Nghề làm hương truyền thống của dân tộc Mông

Thứ Năm 16:08 16/01/2020

ĐBP - Mặc dù hiện nay, mọi đồ dùng cơ bản phục vụ cuộc sống đều có thể mua sẵn nhưng người dân tộc Mông tại nhiều bản làng trên địa bàn tỉnh ta vẫn duy trì nghề thủ công làm cây hương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống.

Người dân bản Lọong Luông đóng gói hương thành phẩm để sử dụng.

Những ngày cuối năm đến các địa bàn vùng cao dễ dàng bắt gặp đồng bào dân tộc Mông trải bao, bạt, mẹt tre phơi đầy những cây hương trước sân nhà. Thường thì mỗi năm họ chỉ làm hương 1 - 2 lần để phục vụ cúng bái, lễ tết trong cả năm. Ðôi khi làm 1 lần dùng 2 - 3 năm, bởi cây hương được làm thủ công có thể giữ được chất lượng, hương thơm lâu dài. Theo như ông Giàng A The, bản Loọng Luông, xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) cho biết: Làm cây hương rất đơn giản, nếu chuẩn bị đủ nguyên liệu, trong 1 buổi có thể làm được 1 bó to gần 100 nén hương. Việc này cũng không kén người, nam, nữ, già, trẻ đều có thể làm được. Trong dịp lễ tết của người Mông không thể thiếu hương đốt để mời tổ tiên, thần linh về chứng kiến nên hầu hết các gia đình trong bản tôi vẫn tự làm để sử dụng, vừa mang ý nghĩa tín ngưỡng, lại vừa tiết kiệm.

Nguyên liệu làm hương gồm: Thanh tre (hoặc trúc, mai), vỏ cây trên rừng (một loại cây thân gỗ có mùi thơm dịu, theo phát âm của người Mông gọi là tà li sa) và 1 loại lá cây có chất kết dính như keo. Tre bỏ phần cật và ruột, sau đó đem chẻ nhỏ, dài khoảng 40cm, phơi nắng cho thật khô làm cán hương. Vỏ cây rừng giã nhuyễn đến khi tương đối mịn. Lá cây phơi khô, cũng giã thành bột. Sau đó trộn 2 loại nguyên liệu từ vỏ và lá cây rừng lại với nhau thành 1 hỗn hợp kết dính. Tiếp đến là công đoạn lăn tạo cây hương. Cán hương nhúng vào xô nước, sau đó đem ra lăn qua lăn lại trên lớp bột đã được trộn sẵn nhiều lần, cứ như vậy cho đến khi được một nén hương to gần bằng chiếc đũa. Sau khi lăn hương xong, bà con dân tộc Mông mang phơi hương 2 - 3 nắng cho thật khô, rồi gói kín hong trên gác bếp đến khi dùng thì lấy xuống thắp. Cây hương khi đốt có mùi thơm tự nhiên, dịu nhẹ, thời gian cháy lâu. Ðây là nghề thủ công truyền thống, nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của người dân tộc Mông cần tiếp tục được gìn giữ, truyền nối.