Cùng hành động để kết thúc HIV/AIDS

Thứ Năm 9:01 05/12/2019

ĐBP - Những năm trở lại đây, việc triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh đã góp phần không nhỏ làm giảm số lượng người nhiễm HIV mới phát hiện hàng năm. Qua đó, góp phần kiềm chế dịch bệnh này phát triển tại Ðiện Biên. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm HIV/AIDS còn nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn phải giải quyết, đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng…

Nhân viên tiếp cận cộng đồng tư vấn cho người nhiễm HIV tại bản Na Phay, xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên). Ảnh: Mai Giáp

Ðến hết tháng 9/2019 lũy tích các trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 7.365 trường hợp, trong đó còn sống quản lý được 3.444 người. Lũy tích bệnh nhân AIDS 5.410 người; còn sống 1.648 người. Hiện nay 10/10 huyện, thị xã, thành phố; 120/130 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có người nhiễm HIV/AIDS. Ông Hoàng Xuân Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Xu hướng dịch HIV/AIDS tại Ðiện Biên đã và đang giảm dần trong 10 năm trở lại đây, bao gồm cả 3 chỉ số: Số nhiễm mới, số chuyển AIDS, số tử vong. Cụ thể, từ đầu năm đến nay phát hiện 110 trường hợp nhiễm mới, giảm 92% so với con số 1.247 trường hợp của năm “đại dịch” HIV/AIDS 2010. Các nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV/ AIDS như nghiện chích ma túy giảm từ 56% xuống còn 26%, gái mại dâm giảm 11%, tỷ lệ trẻ em lây nhiễm được khống chế dưới 2%. Tỷ lệ người nhiễm HIV còn sống quản lý được trên dân số giảm từ 0,84% xuống 0,59%. Có được kết quả đó là nhờ việc triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Hệ thống phòng chống HIV/AIDS không ngừng được kiện toàn, tăng cường về số lượng và chất lượng. Hiện nay, toàn tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động của 9 phòng xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV; 12 phòng tư vấn xét nghiệm HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các huyện, thị. Các phòng chẩn đoán HIV dương tính nhanh trong 1,5 giờ và đưa bệnh nhân vào điều trị kịp thời tránh mất dấu, góp phần thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 đạt hiệu quả. Các hoạt động dự phòng chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người nhiễm HIV được triển khai mở rộng. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm triển khai có hiệu quả việc xét nghiệm sàng lọc HIV tại 102 xã trên địa bàn 10/10 huyện, thị, thành phố; thực hiện 75 đợt giám sát dịch HIV/AIDS và hỗ trợ kỹ thuật tại 85 xã thuộc 10/10 huyện, thị, thành phố. Cùng với đó là 12 cơ sở quản lý và điều trị ARV cho 3.043 người nhiễm HIV/AIDS (chiếm 88,4 % trên tổng số người còn sống quản lý được), trong đó số trẻ em 130 trẻ, người lớn 2.913 người. Các cơ sở này đều tích hợp danh mục HIV vào phần mềm quản lý bệnh viện để thanh toán các chi phí khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS. Ðặc biệt, Ðiện Biên là một trong số các tỉnh trích ngân sách địa phương mua thẻ BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay đã có 192 bệnh nhân được cấp thẻ BHYT. Hiện các đơn vị đang tiếp tục rà soát bệnh nhân có thẻ BHYT sắp hết hạn và bệnh nhân mới để xây dựng kế hoạch mua thẻ.

Ngoài ra, độ bao phủ của chương trình can thiệp giảm tác hại cho người tiêm chích ma túy đạt 100%, đảm bảo cung cấp đủ bơm kim tiêm cho nhóm đối tượng này. Trong 9 tháng đầu năm 2019, trung bình 1 người tiêm chích ma túy sử dụng 39 bơm kim tiêm sạch/tháng. Chương trình điều trị Methadone được triển khai trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên từ tháng 3/2011 và đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Ðến nay toàn tỉnh có 8 cơ sở điều trị, 35 cơ sở cấp phát thuốc Methadone, đang quản lý, điều trị cho 2.494/3.310 bệnh nhân; 1.155 bệnh nhân được chuyển về điều trị tại các xã. Gần đây, Buprenorphine là chất điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện được đưa vào tại 3 cơ sở điều trị tại Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ), cơ sở điều trị Thanh Xương và cơ sở cấp phát Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) và đang điều trị cho 75 bệnh nhân. Ða số bệnh nhân đang điều trị tại các phòng khám điều tuân thủ tốt.

Các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cũng góp phần không nhỏ thay đổi nhận thức, hành vi của người dân đối với căn bệnh này. Các câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS tại các xã/phường tích cực duy trì các buổi sinh hoạt chuyên môn, các thành viên thường xuyên thăm hỏi và động viên nhau. Các câu lạc bộ này còn là đầu mối vận động các ban ngành, các tổ chức, các doanh nghiệp hỗ trợ kinh tế và tinh thần cho người nhiễm và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, góp phần xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS. Theo nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn, mức độ kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS tại tỉnh Ðiện Biên đang ở mức thấp nhất trong cả nước.

Nhìn vào tổng quan, Ðiện Biên đã bước đầu kiềm chế được dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỉnh ta vẫn là địa bàn phức tạp về tình hình ma túy và HIV/AIDS. Việc triển khai thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 về phòng chống HIV/AIDS còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. HIV đã lan ra các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hơn thế, hầu hết người nhiễm HIV/AIDS và người tiêm chích ma túy đều là người nghèo, gặp khó khăn trong việc tiếp cận và tuân thủ điều trị Methadone và ARV. Hiện nay, các nguồn kinh phí đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn tới kết quả hoạt động của chương trình phòng chống HIV/AIDS. Ðặc biệt, trong số những người được xét nghiệm mới phát hiện nhiễm HIV tính đến ngày 1/10/2019, nam chiếm 81,05%, nữ chiếm 18,95%; lây truyền qua đường máu là 35,29%, lây truyền qua đường tình dục 61,18%, lây truyền HIV từ mẹ sang con 1,18%, không rõ đường lây 2,35%. Nhóm tuổi nhiễm cao nhất 20 - 39  tuổi, chiếm tỉ lệ 72%. Những số liệu thống kê nêu trên cho thấy dịch HIV/AIDS lây truyền qua đường tình dục ngày càng chiếm tỷ lệ cao. Việc sử dụng các chất ma túy, quan hệ đồng giới nam cũng khiến cho tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thêm nhiều phức tạp. Trước những nguy cơ đó, đòi hỏi chúng ta cần có sự ứng phó toàn diện và kịp thời, sự hưởng ứng, chung tay của các cơ quan đơn vị, các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng cùng hành động hoàn thành mục tiêu 90 - 90 - 90 để kết thúc dịch HIV/AIDS tại Ðiện Biên.