Danh tiếng của du lịch Việt Nam ngày càng được biết đến

Thứ Năm 10:00 18/10/2018

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định danh tiếng của du lịch Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi trên thế giới, mới đây, Việt Nam đã nhận giải thưởng World Travel Awards (được ví như “Giải Oscar” của ngành công nghiệp du lịch) trao tặng danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á và châu Úc năm 2018”.

Tại buổi họp báo về tình hình du lịch 9 tháng đầu năm 2018, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, 9 tháng đầu năm 2018, ngành du lịch đã có nhiều nỗ lực, tổ chức triển khai nhiều hoạt động và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt xấp xỉ 11,7 triệu lượt (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017); khách du lịch nội địa ước đạt 62,1 triệu lượt (khách lưu trú đạt 30,2 triệu lượt); tổng thu từ khách du lịch đạt 451,2 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017).

Nhìn chung, trong giai đoạn 2015 – 2017 lượng khách quốc tế đã tăng 1,63 lần, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 28%/năm. Không chỉ tăng trưởng nhanh về số lượng, du lịch Việt Nam cũng phát triển cả về chất lượng.

Minh chứng là, theo 2 cuộc điều tra vào năm 2014 và 2017 của Tổng cục Du lịch, khách đến từ hầu hết các thị trường đều gia tăng mức chi tiêu bình quân một ngày. Trong đó, 2 thị trường có nhiều khách quốc tế đến Việt Nam nhất là Hàn Quốc tăng 28,5% (từ 133,4 USD/ngày lên 171,5 USD/ngày) và Trung Quốc tăng 9,6% (từ 118,6 USD/ngày lên 130,1% USD/ngày).

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Du lịch năm 2017, tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ lần thứ 2 trở lên đạt 40,4%, tăng so với tỷ lệ 33,0% vào năm 2014.

Cùng với đó, số lượng cơ sở lưu trú du lịch không ngừng được đầu tư mở rộng. Năm 2011, cả nước có 13.000 cơ sở lưu trú du lịch với 265.000 buồng, đến năm 2017, con số này là 25.600 cơ sở với 508.000 buồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về số buồng trong giai đoạn 2011 – 2017 đạt 11%; trong đó số buồng khách sạn 4 và 5 sao tăng lần lượt là 14% và 19% mỗi năm.

Hiện nay, có 52 hãng hàng không quốc tế tham gia vào thị trường Việt Nam. Nhiều đường bay thẳng nối các điểm đến ở Việt Nam đến các quốc gia được mở rộng. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không (đa phần là khách có khả năng chi tiêu cao) năm 2017 chiếm 84,4% trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Theo Báo cáo “Xu hướng du lịch Mê Kông 2017”, TPHCM và Hà Nội cùng với Bangkok và Côn Minh đã trở thành điểm chung chuyển lớn trong khu vực, kết nối các điểm đến trong khu vực và thế giới.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn chủ trì họp báo.

Sự gia tăng về chất lượng đã góp phần gia tăng tổng thu từ khách du lịch. Năm 2017, tổng thu từ du khách đạt 541.000 tỷ đồng, tăng 29,7% so với năm 2016. Trong đó, tổng thu từ du khách quốc tế (giá trị xuất khẩu từ du lịch) năm 2017 đạt 316.000 tỷ đồng, tăng 31,1% so với năm 2016 và tăng 60% so với năm 2015. Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch trong GDP ngày càng lớn: Năm 2015 đạt khoảng 6,3% GDP; năm 2016 đạt khoảng 6,9% GDP; và năm 2017 đạt khoảng 7,9% GDP.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: Danh tiếng của du lịch Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi trên thế giới, tiêu biểu là sự kiện ngày 3/9/2018, Việt Nam nhận giải thưởng World Travel Awards (được ví như “Giải Oscar” của ngành công nghiệp du lịch) trao tặng danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á và châu Úc năm 2018”.

Để có được kết quả này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành Du lịch như các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội... trong đó đặc biệt chú ý đến vai trò của công tác quảng bá xúc tiến du lịch. Trong 9 tháng đầu năm, các hoạt động xúc tiến quảng bá đã diễn ra liên tục và hiệu quả tại cả các thị trường truyền thống như Đông Bắc Á, Tây Âu, ASEAN… và thị trường mới như Đông Âu, Bắc Mỹ… Rất nhiều thị trường tiềm năng, có lượng khách đi du lịch nước ngoài lớn còn thiếu thông tin về Du lịch Việt Nam, do vậy công tác quảng bá xúc tiến cần phải đẩy mạnh hơn nữa để mang lại những hiệu ứng tốt.

3 tháng cuối năm, ngành du lịch Việt Nam sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp duy trì tốc độ tăng trưởng khách quốc tế, khách nội địa, tổng thu từ du khách. Phấn đấu đạt mục tiêu năm 2018 đón 94 triệu lượt khách, với khoảng 16 triệu lượt khách quốc tế, 78 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du khách đạt 620.000 tỷ đồng.

Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ VHTT&DL thực hiện Nghị quyết số 08NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tập trung chuẩn bị, tổ chức Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2019 và Hội chợ Travex tại Quảng Ninh. Chỉ đạo, tổ chức tốt các hoạt động của Nam Du lịch quốc gia 2018 tại Quảng Ninh; phối hợp với tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2019.