Du lịch “mất mùa” vì dịch Covid-19

Nhiều cơ sở kinh doanh và người lao động gặp khó

Thứ Năm 9:21 05/03/2020

ĐBP - Thời điểm này, ngành Du lịch của tỉnh cũng như cả nước đang phải đối mặt với những thiệt hại lớn do dịch Covid-19 gây ra. Lượng khách đến tham quan các khu, điểm di tích trên địa bàn giảm mạnh đã khiến cho các cơ sở kinh doanh và người lao động liên quan đến lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.

Nhân viên Nhà hàng Dân tộc Quán chuẩn bị các món ẩm thực dân tộc cho khách.

Trước tình hình du lịch ảm đạm, các cơ sở lưu trú phải đối mặt với tình trạng thiệt hại nặng nề do khách hủy đặt phòng, hủy dịch vụ. Từ khách sạn cao cấp đến các nhà nghỉ đều diễn ra tình trạng trống phòng. Chị Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Khách sạn Mường Phăng (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Ðang mùa du lịch cao điểm nhưng lượng khách giảm đáng kể, rất nhiều phòng trống, khách đến thuê phòng lẻ tẻ, ít khách đi theo đoàn đặt phòng. Theo chị Thủy, dịch bệnh Covid-19 gây ra ảnh hưởng quá lớn đến những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn. Mặc dù mọi biện pháp phòng, chống dịch đều được các khách sạn đáp ứng theo yêu cầu, nhưng lượng khách đặt phòng vẫn rất ít.

Từ khi thông tin về dịch Covid-19, đến nay nhiều hoạt động kinh tế, như: Du lịch, buôn bán, giao thương… gần như trì trệ; ngay cả các hoạt động thường nhật của người dân cũng bị xáo trộn đáng kể. Khoảng thời gian sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán là mùa thấp điểm đối với mặt hàng thời trang, cộng thêm những tác động đến từ thông tin về dịch bệnh Covid-19, càng khiến hoạt động bán lẻ thời trang thêm ế ẩm. Chị Kiều Thị Việt, chủ cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Từ khi cửa hàng mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ tết đến nay, lượng khách mua hàng không nhiều, giảm hơn một nửa so với thời gian trước. Theo chị Việt, ngoài lý do dịch bệnh khiến người dân ngại ra quán mua sắm, thì một phần nữa là do lượng khách du lịch giảm. Chính vì thế mà các mặt hàng thời trang dân tộc của cửa hàng không bán được. Trong bối cảnh khó khăn này, một số cửa hàng đã linh hoạt trong kinh doanh như đẩy mạnh bán hàng online, giao hàng tận nơi hoặc khuyến mãi ưu đãi cho khách hàng, nhằm kích cầu hoặc phần nào tháo gỡ khó khăn hiện tại.

Không riêng mặt hàng thời trang, mà nhiều cơ sở hoạt động kinh doanh ở các ngành nghề, dịch vụ khác cũng gặp khó khăn. Lượng khách du lịch giảm, cộng với việc tụ tập đông người bị hạn chế vì dịch Covid-19, đã khiến cho nhiều nhà hàng ăn uống bị ảnh hưởng. Ðến du lịch Tây Bắc không thể không nhắc đến hương vị các món ăn dân tộc, vì thế mà du khách đến với Ðiện Biên đều ghé qua các nhà hàng dân tộc để thưởng thức các món ăn vừa mới lạ, vừa đặc sắc. Tại Nhà hàng Dân tộc quán (đường Nguyễn Hữu Thọ, TP. Ðiện Biên Phủ), mặc dù là ngày nghỉ nhưng dễ dàng nhận thấy sự vắng vẻ khác xa so với trước đây. Chia sẻ với chúng tôi, chị Tòng Thị Thiệp, quản lý Nhà hàng Dân tộc quán cho biết: Trong giai đoạn khó khăn này, nhà hàng đã phải cắt giảm bớt nửa số nhân viên. Bình thường nhà hàng có gần 40 nhân viên làm việc, hiện tại chỉ còn 20 nhân viên. Mặc dù không muốn cho nhân viên nghỉ việc, song với tình hình doanh thu giảm từ 50 - 60% so với trước thì nhà hàng bắt buộc phải cắt giảm đội ngũ phục vụ. Tuy nhiên, với mong muốn khách du lịch yên tâm khi đến nhà hàng, chúng tôi thường xuyên vệ sinh sạch sẽ không gian, đồ dùng trong nhà hàng; trang bị đầy đủ nước rửa tay diệt khuẩn cho khách hàng sử dụng. Ðồng thời, phát khẩu trang cho nhân viên và khách hàng có nhu cầu.

Du lịch “mất mùa” không chỉ gây khó khăn cho chủ cơ sở kinh doanh, mà còn khiến cho nhiều nhân viên, người lao động làm thuê bị mất việc và phải loay hoay tìm việc làm mới. Cô Nguyễn Thị Minh, đội 20, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên), cũng mất đi khoản thu nhập 4 triệu đồng/tháng từ công việc rửa bát đĩa thuê cho một quán ăn trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ. Tâm sự với chúng tôi, cô Minh chia sẻ: “Vì gia đình còn nhiều khó khăn nên tôi xin làm trong các quán ăn để tự lo cho bản thân và bớt gánh nặng cho con cái. Công việc nhặt rau, rửa bát khá nhẹ nhàng và phù hợp với những người tầm tuổi như tôi. Thế nhưng, ngay sau kỳ nghỉ tết, chủ quán đã gọi điện cho tôi bảo nghỉ việc vì quán không có khách…”.

Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành, lĩnh vực kinh tế, trong đó du lịch là một trong những ngành bị tác động nhiều nhất. Mặc dù hiện nay, nước ta đang kiểm soát rất tốt dịch Covid-19, nhưng trên thế giới tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nước và có những biến đổi khó lường. Vì vậy, điều này có thể vẫn sẽ khiến cho các cơ sở kinh doanh, người lao động liên quan đến lĩnh vực du lịch tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới. Ðể tháo gỡ vấn đề này, bên cạnh việc chung tay cùng cả nước phòng chống, đẩy lùi dịch Covid-19, thì việc tìm ra những giải pháp để kích cầu du lịch và có hướng đi mới phù hợp, bền vững là rất cần thiết.