Ðầu tư, quản lý một số công trình thủy lợi

Lãng phí đầu tư, lúng túng quản lý

Thứ Năm 9:03 30/05/2019

ĐBP - Ông Nguyễn Ðức Ðặng, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi cho biết: Một công trình thủy lợi được đánh giá hiệu quả ngoài việc đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng công trình, công năng thiết kế, bãi tưới thì bắt buộc phải có một mô hình quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ phù hợp. Ở tỉnh ta, các công trình cấp huyện đang tồn tại nhiều loại mô hình quản lý. Việc chưa nhất quán mô hình quản lý sẽ không tránh khỏi những khó khăn, bất cập, làm giảm hiệu quả, tuổi thọ của các công trình thủy lợi.

Bài 2: Thiếu mô hình quản lý, vận hành phù hợp 

Theo phân cấp, các huyện, thị xã, thành phố quản lý 829 công trình thủy lợi (gồm 1 hồ chứa và 828 đập dâng), diện tích tưới theo thiết kế là 19.718ha, thực tế tưới được 13.718ha (đạt tỷ lệ 69,6%). Hiện nay, cấp huyện quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo 4 mô hình: Doanh nghiệp quản lý; ban quản lý thủy nông quản lý; hội dùng nước quản lý và UBND xã quản lý.

 

Không có mô hình quản lý, vận hành phù hợp nên các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Mường Nhé bị hư hỏng không được phát hiện, sửa chữa kịp thời. Trong ảnh: Công trình thủy lợi bản Nậm San 1, xã Mường Nhé bị hư hỏng do mưa lũ.

Mô hình doanh nghiệp tư nhân quản lý được áp dụng tại 2 huyện: Mường Ảng và Tuần Giáo. Với mô hình này, UBND huyện giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký hợp đồng với các công ty tư nhân thực hiện công tác quản lý, vận hành và được sử dụng 50% thủy lợi phí (50% còn lại UBND huyện dùng để sửa chữa các công trình hư hỏng lớn). Công ty tư nhân ký hợp đồng với một số lao động tại các xã, bản để điều tiết nước và bảo vệ công trình với tỷ lệ phân bổ kinh phí thủy lợi phí: 20% kinh phí cho người của công ty thực hiện giám sát, quản lý, điều hành và 30% kinh phí chi trả cho người lao động trực tiếp của các tổ thủy nông. Kết quả kiểm tra, đánh giá hiệu quả mô hình cho thấy, các công trình đã đáp ứng được yêu cầu tưới. Tuy nhiên, công trình không được quản lý theo đúng quy định, không được tu sửa thường xuyên; nhiều tuyến kênh bị đục thành khe nhỏ để lấy nước; tuyến kênh đi trong bãi tưới bị người dân đào hết phần bờ đất để khai hoang… Ðặc biệt là việc sử dụng kinh phí cấp bù thủy lợi phí chưa đúng mục đích (kinh phí phần sửa chữa thường xuyên không được đưa đến từng công trình để sửa chữa); thiếu sự phối hợp trong chỉ đạo, điều hành giữa doanh nghiệp và chính quyền xã.

Năm 2016, huyện Mường Chà thành lập 11 tổ dùng nước tại 11 xã để quản lý các công trình thủy lợi với 37 chi hội của các bản (mỗi chi hội có 5 - 7 thành viên). Huyện Nậm Pồ thành lập 14 hội dùng nước của 14 xã để quản lý, vận hành các công trình thủy lợi và các công trình nước sinh hoạt với 81 chi hội. Thị xã Mường Lay thành lập 1 tổ hợp tác dùng nước để quản lý 19 công trình thủy lợi. Tất cả tổ hợp tác và tổ, hội dùng nước đều sử dụng con dấu của UBND xã và của Phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã để giao dịch.

Việc quản lý, vận hành công trình thủy lợi theo mô hình tổ, hội dùng nước mang lại hiệu quả nhất định. Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Ðến nay, huyện Nậm Pồ có 61 công trình thủy lợi, tổng diện tích tưới thực tế đạt 685ha. Từ năm 2016, huyện Nậm Pồ áp dụng mô hình hội dùng nước quản lý các công trình thủy lợi. Ưu điểm của mô hình này là gắn trách nhiệm, nghĩa vụ của người được hưởng lợi với công trình nên được quản lý tương đối tốt, đảm bảo yêu cầu tưới; kinh phí cấp bù do miễn thủy lợi phí đã đưa về đến xã để sử dụng cho từng công trình. Tuy nhiên, nhược điểm là vẫn còn công trình bị xâm phạm; chưa có bộ phận chuyên trách để quản lý các chi hội bản trong khai thác công trình và thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí.

Tại huyện Tủa Chùa, năm 2014 UBND huyện thành lập Ban quản lý thủy nông cấp huyện do Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban; Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm phó ban; Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch và lãnh đạo UBND xã là các thành viên. Ban quản lý thủy nông đã thành lập được 12 tổ quản lý tại 12/12 xã, thị trấn với 46 thành viên chịu trách nhiệm quản lý, vận hành 72 công trình thủy lợi. Ban quản lý thủy nông huyện có nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo theo dõi nguồn kinh phí cấp bù do miễn thủy lợi phí và công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi của các tổ thủy nông trên địa bàn huyện. Các tổ quản lý thủy nông có trách nhiệm quản lý, bảo vệ các công trình; khơi thông, phát quang, dọn tuyến, sửa chữa những hư hỏng nhỏ, đảm bảo nước tưới cho người dân và được hưởng thù lao từ quản lý thủy nông cấp huyện. Kinh phí cấp bù thủy lợi phí được huyện Tủa Chùa chi cho quản lý vận hành 30,6% và chi phí sửa chữa thường xuyên 69,4%. Cụ thể: Ban quản lý thủy nông cấp huyện hưởng lương kiêm nhiệm 30% lương cơ bản; 46 thành viên của 12 xã có 1 thành viên được chi trả 12 tháng với mức thù lao 2,13 triệu đồng/tháng; 5 thành viên được chi trả 4 tháng với mức 800.000 đồng/tháng và 40 thành viên còn lại được chi trả 7 tháng với mức thù lao 1,6 triệu đồng/tháng. Ðối với sửa chữa thường xuyên, các công trình hư hỏng các tổ đề xuất danh mục cần tu sửa lên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp và cấp kinh phí sửa chữa. Mô hình này có nhược điểm lớn là kinh phí cấp bù thủy lợi phí phải chi cho bộ máy Ban quản lý thủy nông khá cồng kềnh.

Các huyện: Ðiện Biên, Mường Nhé, Ðiện Biên Ðông và TP. Ðiện Biên Phủ có mô hình quản lý thủy lợi kém hiệu quả nhất. Ðối với các công trình đã có, UBND huyện chưa có quyết định giao cho UBND xã tổ chức quản lý khai thác. Các công trình mới thi công, bàn giao 1 - 2 năm gần đây giao cho UBND xã nhưng UBND xã chưa tổ chức quản lý, khai thác. Do đó, công tác quản lý còn mang tính hình thức, chưa có quy định, cơ chế quản lý; công trình chưa được kiểm tra, sửa chữa thường xuyên, hư hỏng không được phát hiện kịp thời, nhiều công trình chưa đáp ứng được yêu cầu tưới.

Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên, đến nay, huyện Ðiện Biên vẫn chưa thành lập được các tổ hợp tác quản lý, vận hành các công trình thủy lợi. Các công trình giao hoàn toàn cho chính quyền xã điều hành, quản lý, bảo vệ. Tiền thủy lợi phí, một phần sử dụng cho công tác quản lý, phần còn lại để tu sửa các công trình hư hỏng lớn.

Theo ông Nguyễn Ðức Ðặng, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi: Khi chưa có Luật Thủy lợi thì các huyện, thị xã, thành phố tự xây dựng các mô hình quản lý được cho là phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Khi Luật Thủy lợi năm 2017 có hiệu lực từ tháng 7/2018 quy định các công trình thủy lợi bắt buộc phải có tổ chức thủy lợi cơ sở. Tổ chức thủy lợi cơ sở có 2 hình thức: Hợp tác xã và tổ hợp tác. Do đó, tất cả các mô hình quản lý hiện nay đều không đúng quy định. Theo yêu cầu của Luật, đến năm 2021, tất cả công trình thủy lợi đều phải có chủ thực sự quản lý sử dụng để phát huy hiệu quả công trình. Hiện nay, Chi cục đang tổ chức tập huấn tại các huyện để hướng dẫn thực hiện việc thành lập các tổ chức thủy lợi cơ sở, bắt buộc đến năm 2021, 100% công trình phải có tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý.