Khó khăn phát triển nông nghiệp chất lượng cao

Thứ Tư 9:59 20/01/2021

Mặc dù sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt một số thành tựu, trong đó nhiều nông sản được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, OCOP song nông nghiệp tỉnh ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Hiện nay các doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ thể kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp.

Sản phẩm Diệp Thanh Trà được giới thiệu tại sự kiện trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Ðiện Biên và các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2020. Ảnh: Văn Thành Chương

Khó mở rộng vùng nguyên liệu

Năm 2020, sản phẩm khoai sọ tím Tủa Chùa được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP, đánh giá 3 sao. Khoai sọ được trồng ở các xã phía Bắc huyện Tủa Chùa. Trước đây, khoai sọ tím được sản xuất nhỏ lẻ, trồng xen canh với ngô, lúa trên nương với mục đích sử dụng cho gia đình. Năm 2020, thực hiện Chương trình OCOP, Hợp tác xã H’Mông đã liên kết với người dân xã Trung Thu sản xuất tập trung và xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Trong chuyến công tác gần đây về các xã phía Bắc huyện Tủa Chùa, tôi tìm hỏi mua khoai sọ tím nhưng không có. Người dân cho biết khoai sọ tím giờ hiếm lắm, sản xuất ra là bán hết. Nếu thế thì thật đáng mừng bởi từ khi đạt OCOP, sản phẩm được công nhận về chất lượng, nâng cao về giá trị, tiêu thụ tốt và người dân tăng thu nhập. Tuy nhiên, nguyên nhân sản phẩm “khan hàng” là do vùng nguyên liệu quá nhỏ, chỉ vỏn vẹn 4ha tại xã Trung Thu. Bên cạnh đó, do là năm đầu tiên sản xuất tập trung nên năng suất chưa cao, nếu không đúng vào dịp thu hoạch thì mua được khoai sọ tím rất khó.

Tình trạng thiếu vùng nguyên liệu là khó khăn chung của tất cả sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh: Lạc đỏ Na Son, bí xanh Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông) dù đã có HTX đứng ra thu mua nhưng chưa có vùng nguyên liệu tập trung, chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình; sản phẩm gạo Nàng Hiên của Công ty TNHH SafeGreen là sản phẩm OCOP 3 sao, được cấp chỉ dẫn địa lý gạo Ðiện Biên nhưng nhiều năm nay vùng nguyên liệu chỉ có 50ha tại xã Thanh An (huyện Ðiện Biên); các sản phẩm chè Tủa Chùa của Công ty TNHH Hương Linh có vùng nguyên liệu 32ha chè cây thấp ở Sính Phình…

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Vùng nguyên liệu nhỏ, sản lượng ít nên tình trạng “cháy hàng” luôn xảy ra. Tuy nhiên việc mở rộng vùng nguyên liệu hiện nay rất khó khăn, bên cạnh cơ chế chính sách của tỉnh thì tiềm lực của các chủ thể kinh tế phải lớn mạnh và vững chắc. Với cơ chế mở như hiện tại, các hợp tác xã, doanh nghiệp hoàn toàn có thể mở rộng vùng nguyên liệu. Song vấn đề là cùng với đó phải mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp dây chuyền công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực quản lý… nhưng hiện nay chủ thể kinh tế của các sản phẩm OCOP năng lực và tiềm lực tài chính hạn chế nên rất khó.

Giới thiệu, quảng bá sản phẩm còn hạn chế

Thời gian qua, tỉnh ta tập trung hỗ trợ các chủ thể kinh tế giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh song không ít chủ thể kinh tế chưa thực sự chú trọng công tác này.

Tháng 9/2020, Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại Hoa Ba mở gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh tại Siêu thị Hoa Ba. Ðến nay, gian hàng đã có trên 15 sản phẩm được bày bán. Qua hơn 3 tháng triển khai, gian hàng sản phẩm OCOP tại siêu thị ngày càng bị thu hẹp diện tích bởi sản phẩm trưng bày quá ít và thiếu sự đầu tư từ các chủ thể kinh tế.

Ông Nguyễn Chí Ba, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại Hoa Ba cho biết: Nhiều năm nay, Công ty luôn có quan điểm ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, các đặc sản của tỉnh vào trưng bày, giới thiệu và bán tại siêu thị Hoa Ba. Sau hơn 3 tháng triển khai gian hàng, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm OCOP của tỉnh có mẫu mã, bao bì đẹp; chất lượng đã được chứng nhận; lượng khách hàng tham quan, tìm hiểu về sản phẩm đang có dấu hiệu tăng so với trước. Tuy nhiên, các chủ thể kinh tế chưa thật sự chú trọng công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại siêu thị nên số lượng trưng bày quá ít dẫn đến gian hàng còn trống. Các chủ thể kinh tế, doanh nghiệp không có bộ phận marketing trực tiếp giới thiệu, tiếp thị sản phẩm và theo dõi khối lượng sản phẩm tiêu thụ tại siêu thị, cũng như xây dựng kế hoạch cho những tuần, tháng tiếp theo. Do đó, hiệu quả chưa cao. Hiện nay, nhiều người tiêu dùng trong tỉnh còn chưa biết sản phẩm OCOP là gì; khác biệt giữa sản phẩm OCOP với sản phẩm khác là như thế nào… Nếu không có sự giới thiệu, so sánh từ phía nhà sản xuất mà chỉ đơn thuần trưng bày ở siêu thị thì khách hàng cũng chỉ lướt qua mà không để lại ấn tượng. Từ thực trạng trên đồng thời nhu cầu bày bán hàng tết tăng cao buộc siêu thị phải thu hẹp gian hàng sản phẩm OCOP để dành diện tích cho các mặt hàng khác.

Mật ong Chà Nưa là sản phẩm được huyện Nậm Pồ, xã Chà Nưa lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP. Thực hiện xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm, UBND huyện Nậm Pồ, xã Chà Nưa và HTX Ong mật Chà Nưa đã kết nối với các hệ thống phân phối, bán lẻ lớn trong tỉnh. Tuy nhiên, HTX Ong mật Chà Nưa lại không thực hiện đúng cam kết về thời gian giới thiệu sản phẩm.

Ông Nguyễn Phú Ðỏ, Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Ðiện Biên cho biết: Lãnh đạo UBND huyện Nậm Pồ và Giám đốc HTX Ong mật Chà Nưa đến đặt vấn đề với siêu thị về việc trưng bày và bán sản phẩm mật ong tại siêu thị. Chúng tôi đồng ý và 2 bên có biên bản phối hợp. Tuy nhiên đã quá hạn cam kết mấy tháng nay, nhưng HTX vẫn chưa đưa sản phẩm đến trưng bày và bán tại siêu thị. Dự định ban đầu của Công ty nếu sau một thời gian bán tại siêu thị, khách hàng phản hồi tốt, Công ty sẽ đầu tư cho HTX mở rộng quy mô sản xuất thêm 1.000 - 2.000 tổ ong nữa. Nhưng sau lời đề nghị ban đầu vẫn chưa thấy HTX phản hồi lại.