Vực dậy kinh doanh du lịch sau dịch

Thứ Hai 9:21 18/05/2020

ĐBP - Ngay sau khi kết thúc thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, thị trường du lịch nội địa tại Ðiện Biên đã bắt đầu “hồi sinh” trở lại. Ðây là cơ sở để ngành Du lịch tỉnh nhà nói chung, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh nói riêng dần hoạt động ổn định sau đại dịch.

Du khách tham quan di tích Ðồi A1 trong dịp 30/4 và 1/5 vừa qua.

Kích cầu du lịch nội địa

Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam nói chung, tỉnh ta nói riêng bị hạn chế vì hầu hết các chuyến bay quốc tế đều ngưng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh. Sau thời gian giãn cách phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng hướng tới nhóm khách hàng nội địa.

Khảo sát một số công ty lữ hành cho thấy, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường du lịch nội địa tại Ðiện Biên bắt đầu có khách trở lại. Ðiều này thể hiện rõ nhất qua kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và dịp 7/5 vừa qua, các điểm đến tại khu di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ đã mở cửa và đón nhiều lượt khách nội địa đến tham quan.

Ông Nguyễn Quốc Tế, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Ðiện Biên (phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Trước đây, Công ty thường xuyên liên kết với các đơn vị lữ hành ở Hà Nội để đón khách quốc tế đến lưu trú. Từ khi xảy ra dịch Covid-19, tuy không có lượt khách quốc tế nào song đến nay đơn vị đã có khách hàng nội địa liên hệ tư vấn và đặt dịch vụ. Dù lượng khách chưa nhộn nhịp như trước nhưng đây cũng là tín hiệu vui. Nhận thấy thị trường du lịch nội địa đang phục hồi với những xu hướng thay đổi. Cụ thể, du khách nội địa chuyển hướng chọn các tour ngắn ngày, đi theo nhóm nhỏ hoặc các thành viên gia đình. Ðiều này khiến cho đơn vị cũng thay đổi, vì trước đây, Công ty chỉ tập trung vào xây dựng các tour trọn gói, đông người và du khách nước ngoài.

Từ đầu tháng 5, các công ty lữ hành như: Công ty TNHH Du lịch Tai Dam (bản Co Cáng, phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ), Công ty TNHH Thiên Di Ðiện Biên (phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ), Trung tâm Lữ hành quốc tế Him Lam (phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ)... đã hoạt động trở lại và bắt đầu triển khai kích cầu du lịch nội địa, đa số tập trung vào nhóm ngắn ngày, quy mô nhỏ. Ngoài ra, một số đơn vị còn cung cấp thêm các dịch vụ cho du lịch cá nhân, trải nghiệm những điểm mới… để du khách có thêm nhiều lựa chọn.

Cần “cú hích” mạnh mẽ

Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh Covid-19, nhưng cũng là ngành phục hồi đầu tiên sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, để vực dậy ngành Du lịch, nhất là đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, cần thêm nhiều “cú hích” mạnh mẽ. Ðể hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch vượt qua khó khăn, giúp du lịch vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hiệp hội Du lịch tỉnh đang tập trung đề xuất, tổ chức một số giải pháp cấp bách. Ðặc biệt là nghiên cứu trình UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Bởi trong thời điểm này, du khách cũng vẫn nhạy cảm với điểm đến và các chi phí do hệ lụy khủng hoảng của dịch bệnh. Ðồng thời, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét miễn, giảm giá vé các điểm tham quan di tích cho một số đối tượng khách du lịch vào các thời điểm phù hợp. Ngành cũng chỉ đạo Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch và các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường công tác thông tin xúc tiến quảng bá du lịch tập trung vào nội dung “Du lịch Ðiện Biên điểm đến thân thiện và an toàn”.

Thời điểm này, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại, đặt ra yêu cầu không chỉ đòi hỏi phải xây dựng, tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá, thu hút khách du lịch bằng nhiều hình thức khác nhau mà còn cần triển khai các gói sản phẩm kích cầu du lịch. Trước mắt là các thị trường trọng điểm khách du lịch nội địa và kích cầu du lịch ngay với khách du lịch nội tỉnh. Cùng với việc hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp nghiên cứu, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác, các đơn vị lữ hành cũng chuẩn bị đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất kỹ thuật, làm mới sản phẩm, tái cơ cấu và nâng cao chất lượng dịch vụ. Sở phối hợp với Hiệp hội Du lịch hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp du lịch tích cực hưởng ứng Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động; hưởng ứng các chương trình kích cầu du lịch của Hiệp hội du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch, nhóm hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với phương châm “tăng tối đa chất lượng sản phẩm, giảm tối đa giá thành sản phẩm”... nhằm tạo ra những “cú hích” kích cầu du lịch.