Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

Ðổi mới công nghệ số hóa truyền hình

Thứ Năm 8:49 18/01/2018
ĐBP - 40 năm xây dựng và phát triển, trong đó có 10 năm dưới sự quản lý Nhà nước về lĩnh vực báo chí của ngành Thông tin và Truyền thông, Ðài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời khắc phục khó khăn về cơ sở trang thiết bị, từng bước thực hiện lộ trình số hóa truyền hình theo Ðề án của Chính phủ.

Theo ông Lường Văn Xuyên, Giám đốc Ðài PT-TH tỉnh, sau khi Ðài PT-TH tỉnh thành lập và đi vào hoạt động, thời lượng phát sóng của Ðài chỉ từ 2 - 3 giờ/ngày, diện phủ sóng còn hạn chế và chỉ tập trung tại khu vực thị xã và các vùng lân cận. Càng về sau, thời lượng phát sóng và diện phát sóng ngày càng được nâng lên. Từ năm 2012, Ðài thực hiện phát sóng truyền hình 18 giờ/ngày, thời lượng phát thanh là 18 giờ 30 phút/ngày. Thời kỳ đầu, nhiều chương trình phát sóng phải đi mua hoặc trao đổi; đến nay, Ðài PT-TH tỉnh đã tự sản xuất để phát sóng các chương trình PT-TH chiếm khoảng 40% tổng thời lượng. Nhiều chương trình do Ðài sản xuất đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, như: Thời sự, phim tài liệu, phóng sự, tọa đàm trao đổi, các chuyên đề, chuyên mục được đông đảo khán giả xem truyền hình khen ngợi, đánh giá cao.

Trong hoạt động của Ðài PT-TH, nếu nội dung được xác định quan trọng thứ nhất thì kỹ thuật công nghệ phải thực sự tiên phong, hạ tầng đảm bảo, đặc biệt cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, lĩnh vực PT-TH đã thay đổi; nội dung tuyên truyền theo hướng truyền thông đa phương tiện, với tính phát hiện, tự chịu trách nhiệm và mang tính tương tác cao là thách thức với những người làm PT-TH.

Theo ông Nguyễn Ðình Phức, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật và công nghệ Ðài PT-TH tỉnh thì việc thực hiện việc chuyển đổi công nghệ, trong năm 2015 - 2016, Ðài PT-TH Ðiện Biên đã thực hiện xong Ðề án “Phát sóng quảng bá kênh truyền hình Ðiện Biên ÐTV trên vệ tinh Vinasat”. Ðến nay, bài toán phủ sóng Truyền hình ÐTV trên địa bàn tỉnh được giải quyết, theo đó đã phủ sóng được 100% số hộ và gần 100% diện tích toàn tỉnh, chấm dứt tình trạng hạn chế về vùng phủ sóng truyền hình ÐTV; đồng thời giúp công tác quản lý, hoạch định các chiến lược truyền thông hiệu quả hơn. Ngay khi “Ðề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ðài PT-TH tỉnh đã có Báo cáo “đề án” số hóa của Ðài gửi UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông với những nội dung: Ðến năm 2020, kết thúc việc phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn phát sóng (TDPS) truyền hình tương tự để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng TDPS Truyền hình số mặt đất, khi đó hạ tầng TDPS truyền hình số mặt đất sẽ do các doanh nghiệp đảm nhiệm, Ðài PT-TH tỉnh chỉ tập trung cho nhiệm vụ sản xuất chương trình. Ðể thực hiện được 2 nội dung này, cần phải có hạ tầng kỹ thuật đáp ứng, cụ thể Ðài PT-TH Ðiện Biên đã đưa ra các giải pháp phù hợp với điều kiện của tỉnh. Ðối với nhiệm vụ sản xuất chương trình, trong điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị hiện có Ðài PT-TH tỉnh trong giai đoạn từ 2015-2017 đã thực hiện chuyển đổi sản xuất chương trình SD sang khuôn hình chuẩn (16:9). Giai đoạn chuyển đổi này chủ yếu là phát huy nội lực, do vậy Ðài PT-TH tỉnh đã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ (về thiết bị và kinh nghiệm) của các đài đã hoàn thành việc thực hiện lộ trình số hóa sang công nghệ HD, như: Ðài PT-TH tỉnh Thái Nguyên, Ðài Truyền hình TP.HCM. Cùng với nguồn lực hiện có, Ðài PT-TH tỉnh đã chủ động làm các phần việc như: Xử lý phòng STUDIO để thực hiện ghi hình phát thanh viên sang khuôn hình chuẩn (16:9), phòng thu và các thiết bị truyền hình tiếng dân tộc để cộng tác với VTV5; nâng cấp phần mềm dựng phi tuyến đang sử dụng lên phiên bản cao hơn; đồng thời nâng cấp dần các bộ dựng để sản xuất chương trình thời sự ÐTV sang HD để thí điểm, nhân rộng. Chuyển đổi các tư liệu cũ của Ðài sang chuẩn SD 16:9 để lưu trữ; trang bị hệ thống Camera HD. Giai đoạn 2 (từ 2017-2020) nhiệm vụ của Ðài PT-TH tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi sản xuất chương trình truyền hình sang chuẩn HD để đạt được mục tiêu của Ðề án số hóa, đó là chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, đạt hiệu quả; từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình chất lượng cao như HDTV, 3DTV...

Ðể thực hiện Ðề án số hóa, đồng thời từng bước thực hiện thực hiện Ðề án Quy hoạch phát triển và Quản lý báo chí toàn quốc, Ðài PT-TH tỉnh sẽ phải từng bước thực hiện việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị phục vụ sản xuất và truyền dẫn mới đáp ứng yêu cầu và đây sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Ðài PT-TH tỉnh rất cần nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành.