Huy động sức dân nâng cao tiêu chí nông thôn mới

Thứ Hai 8:03 19/10/2020

ĐBP - Xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đã khó, giữ vững và nâng cao các tiêu chí lại càng khó hơn. Vì thế, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh sau khi được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM đã không ngừng phấn đấu và huy động mọi nguồn lực, đặc biệt sự đóng góp của người dân để duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM. Nhờ đó, nhiều xã sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, nhưng còn nợ các nội dung nhỏ đến nay đã cơ bản hoàn thành và nâng cao chất lượng.

Mô hình sản xuất lúa áp dụng khoa học kỹ thuật trên địa bàn xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông) đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Văn Tâm

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, ước đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 37 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM (hiện đã có 19 xã được công nhận đạt chuẩn và 13 xã cơ bản đạt chuẩn NTM); bình quân đạt 11,2 tiêu chí/xã và không còn xã dưới 5 tiêu chí. Qua đó góp phần đổi thay diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Với quan điểm “Xây dựng NTM là hành trình có điểm xuất phát nhưng không có điểm kết thúc”, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn, các địa phương đã triển khai các giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực, trong đó chú trọng huy động sức dân để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, năm 2017, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) được công nhận đạt chuẩn NTM. Cùng với niềm vui, lãnh đạo xã cũng trăn trở tìm các giải pháp giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt. Ðặc biệt đối với các tiêu chí “mềm”, thiếu ổn định như: Môi trường; an ninh trật tự; thu nhập... bởi ranh giới giữa đạt và không đạt các tiêu chí này vốn mong manh và dễ bị rớt tiêu chí. Ðể duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, xã Thanh Xương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng thuận, từ đó phát huy, khơi dậy sức dân. Xã căn cứ vào từng tiêu chí, từ đó xác định nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện. Như đối với tiêu chí “môi trường”, xã giao cho các hội, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền đến các hội viên nâng cao hoạt động của tổ tự quản về vệ sinh môi trường ở các khu dân cư, góp phần cải thiện môi trường nông thôn, nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Nếu như năm 2017, khi được công nhận NTM, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trên địa bàn xã mới đạt 87% thì đến nay đạt gần 95%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch năm 2017 đạt 76,6% thì nay đạt trên 90%...

Tương tự, đối với tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, năm 2017 xã Thanh Xương mới đạt 1 trong 2 nội dung của tiêu chí thì đến nay đã hoàn thành cả 2 nội dung. Ðể “trả nợ” tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, hàng năm xã Thanh Xương tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa. Ðặc biệt, trong quá trình xây dựng, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất để xây dựng công trình.

Ông Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương cho biết: Bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thì việc huy động sự đóng góp của nhân dân rất quan trọng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Từ năm 2016 - 2019, nhân dân đóng góp hơn 9,1 tỷ đồng, trong đó: Hơn 6 tỷ đồng tiền mặt, hơn 6.160 ngày công, hiến hơn 3.149m2 đất và vật tư quy đổi thành tiền hơn 681 triệu đồng. Nếu như thời điểm được công nhận đạt chuẩn NTM, xã Thanh Xương còn nợ 2 nội dung nhỏ thuộc tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí nhà ở dân cư thì đến nay đã hoàn thành “trả nợ”.

Năm 2018, xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông) được công nhận cơ bản đạt chuẩn NTM. Ðây là niềm phấn khởi, tự hào của người dân địa phương. Ðến nay, xã Mường Luân đạt 16/19 tiêu chí NTM. Theo ông Lò Văn Sơn, Bí thư Ðảng ủy xã Mường Luân thì: Quan điểm của xã là không tự mãn với những gì đã đạt được. Ngay sau khi được công nhận xã cơ bản đạt chuẩn NTM, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, huy động nguồn lực để tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt được. Thu nhập là 1 trong 3 tiêu chí hiện nay xã chưa đạt. Ðây là “bài toán” khó, bởi địa phương thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ. Xác định được khó khăn, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện trong việc thu hút các mô hình sản xuất, chăn nuôi vào địa bàn. Bên cạnh đó, xã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thay đổi tư duy canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Ðến nay, nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất đã được người dân áp dụng có hiệu quả, mang lại thu nhập cao.

Qua kiểm tra, trong số các xã đã được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM, đến nay chưa có xã nào bị rớt tiêu chí hoặc rớt chuẩn NTM, mà ngược lại hầu hết đều duy trì và nâng cao các tiêu chí. Nhiều xã khi được công nhận đạt chuẩn NTM vẫn còn nợ tiêu chí thì đến nay cơ bản đã hoàn thành và đạt chuẩn. Kết quả đó có đóng góp lớn từ sự chuyển biến về nhận thức của người dân. Nhân dân các xã, bản đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM, tham gia những việc làm cụ thể, thiết thực như: Hiến đất, đóng góp ngày công lao động. Từ năm 2016 đến nay, nhân dân đã đóng góp 134,5 tỷ đồng tiền mặt trong tổng số 9.310 tỷ đồng các nguồn vốn xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh, chưa kể việc đóng góp ngày công, vật dụng, hiến đất.