Quân y ở mặt trận Ðiện Biên Phủ

Thứ Năm 19:13 18/04/2019

ĐBP - Trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Ðại tá, Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Long - chuyên viên nội soi tiêu hóa Cục Quân y còn là y sĩ của Ðội điều trị Ðại đoàn 308, phụ trách Ban trung - khinh thương. Ông là một trong những cán bộ quân y có mặt ngay từ ngày đầu chiến dịch. Trong nhật ký viết trên đường hành quân về hậu phương, ông đã viết:

“… Tôi về Ðội điều trị Ðại đoàn 308 từ tháng 10/1952, cùng với hai sinh viên Phan Chúc Lâm và Phạm Tử Dương. Chúng tôi là sinh viên khóa 1950 cùng được về học bổ túc một năm ở Trường Ðại học Y khoa Chiêm Hóa. Về Ðại đoàn 308, tôi tham gia ngay các chiến dịch Nghĩa Lộ (1952), Tây Bắc và Thượng Lào (1953). Ngày 28/11/1953, tôi được phổ biến lệnh hành quân đi chiến dịch mới, mang mật danh là Trần Ðình, với chức trách là trưởng Ban trung - khinh thương (Ban 2). Chúng tôi bắt đầu hành quân từ một khu rừng thuộc huyện Phú Xuân, tỉnh Thái Nguyên, nhưng không ai được biết trước sẽ đi về hướng nào. Khi vượt qua đèo Pha Ðin lên Tuần Giáo thì tôi mới nghe nói ta sẽ đánh trận Ðiện Biên Phủ. Chúng tôi được lệnh tiến lên phía trước triển khai phòng mổ. Sẩm tối hôm đó đã có 17 thương binh về trạm. Anh Ðặng Hiếu Trưng và tôi luân phiên mổ suốt đêm. Thương binh đủ loại vết thương, cả tứ chi, bụng, ngực, sọ não. Vài ngày sau thì Ðội điều trị Ðại đoàn 308 được lệnh chuyển gấp lên sát mặt trận, vì các đơn vị đã bám sát tuyến phòng ngự của địch.

Ðột nhiên tôi được lệnh dẫn một bộ phận đi lên hướng khác để đón thương binh. Nơi chúng tôi đến là một khe núi, sau này mới biết là gần bản Cò Chạy ở phía bắc lòng chảo Ðiện Biên. Bộ phận của tôi có 5 y tá, 2 nữ dân công, 3 nhân viên cấp dưỡng và 1 nhân viên quản lý. Tại khe núi này đã có sẵn một số lán của đơn vị trước để lại, chúng tôi làm phòng mổ, phòng tiêm, phòng thay băng. Lúc đầu, thương binh từ hỏa tuyến về rải rác, chỉ vài chục người nên cũng không quá căng thẳng. Chúng tôi tranh thủ làm thêm lán ở. Dần dần, thương bệnh binh của tất cả các đơn vị ở khu vực này đều dồn về, có lúc tới trên 150 người. Rất nhiều thương binh nặng, phải xử trí sớm và khẩn trương. Công việc hàng ngày của tôi là buổi sáng mổ những vết thương tối khẩn cấp và mổ lại những vết thương mới được sơ cứu ở tuyến trước, thay băng, bó bột cố định. Ðến trưa ăn vội vàng bát cơm rồi lại tranh thủ khám bệnh, ghi bệnh án điều trị, cân nhắc cho những thương binh ổn định sức khỏe về đơn vị chiến đấu. Nhiều hôm vì phải khám bệnh kê đơn thuốc nên tối mịt mới được ăn cơm chiều. Các y tá: Trại, Súy, Kiên và hai nữ dân công làm hộ lý là Mỹ và Cảnh lúc đầu rất sợ bẩn, sợ máu, sợ mùi hôi thối, nhưng chỉ vài ngày sau họ luôn có mặt ở lán thương binh nặng. Một buổi sáng, y tá Trại hốt hoảng tìm tôi báo cáo vì mất chiếc nhiệt kế. Tôi rất lo lắng, vì cả trạm chỉ có một nhiệt kế, làm sao để theo dõi tình trạng sốt của thương binh. Tôi hỏi kỹ và đoán có thể do Trại dậy sớm ra suối đánh răng, nhiệt kế để ở túi áo nên rất dễ bị rơi xuống suối. Tôi nghĩ chỉ còn cách đi dọc bờ suối để tìm chiếc nhiệt kế, phải vạch từng bụi cỏ, đám lau để xem xét kỹ. Lội một đoạn dài thì may quá đã phát hiện ra chiếc nhiệt kế bị vướng vào đám cây ven bờ. Ðiều làm chúng tôi yên tâm nhất là thương bệnh binh vẫn được ăn uống đầy đủ. Bữa nào tôi cũng được ăn cơm nếp nấu và luôn có canh rau tươi. Vài ngày trạm lại mổ con lợn, đôi khi lại có cả thịt gà do anh em tìm mua trong các bản của dân sơ tán trong rừng sâu. Ít ngày sau, trên điều thêm một đại đội dân công phục vụ công tác hậu cần.

Tôi không ngờ rằng trạm quân y nhỏ bé của chúng tôi lại được cấp trên quan tâm. Một hôm đồng chí Vũ Xuân Chiêm, đại diện Tổng cục Cung cấp tiền phương gửi cho tôi một bức thư, yêu cầu bảo đảm chế độ ăn cho thương bệnh binh và cả dân công hỏa tuyến. Sau này về Ban Quân y Chiến dịch tôi mới biết trong các buổi giao ban, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp thường hỏi về tình hình của “đội Tạ Long”, vì Ðại tướng biết trạm quân y của tôi làm nhiệm vụ cứu chữa thương binh của một hướng chiến dịch.

Rồi thương bệnh binh dồn dập chuyển về trạm ngày một nhiều hơn. Qua điện thoại, chúng tôi được lệnh chuyển bớt thương binh về Ðội điều trị 5 của Cục Quân y. Tôi tổ chức chuyển 20 thương binh nặng và một số thương binh vừa và nhẹ về tuyến sau. Số thương binh nhẹ được dân công vừa dìu vừa đi bộ, phải vượt qua nhiều cánh rừng già trong suốt ba ngày. Thấy con đường mới mở trong những cánh rừng chưa bị lộ, tôi quyết định cho đội chuyển thương đi ban ngày. Ngày đầu tiên đi rất vất vả, tới chập tối mới thấy cáng thương nằm rải rác khắp mấy quả đồi. Nhưng rồi con đường chuyển thương cũng bị máy bay địch phát hiện. Chúng ném bom chặn đầu, chặn cuối nhưng cả đội vẫn an toàn. Ðêm vận chuyển thứ hai tôi bất ngờ được anh Bùi Ðại mời đi gặp cấp trên. Tới một gốc cây to bên lề đường, tôi thấy có người đang nằm nghỉ. Thì ra là bác sỹ Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Quân y. Ông và anh Bùi Ðại đang trên đường lên hướng Bắc và ghé qua kiểm tra trạm quân y của tôi. Cục trưởng Vũ Văn Cẩn hỏi tôi về tình hình đoàn chuyển thương và vì sao tôi lại có thể làm tốt được như vậy trong hoàn cảnh ở chiến trường. Sau khi chiến dịch kết thúc, Cục trưởng đã đề nghị trên khen thưởng Ðội điều trị Ðại đoàn 308 và cá nhân tôi.

Giao nhận xong thương bệnh binh cho Ðội điều trị 5, tôi lại được lệnh quay về hậu cứ của Ðại đoàn 308 để nhận nhiệm vụ mới. Về tới hậu cứ Ðại đoàn thì tôi được biết Ðội điều trị đã hành quân sang Lào từ ngày 26/1/1954 để phục vụ một đợt đánh nghi binh. Chúng tôi vội vã đuổi theo đơn vị.

Ðường hành quân sang Lào gian truân hơn lên Ðiện Biên Phủ. Chúng tôi hành quân ban ngày, ven những con đường đèo cao chênh vênh. Rất khan hiếm nước. Muốn có nước uống thì phải xuống chân đèo sâu hun hút, đi khoảng 2 giờ mới tìm được dòng suối. Sau hai ngày đêm chúng tôi tới Ðội điều trị của đại đoàn lúc đó dừng chân ở bản Huổi Hùn, xã Mường Khoa, huyện Nậm Bạc. Chỉ ít ngày sau tôi được lệnh quay về Ðiện Biên Phủ. Chúng tôi triển khai trạm phẫu thuật ở ven một khu rừng sát mặt trận. Số thương bệnh binh chuyển về trạm mỗi ngày tăng dần, có lúc lên tới hơn 200 người. Một hôm, anh Nguyễn Huy Phan có việc phải đi qua trạm phẫu thuật của chúng tôi. Tôi mời anh ở lại ít ngày để giúp tôi xử trí những thương binh nặng, trong đó có một thương binh bị vết thương mắt đang bị nhiễm trùng nặng... Anh Nguyễn Huy Phan và tôi cùng thực hiện ca mổ khoét bỏ nhãn cầu cho thương binh. Giải quyết xong phần lớn số thương bệnh binh thì thuốc, bông băng cũng đã cạn, đặc biệt là không còn nước cất để pha Penicillin, pha dịch truyền. Trong lúc bí bách tôi chợt nghĩ ra cách chưng cất nước 2 lần bằng bi đông đựng nước uống, dùng các đoạn dây truyền huyết thanh làm dây dẫn ngâm trong máng nước suối để ngưng tụ. Tôi bàn với anh Trịnh Ðình Tường, là sinh viên dược khoa, được anh ủng hộ và tích cực triển khai. Ngày đầu tiên cất được 500ml nước. Mừng quá, tôi cho pha thử Penicillin để tiêm bắp thịt, thấy không có tác dụng phụ. Mấy ngày sau kỳ cạch cũng pha được vài lít dự trữ. Lại có một thương binh bị nhiễm trùng toàn thân rất nặng. Tôi quyết định dùng Penicillin pha với nước cất tự chế rồi truyền nhỏ giọt tĩnh mạch rất chậm. Tôi liên tục ngồi bên cạnh anh để nói chuyện, mục đích là để kịp thời xử trí khi có sốc phản vệ. Nhưng thương binh này đã dần tỉnh lại, rồi qua được cơn nguy kịch. Sau đó, trạm quân y của tôi lại chuyển về tuyến sau, cách xa tầm pháo của địch để thu dung thương bệnh binh ở hướng Tây Ðiện Biên Phủ...

Ngọc Bích - Thế Khiển

(Ghi theo lời kể của ông Tạ Long, nguyên chiến sĩ Ðiện biên Phủ)