Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020 - 2021

Thứ Tư 17:08 09/01/2019

ĐBP - Chiều ngày 9/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Tại điểm cầu Điện Biên, đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

 

Đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục của cấp tiểu học, THCS, THPT. Chương trình mới phân biệt rõ 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (từ lớp 1 - 9), giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 - 12); được thực hiện theo lộ trình: Từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1, năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6, năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10, năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11, năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12. Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều điểm khác so với chương trình giáo dục hiện hành. Đó là mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học, chú trọng học sinh làm được những gì thay vì học sinh biết được những gì sau khi kết thúc chương trình học. Cùng với mục tiêu thay đổi là nhiều điểm mới trong cách xây dựng chương trình; giải pháp phát triển phẩm chất, năng lực; giảm tải chương trình; đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới cách đánh giá, kiểm tra giáo dục. 2 nội dung quan trọng để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được trình bày trong Hội nghị là tập huấn giáo viên và chuẩn bị cơ sở vật chất.

Tại Hội nghị, các đại biểu, đại diện các điểm cầu đặt ra nhiều câu hỏi làm rõ một số vấn đề còn băn khoăn và đưa ra các ý kiến đóng góp xây dựng chương trình liên quan đến: phương pháp dạy học tích hợp, tiêu chí tuyển giáo viên mới, mua sắm trang thiết bị thế nào để không lãng phí, tổ chức hoạt động cho học sinh trong thời gian trống sau khi giảm tiết học… Tham gia ý kiến, đồng chí Lê Văn Quý cũng đặt vấn đề về việc triển khai bồi dưỡng giáo viên dạy học tích hợp tại địa bàn vùng cao chưa có điện; Bộ cần đề ra danh mục các thiết bị giáo dục phải đầu tư mới và quy chuẩn cơ sở vật chất theo chương trình giáo dục mới để có kế hoạch phân bổ đầu tư; về tinh giản biên chế phải tính toán theo đặc thù miền núi đáp ứng được nhu cầu người học. Đồng thời đề xuất Bộ tham mưu Chính phủ hỗ trợ các tỉnh khó khăn một phần kinh phí hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, kiên cố hóa trường lớp học…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh thành công của công tác đổi mới chương trình giáo dục phổ thông phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên; trong quá trình chuẩn bị và triển khai, đề nghị các bộ, ngành liên quan, các địa phương trao đổi cởi mở, cùng nhau chia sẻ để có thể sớm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.