Mèo Vạc đâu chỉ có "đá chồng lên đá"

Thứ Năm 16:02 07/06/2018
Những năm gần đây, phát triển du lịch - văn hóa trở thành hướng đi mới của huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang). Phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ; phong tục, tập quán giàu bản sắc; sản phẩm du lịch - văn hóa đa dạng cùng các món ẩm thực truyền thống của địa phương đã tạo nên bức tranh Mèo Vạc đa sắc màu, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước.

"Đệ nhất đèo"

Rời thị trấn Đồng Văn, xe chạy chừng mươi cây số xuyên qua rừng đá tai mèo lởm chởm là đã thấy “đệ nhất đèo” Mã Pì Lèng ngạo nghễ hiện ra sau màn sương mờ ảo. Con đèo hùng vĩ nơi góc trời cực Bắc Tổ quốc ngoằn ngoèo như sợi chỉ ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, một bên là vách núi dựng đứng, một bên vực thẳm, sâu cả nghìn mét dưới kia là dòng sông Nho Quế uốn lượn như dải lụa màu lục nhạt, hình thành do đứt gãy địa chất cách đây hàng triệu năm. 

 

Thời thực dân phong kiến, muốn lên Mèo Vạc chỉ có duy nhất con đường mòn cheo leo từ tỉnh lỵ Hà Giang qua các trấn Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc (khi ấy chung một huyện Đồng Văn). Hàng hóa lương thực tiếp tế cho các đồn binh vùng biên ải phải dựa vào sức người sức ngựa. Không chỉ Mèo Vạc mà cả vùng cao nguyên đá rộng lớn (diện tích bằng tỉnh Bắc Cạn) với 8 vạn dân, gồm 16 dân tộc, bị cách biệt, chìm trong đói nghèo lạc hậu.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Đảng bộ tỉnh Hà Giang quyết định mở đường lên cao nguyên Đồng Văn để mang ánh sáng của Đảng đến với đồng bào các dân tộc. Từ tháng 9-1959 đến tháng 6-1965, sau gần 7 năm trời với hàng triệu ngày công lao động, gian khó thiếu thốn mọi bề, phương tiện lao động chỉ là dụng cụ thô sơ, lại bị thổ phỉ quấy nhiễu, hàng nghìn thanh niên xung phong (TNXP) của 6 tỉnh Khu tự trị Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang) và hai tỉnh đồng bằng Hải Dương, Nam Định, cùng hơn 1.000 đồng bào dân tộc ở địa phương đã hoàn thành đoạn quốc lộ 4C nối thị xã Hà Giang với các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. 

Riêng từ Đồng Văn đến Mèo Vạc chỉ khoảng 21 cây số nhưng phải thi công trong 2 năm vì chạy qua đèo Mã Pì Lèng (tiếng dân tộc là “sống mũi ngựa”). Hàng trăm dân công, TNXP phải treo mình trên vách núi để khoan, đục đá, nổ mìn, mở đường qua con đèo hiểm trở. Biết bao gian khó hy sinh, biết bao máu và nước mắt đã đổ xuống để khai mở “Con đường Hạnh Phúc” giữa lưng chừng trời, làm nên một kỳ tích để ngày nay trở thành một điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá cao nguyên đá.

Bức tranh đa sắc màu

Ở độ cao trung bình hơn 1.100 mét so với mực nước biển nên Mèo Vạc tương đối mát vào mùa hè, tuy nhiên mùa đông thường có băng giá, sương muối. Địa hình đứt gãy, độ dốc lớn, chủ yếu là núi đá, ít sông suối nên giao thông đi lại không thuận lợi, sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt, kém phát triển.

 

Huyện Mèo Vạc được thành lập năm 1962, trên cơ sở tách 13 xã từ huyện Đồng Văn. Dân số hiện nay là hơn 76.000 người, gồm 17 dân tộc (Mông, Lô Lô, Dao, Giáy, Tày, Kinh, Nùng, Hoa, Sán Chay, Cờ Lao, Pu Péo..., đông nhất là người Mông chiếm 77,28%). Mèo Vạc có một nền văn hóa lâu đời, đa dạng và phong phú, với nhiều phong tục tập quán, lễ hội giàu bản sắc của các dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất này, cùng với đó là nhiều thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng như thắng cảnh quốc gia đèo Mã Pì Lèng, rừng hoa đá ở xã Lũng Pù - Khau Vai... Đây chính là những tiềm năng, thế mạnh của Mèo Vạc.

 

Kể từ khi UNESCO công nhận danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu” cho cao nguyên đá Đồng Văn (tháng 10-2013), phát triển du lịch - văn hóa được xác định là hướng đi mới của Mèo Vạc. Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, được chú trọng đầu tư nên giao thương thuận tiện hơn trước nhiều. Nhiều lễ hội và chợ phiên vùng cao như Chợ tình Khâu Vai, lễ hội hoa tam giác mạch, lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông, Cầu mưa (dân tộc Lô Lô), Lồng tồng (dân tộc Tày), Cấp sắc (dân tộc Dao), Mừng năm mới (dân tộc Giáy)... được duy trì, khôi phục. 

Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Văn Lưu cho biết, thời gian gần đây huyện đã kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ trung tâm Mèo Vạc, Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ (xã Pả Vi), Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Giáy thôn Tát Ngà (xã Tát Ngà), Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Lô Lô (thôn Sàng Pả A, thị trấn Mèo Vạc)... Phong tục, tập quán giàu bản sắc; phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ; sản phẩm du lịch - văn hóa đa dạng và đặc trưng cùng các món ẩm thực truyền thống, đặc sản của địa phương (rượu ngô, thắng cố, mật ong hoa bạc hà, thịt bò thịt lợn treo gác bếp…), đã tạo nên bức tranh đa sắc màu, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước.

 

Đến Mèo Vạc bất cứ thời điểm nào trong năm du khách cũng cảm nhận được sự hấp dẫn của huyện vùng cao biên giới này. Tuy nhiên nhiều người thường rủ nhau lên cao nguyên đá vào mùa xuân, khi hoa đào hồng rực, hoa mận trắng tinh khôi đua nhau khoe sắc bên những bờ rào đá, đặc biệt là vào cuối tháng Ba âm lịch, dịp Chợ tình Khau Vai diễn ra chỉ trong một ngày duy nhất (27 tháng Ba). Không ít du khách, nhất là giới trẻ, lại chọn lên Mèo Vạc khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch, khi bức tranh cao nguyên đá được tô điểm bởi những mảng màu tím thẫm của hoa bạc hà hay phơn phớt hồng hoa tam giác mạch. Những tấm thảm hoa quyến rũ mời gọi những tay máy và du khách xa gần, đồng thời như muốn khẳng định rằng ở vùng phên giậu xa xôi của Tổ quốc, nơi “chỉ có đá chồng lên đá” nhưng hoa vẫn nở và cuộc sống vẫn sinh sôi, phát triển./.

Năm 2017, tổng lượng khách du lịch đến Mèo Vạc là 41.210 lượt người, trong đó khách quốc tế là 2.750 lượt người. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống trên địa bàn huyện đạt 85,2 tỷ đồng, đạt 106,5% kế hoạch và tăng 7,64% so với năm trước.