Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị

Thứ Sáu 15:37 26/02/2021

ĐBP - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống… của các địa phương để phát triển kinh tế. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả bước đầu. Trong đó nhiều địa phương phát triển các sản phẩm đặc sản gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP.

Sản phẩm dứa quả huyện Mường Chà đã trở thành sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao. Trong ảnh: Người dân xã Na Sang, huyện Mường Chà thu hoạch dứa.

Những ngày đầu xuân Tân Sửu, chúng tôi có chuyến công tác đến HTX Na Sang (huyện Mường Chà). Vừa đến nơi, Giám đốc HTX Lê Thanh Tâm thông báo tin vui, vừa qua sản phẩm dứa quả của bà con xã Na Sang đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Chứng kiến HTX từ những ngày đầu thành lập với diện tích canh tác manh mún nhưng đến nay HTX Na Sang đã đưa sản phẩm dứa quả trở thành sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao thì đúng là một kết quả rất đáng mừng, xứng đáng với sự cố gắng trong suốt thời gian qua của các thành viên HTX.

Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc HTX Na Sang, cho biết: “Trước kia không ai nghĩ cây dứa sẽ trở thành cây trồng chủ lực, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo cho bà con nhân dân xã Na Sang. Nhưng thực tế đã chứng minh, cây dứa đã và đang đem lại nguồn thu nhập chính cho nhân dân trên địa bàn. Giờ đây, HTX Na Sang luôn duy trì diện tích khoảng 160ha dứa với sự tham gia của gần 70 thành viên. Đáng mừng hơn là đầu tháng 1/2021, cùng với 9 sản phẩm khác, dứa quả Na Sang đã được UBND tỉnh đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP, chất lượng 3 sao. Để có được kết quả đó, ngoài sự cố gắng của các thành viên HTX còn có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trong các khâu thực hiện thủ tục kiểm định, đánh giá sản phẩm dứa quả, hướng dẫn khoa học kỹ thuật…”.

Hiện nay, toàn huyện Mường Chà có gần 360ha dứa. Có thể nhận thấy, cây dứa là một trong những cây thế mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên địa bàn huyện Mường Chà. Vì vậy, dứa trở thành sản phẩm OCOP là điều kiện quan trọng để tạo đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, huyện Mường Chà triển khai hướng dẫn người dân sản xuất dứa theo hướng VietGAP, liên kết và nhận được sự trợ lực hiệu quả từ các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn; đồng thời sẽ phát triển thêm các sản phẩm thế mạnh khác trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Ông Bùi Tuấn Thanh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà, cho biết: Vừa qua, sản phẩm quả dứa (HTX Na Sang) và miến dong Hoàng Tấm (HTX Nông nghiệp Hoàng Tấm) đã được công nhận trở thành sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao của địa phương. Đó là một trong số những sản phẩm lợi thế của huyện. Trong năm nay, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện lựa chọn thêm 3 sản phẩm là: tinh dầu xả Java (xã Ma Thì Hồ và Nậm Nèn); thịt sấy, dứa sấy thăng hoa (HTX Na Sang) tham gia chương trình OCOP để Mường Chà có thêm nhiều đặc sản được công nhận sản phẩm OCOP.

Tìm kiếm các sản phẩm lợi thế để xây dựng thành sản phẩm OCOP, huyện Điện Biên Đông đã định hướng cho mỗi xã lựa chọn một sản phẩm mang tính chất thế mạnh của địa phương. Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông, cho biết: Điện Biên Đông có nhiều sản phẩm đặc trưng, thế mạnh có thể nâng cấp thành sản phẩm OCOP, như: Bí xanh Tìa Dình, khoai sọ Phì Nhừ; lạc đỏ, nếp tan Na Son, gạo nếp tan, gạo nếp thơm hạt to xã Pú Hồng, tinh dầu hương nhu xã Na Son, dệt thổ cẩm… Để các sản phẩm của địa phương trở thành sản phẩm OCOP, năm 2020 huyện đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tổ chức hội nghị chấm điểm phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm tham gia (gạo nếp thơm hạt to xã Pú Hồng và tinh dầu hương nhu xã Na Son). Đến nay, huyện Điện Biên Đông đã có 4 sản phẩm OCOP được chấm điểm 3 sao, gồm: Lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ, bí xanh Tìa Dình và thịt lợn sấy.

Hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh cũng có các sản phẩm thế mạnh đặc trưng, như: Rượu Mông Pê, chè Tủa Chùa, mây tre đan Nà Tấu, dệt thổ cẩm Na Sang, tảo xoắn ở Mường Ảng, nhóm sản phẩm dược liệu... Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trước đây, khi chưa có Chương trình OCOP, những sản phẩm đặc trưng chưa được các địa phương chú trọng, sản xuất nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn mác, tiêu thụ khó khăn nên chưa khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Từ khi Chương trình OCOP được triển khai, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được chú trọng sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và mở rộng thị trường. Chương trình OCOP đã tạo ra sân chơi, cơ hội để nông dân liên kết, hợp tác sản xuất sản phẩm có chất lượng, phù hợp nhu cầu thị trường.

Thực hiện Chương trình OCOP, thời gian tới, Điện Biên tập trung hướng vào khai thác những sản phẩm nông nghiệp, thủ công… có tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của người dân, việc xây dựng các sản phẩm trong Chương trình OCOP sẽ khai thác thế mạnh sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ theo chuỗi giá trị, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.