho biết: Phìn Hồ là xã đặc biệt khó khăn là nơi sinh sống của các dân tộc Xạ Phang, Mông, Thái…; được UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư giúp đỡ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Ðời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ đói nghèo cao (tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 63%)… Giúp xã bằng nhiều cách, ngoài tư vấn hỗ trợ phát triển kinh tế, thời gian qua, Sở đã tích cực kết nối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ bằng nhiều hình thức nhằm giúp nhân dân trên địa bàn từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Và với tấm lòng của mỗi thành viên trong đoàn từ thiện “Ấm lòng mùa xuân Tây Bắc” là sự sẻ chia, giúp đỡ người dân, nhất là người nghèo để tiếp thêm động lực cho người dân vươn lên trong cuộc sống.