Tìm thấy ngôi sao “cao tuổi” nhất trong vũ trụ

Thứ Sáu 10:05 16/08/2019

Các nhà khoa học vừa tìm thấy dấu vết của một trong những ngôi sao lâu đời nhất trong vũ trụ. Nằm cách Trái đất 35.000 năm ánh sáng, ngôi sao này được xác định có tuổi đời khoảng 13,5 tỷ năm.


Ảnh minh họa.

Các nhà thiên văn học xác định các ngôi sao theo tính kim loại của chúng. Theo thuật ngữ thiên văn học, một kim loại là bất kỳ nguyên tố nào nặng hơn hydro, heli và lithium, tất cả đều được tạo ra trong Vụ nổ lớn (Big Bang). Những ngôi sao ban đầu chỉ chứa 3 nguyên tố nhẹ nói trên vì các nguyên tố nặng khác vẫn chưa được hình thành. Các nguyên tố nặng hơn được tạo ra trong các thế hệ sao sau này.

Thế hệ đầu tiên của các ngôi sao không có kim loại này được gọi là PIII. Phần lớn những ngôi sao này đều ở dạng giả thuyết, nhưng những hiểu biết về vật lý thiên văn của chúng ta khẳng định rằng chúng đã từng tồn tại. Các ngôi sao PIII cực kỳ to lớn, nóng bỏng và tuổi đời ngắn. Cách duy nhất để chúng ta có thể biết về chúng là nghiên cứu các ngôi sao hình thành từ vật liệu mà chúng đẩy ra khi chết, một dạng của vật lý thiên văn pháp y.

Nhà thiên văn học Thomas Nordlander từ Đại học Quốc gia Australia là người đã phát hiện ra ngôi sao mà họ cho là cao tuổi nhất vũ trụ, SMSS J160540.18-144323.1. Các nhà khoa học đặt tên cho ngôi sao này là Bob. Bob rất khác biệt và đáng kinh ngạc với tính kim loại rất thấp.

Bob không hề bình thường vì hàm lượng sắt của nó gần như bằng 0. Với mức độ sắt thấp hơn 1,5 triệu lần so với Mặt trời, nó giống với một ngôi sao PIII hơn là các ngôi sao từ thế hệ của chính nó. Trên thực tế, Bob có hàm lượng sắt thấp nhất từng được phát hiện trong một ngôi sao, cứ 50 tỷ nguyên tử thì chỉ có một nguyên tử là sắt. Theo các nhà khoa học, có khả năng Bob được hình thành chỉ vài trăm triệu năm sau Vụ nổ lớn.

“Bob là ‘cỗ máy thời gian’ đưa chúng ta về với thời kỳ của những ngôi sao đầu tiên trong vũ trụ”, ông Nordlander nói.