Sắp xếp lại hệ thống trường, lớp học đảm bảo hiệu quả

Thứ Bảy 10:51 05/12/2020

ĐBP – Những năm qua, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tủa Chùa đã thực hiện việc sắp xếp lại hệ thống trường, điểm trường, lớp học phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã, thị trấn. Qua đó, đáp ứng yêu cầu về tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn.

Giờ học tiếng Anh của thầy và trò lớp 5A1, Trường PTDTBT Tiểu học Mường Đun.

Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tủa Chùa đã tổ chức rà soát, nghiên cứu, xây dựng đề án chung của toàn huyện, phân ra từng lộ trình cụ thể và đề án phù hợp với từng đơn vị trường để thực hiện đảm bảo tính hiệu quả. Ðồng thời, chủ trương này cũng được phổ biến tới đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường và nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh học sinh trên địa bàn. Cốt lõi của đề án là sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn và tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục. Trên cơ sở đề án đã được phê duyệt, năm học 2019 – 2020, toàn huyện có 42 đơn vị trường học, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện đã tổ chức sắp xếp, sáp nhập 10 đơn vị trường tiểu học, THCS thành 5 đơn vị trường liên cấp, giảm được 5 đầu mối tại các xã: Mường Báng, Huổi Só, Lao Xả Phình và Mường Ðun. Sau hơn 1 năm thực hiện sắp xếp, việc dạy và học cũng như hoạt động của bộ máy tại các nhà trường không có sự xáo trộn, hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tủa Chùa cho biết: Sau hơn 1 năm triển khai, điều dễ nhận thấy nhất là cơ sở vật chất và con người được sử dụng hiệu quả hơn, tinh gọn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, tiết kiệm ngân sách. Các vị trí dôi dư, Phòng đã chủ động rà soát, bố trí, điều động và luân chuyển giữa các điểm trường và các trường học để cân đối, phù hợp giữa các môn học. Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai các đơn vị nhà trường gặp một số khó khăn trong công tác quản lý sau khi sáp nhập như: Các nhà trường, điểm trường cách xa nhau; tổ chức quản lý về mặt thời gian tại các trường liên cấp. Ðơn cử như, cấp học THCS tổ chức dạy và học 6 ngày/tuần còn cấp tiểu học chỉ dạy và học 5 ngày/tuần. Bên cạnh đó, hoạt động sư phạm của giáo viên THCS và tiểu học cũng cơ bản khác nhau; việc sắp xếp chương trình cũng khác nhau… Trước những vướng mắc đó, ngành đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên; xây dựng lộ trình sắp xếp hài hòa với mục tiêu tinh gọn nhưng phải hiệu quả, không để ảnh hưởng tới học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Hiện nay, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện đang bám sát đề án được phê duyệt và cùng các đơn vị trường học chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tiếp tục tổ chức việc sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục trên địa bàn. Dự kiến năm học 2021 – 2022 tiếp tục tổ chức sáp nhập các đơn vị trường học cùng cấp gồm 2 trường tiểu học và 2 trường mầm non tại xã Tủa Thàng.

Trường PTDTBT Tiểu học Mường Ðun được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 trường: Tiểu học Mường Ðun số 1 và Tiểu học Mường Ðun số 2. Thầy giáo Nguyễn Bá Chung, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Mường Ðun cho biết: Sau khi thực hiện sắp xếp, bộ máy hành chính của nhà trường giảm 1 cán bộ quản lý, 2 nhân viên kế toán và thư viện; 2 giáo viên bộ môn mỹ thuật và thể dục. Khi sáp nhập 2 trường thành 1, tổng số học sinh tăng, số học sinh bán trú cũng tăng nên việc quản lý học sinh được tập trung thống nhất, nhờ đó tỷ lệ học sinh chuyên cần cao hơn; hoạt động dạy và học được triển khai thuận lợi hơn; chất lượng giáo dục được nâng lên so với trước. Bên cạnh đó, việc sắp xếp tinh gọn bộ máy đã giúp nhà trường giảm bớt điểm trường tại các thôn, bản. Hiện nay, nhà trường chỉ có 2 điểm trường tại thôn Ðề Tâu và Bản Hột.

Sáp nhập các điểm trường lẻ và chuyển học sinh lớp lớn về các điểm trường trung tâm là một giải pháp được Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tủa Chùa triển khai sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Từ năm học 2017 – 2018, bám sát văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Giáo dục và Ðào tạo, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tủa Chùa đã thực hiện việc đưa học sinh lớp 3, 4, 5 tại các điểm trường lẻ về học tại điểm trường trung tâm. Giải pháp này đã mang lại hiệu quả rõ rệt: học sinh được chăm sóc tốt hơn; giảm số giáo viên đứng lớp tại các điểm trường; quản lý tốt chất lượng chuyên môn. Tuy nhiên việc học sinh ở độ tuổi nhỏ phải học xa gia đình cũng khiến phụ huynh suy nghĩ, đắn đo; cơ sở vật chất tại các điểm trường trung tâm của một số trường chưa thể đáp ứng là những vướng mắc chính. Do đó, Phòng đã quán triệt các đơn vị nhà trường chỉ triển khai đối với các trường đủ điều kiện; các nhà trường phối hợp với chính quyền xã tuyên truyền để phụ huynh học sinh đồng thuận, yên tâm.

Trường PTDTBT Tiểu học Xá Nhè là một trong những trường thực hiện đưa học sinh từ điểm trường lẻ về trường trung tâm. Thay vì rụt rè, e ngại như trước đây, các em học sinh dân tộc Mông, Thái ở các điểm bản đã vui vẻ và tự tin hơn. Thầy giáo Trần Ðăng Vượng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Xá Nhè cho biết: Việc dồn học sinh từ các điểm bản về học tại điểm trường trung tâm đã được nhà trường thực hiện từ năm học 2017 – 2018. Năm học 2020 – 2021, trường có 1.083 học sinh với 40 lớp (18 lớp điểm bản và 22 lớp trung tâm), trong đó có 355 học sinh bán trú. Ðể công tác này được triển khai hiệu quả, nhà trường đã huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng việc dạy và học, chăm sóc học sinh sau khi dồn học sinh từ các điểm bản về. Ðối với những băn khoăn của phụ huynh học sinh, bên cạnh việc phối hợp với chính quyền xã, thôn bản tuyên truyền để phụ huynh học sinh hiểu, đồng thuận, nhà trường mời đại diện hội phụ huynh học sinh về tham quan các phòng, lớp học, phòng bán trú, điều kiện ăn ngủ và học tập ở điểm trường trung tâm. Qua đó, phụ huynh yên tâm và đồng thuận với chủ trương chuyển học sinh. Sau khi sắp xếp ổn định, nhà trường chủ động tổ chức hoạt động tạo không khí vui vẻ, thoải mái nhất cho học sinh; cán bộ, giáo viên thường xuyên gần gũi, động viên đối với học sinh điểm trường lẻ chuyển về. Trong học tập, giáo viên tổ chức các hoạt động ngoài giờ, các trò chơi vận động… Nhờ đó, tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn đạt cao, thành tích học tập của học sinh được nâng lên rõ rệt.