Ðầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao

Chờ hướng dẫn cụ thể

Thứ Sáu 8:22 14/09/2018

ĐBP - Với một tỉnh mà nguồn lực tài chính còn nhiều khó khăn như Ðiện Biên, hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó có hình thức hợp đồng BT là giải pháp phù hợp nhất để phát triển hạ tầng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, theo đề nghị của Bộ Tài chính với Chính phủ và các ngành, địa phương, từ ngày 1/1/2018 dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho các nhà đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) cho đến khi có Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể về nội dung này.

 

Chợ Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo) là một trong những dự án được đầu tư theo hình thức BT hiện đang được triển khai. Trong ảnh: Khu vực trước cổng chợ Tuần Giáo. Ảnh: Phạm Dương

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Ðầu tư, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 dự án được triển khai theo hình thức BT thực hiện theo quy định của Nghị định 63/2018/NÐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (thay thế Nghị định 15/2015/NÐ-CP) gồm: Dự án Khu dân cư đường 15m, từ cầu A1 đến cầu C4; Dự án Ðường Thanh Minh - đồi Ðộc Lập và khu dân cư vành đai phía Bắc TP. Ðiện Biên Phủ; Dự án Chợ Tuần Giáo và khu dân cư. Các dự án BT được triển khai đã thu hút được nguồn vốn lớn cho phát triển hạ tầng tại TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Tuần Giáo với tổng giá trị đầu tư trên 388,8 tỷ đồng. Góp phần tăng thu ngân sách, tạo nguồn vốn đáng kể trong giai đoạn Chính phủ thắt chặt đầu tư công (giá trị nộp ngân sách khoảng 13,7 tỷ đồng và các khoản thu khác như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…). Cùng với đó, các dự án đi vào hoạt động giúp khai thác được diện tích đất đồi, núi hoang hóa, tạo quỹ đất ở, đất xây dựng, phát triển hệ thống thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục; tạo việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Theo quan điểm của tỉnh, hợp đồng BT là giải pháp vốn hóa đất công và tài sản công phù hợp với những địa phương còn nhiều khó khăn như Ðiện Biên. Khi được đặt đúng chỗ, đúng thời điểm với khung pháp lý, loại trừ được tham nhũng, lợi ích nhóm thì cơ chế này sẽ phát huy tác dụng lớn trong sự phát triển đô thị. Khi hạ tầng và dịch vụ công cộng đã phát triển đến một mức độ nhất định thì hình thức BT cần thu hẹp để nhường chỗ cho các giải pháp khác mang lại hiệu quả phù hợp hơn.

Ðó là những điểm tích cực trong hoạt động xúc tiến đầu tư theo đối tác công - tư nói chung, hợp đồng BT nói riêng. Tuy nhiên, do tỉnh mới áp dụng hình thức đầu tư này (triển khai từ giữa năm 2016) nên trong quá trình thực hiện còn một số vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là liên quan đến các văn bản chỉ đạo từ Trung ương.

Ông Vũ Lệnh Nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Cuối tháng 8 vừa qua, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên. Trong đó, đề nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính sớm có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 63 để địa phương thống nhất triển khai thực hiện các dự án BT; nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Ðầu tư theo hình thức PPP, từ đó có những hướng dẫn chi tiết cho từng loại dự án BT, nhằm hạn chế các bất cập trong vấn đề đầu tư dự án theo hình thức này hiện nay. Ðối với đề nghị của Bộ Tài chính về tạm dừng việc thanh toán các dự án bằng đất đai theo hợp đồng BT, thực ra chúng ta cần hiểu theo bản chất của câu chữ, nghĩa là tạm dừng thanh toán chứ không phải dừng toàn bộ các hoạt động của hợp đồng BT. Thể thức, thứ tự thực hiện của hợp đồng BT là xây dựng sau đó chuyển giao công trình và được Nhà nước thực hiện thanh toán bằng bàn giao đất đai. Tuy nhiên, các dự án BT trên địa bàn tỉnh đến nay chưa có hợp đồng nào đến giai đoạn thanh toán. Ðiều quan tâm nhất là vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, ổn định đời sống dân cư đối với người dân đang sinh sống hoặc có đất đai trong vùng dự án thì cho đến thời điểm này, người dân vẫn sinh sống bình thường trên diện tích đất cũ, chứ chưa phải bàn giao đất (thanh toán) cho nhà đầu tư. Việc nhân dân sốt ruột cũng là điều dễ hiểu, nhất là các dự án có chủ trương từ lâu nhưng chậm triển khai. Ðiển hình như Dự án Bến xe khách tỉnh có 1 hợp phần là giải phóng mặt bằng theo hợp đồng BT, tuy nhiên, đến thời điểm này chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 mới xây dựng báo cáo tiền khả thi, chưa chính thức được phê duyệt, triển khai, chứ chưa nói đến việc thanh toán. Vì vậy, trong thời gian Nghị định về BT của Chính phủ có hiệu lực thì chúng ta vẫn phải đợi.