Đổi thay nông thôn mới

Thứ Năm 8:27 01/07/2021

ĐBP - Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh ta đã hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII về xây dựng nông thôn mới (NTM). Chương trình xây dựng NTM thực sự đã và đang thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc; tạo diện mạo, sức sống và nguồn năng lượng mới cho vùng nông thôn trên địa bàn.

Công ty Cổ phần giống rau quả Trung ương thu mua xoài của người dân xã Búng Lao (huyện Mường Ảng).

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, tỉnh ta gặp nhiều khó khăn trong cách tiếp cận và triển khai thực hiện. Thế nhưng, sau 10 năm nỗ lực, toàn tỉnh đã có 38 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM. Đó là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của nhân dân các dân tộc, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Kết quả đó nhờ yếu tố mang tính đột phá - đó là thay đổi về nhận thức, đổi mới về tư duy.

Chà Nưa là xã biên giới, khó khăn. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã trên 70% và mới chỉ đạt 5/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí về xây dựng NTM. Với xuất phát thấp như vậy nên giai đoạn 2015 - 2020, huyện Nậm Pồ đã không xác định “đầu tư” cho xã Chà Nưa về đích NTM. Những tưởng khó khăn sẽ làm chùn bước, ngăn cản ý chí, quyết tâm xây dựng NTM của Chà Nưa. Nhưng chỉ hơn 3 năm sau đó, vào cuối năm 2018, xã Chà Nưa đã “cán đích” NTM một cách ngoạn mục. Khởi động chương trình xây dựng NTM chậm hơn và có xuất phát điểm thấp nhưng cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Chà Nưa đã lựa chọn cách tiếp cận với tư duy đổi mới, sáng tạo để vượt qua những khó khăn. Kết quả xã đã tăng tốc và về đích NTM với chất lượng, hiệu quả bậc nhất của tỉnh.

Dù đã trải qua muôn vàn khó khăn, hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ nhưng khi đánh giá lại quá trình xây dựng NTM, ông Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa chỉ gói gọn trong 2 từ: “Nhận thức”. Theo ông Van, xây dựng NTM thực sự khó, nếu chúng ta cứ duy trì lối nhận thức và mạch tư duy “khó khăn” thì mãi sẽ không có NTM. Xã Chà Nưa đã tiếp cận cách thức xây dựng NTM lạc quan và không cứng nhắc. Trên cơ sở rà soát, đánh giá chính xác những thuận lợi, khó khăn, Đảng ủy xã Chà Nưa đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/ĐU về lãnh đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM, giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn. Nghị quyết xác định rõ chỉ tiêu phấn đấu từng giai đoạn, UBND xã có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa từ cấp xã đến các bản. Cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; hiến đất làm đường, góp tiền, góp ngày công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng.

Với cách làm đó, giai đoạn 2016 - 2018, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Chà Nưa đã triển khai thực hiện hàng chục “dự án 0 đồng” gắn với xây dựng NTM: Từ trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường, xây dựng lò đốt rác không khói, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh... đến các dự án làm được giao thông nội bản, nội đồng và các đường tuần tra bảo vệ rừng. Tại các xã khác, những dự án này sẽ có dự toán lên đến cả tỷ đồng thì ở Chà Nưa đều được thực hiện nhanh gọn, hiệu quả mà mức đầu tư là 0 đồng. Ông Khoàng Văn Van cho biết: Đời sống người dân nghèo thì khó xây dựng NTM. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng khi người dân hiểu được giá trị của NTM có thể giúp đời sống người dân tốt hơn, có điều kiện thoát nghèo nhanh và bền vững hơn thì họ sẽ đồng lòng, tình nguyện góp công, góp sức tạo phong trào xây dựng NTM sôi nổi khắp các thôn bản. Thay đổi nhận thức là cách làm mang lại thành công trong xây dựng NTM tại xã Chà Nưa.

Một trong những đổi thay rõ ràng khi thực hiện xây dựng NTM là hệ thống giao thông nông thôn. Hàng trăm tuyến đường liên xã, nội thôn, bản đã được rải nhựa, đổ bê tông và cứng hóa, tạo điều kiện đi lại thuận lợi, thông suốt cả 4 mùa, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân khu vực nông thôn. Đến nay, có 116/116 xã đã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó 108 xã có đường ô tô đảm bảo đi lại quanh năm. Sau 10 năm xây dựng NTM, toàn tỉnh có 1.102km đường cấp huyện được xây dựng, nâng cấp, bảo trì; 66 cây cầu, 1.495 cống và đường tràn được xây mới. Đối với hệ thống giao thông cấp xã, đã xây dựng, nâng cấp 1.265,5km; xây mới 17 cây cầu, 651 cống và đường tràn. Giao thông thôn, bản được đầu tư xây dựng, nâng cấp 7.242km. Năm 2011, gần như 100% các xã không đạt tiêu chí về giao thông đến nay toàn tỉnh có 33/116 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông nông thôn.

Đứng trên đỉnh đèo Tằng Quái nhìn xuống thung lũng Mường Khoe, chúng ta có thể thấy được sự đổi thay của hệ thống giao thông nông thôn của xã NTM Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng). Tuyến đường trung tâm từ huyện đến xã được mở rộng, rải nhựa kiên cố; các tuyến đường từ xã đến các bản, đường nội bản và các tuyến đường xương cá ra khu sản xuất đều bê tông hóa bằng phẳng.

Cùng đi trên tuyến đường bê tông rợp bóng mát xen giữa các nương cà phê xanh tốt, anh Lò Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa cho biết: Xây dựng NTM, bà con rất phấn khởi khi có đường làng bê tông, đi lại thuận tiện. Bên cạnh kinh phí của Nhà nước, người dân đóng góp tiền, công lao động và góp đất để làm đường. Cán bộ, đảng viên hăng hái, tiên phong đóng góp trước, bà con tin tưởng ai cũng đóng góp vì mục tiêu chung. Vì vậy, lần lượt từng tuyến đường đất, cấp phối được bê tông hóa.

Được biết, xã Ẳng Nưa hoàn thành NTN từ năm 2017. Khi đó, toàn xã mới chỉ hoàn thành cứng hóa, rải cấp phối trên 70% đường trục xã, liên xã, đến nay đã đạt 100%; đường nội bản được cứng hóa 92%”.

Mục đích căn bản của xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập, đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững. Những năm qua, từ nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM, các địa phương đã thực hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả, từng bước thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa.

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng thành công 23 mô hình liên kết sản xuất. Các mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Điển hình là liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao (huyện Điện Biên); liên kết trồng cây ăn quả (Mường Ảng, Tuần Giáo); chế biến và tiêu thụ chè (Tủa Chùa)... Giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh hỗ trợ 118 dự án về lĩnh vực trồng trọt, trong đó có 104 dự án về cây ăn quả (bưởi, xoài, nhãn, mít...) với quy mô hỗ trợ 820ha; 6 dự án về lúa gạo với quy mô 250ha, rau màu có 7 dự án với quy mô trên 10ha và 1 dự án hỗ trợ cây chè quy mô 32ha.