Quan hệ Nga - Ukraine: Căng thẳng leo thang

Thứ Sáu 14:45 19/05/2017
Căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Ukraine đã leo thang trở lại sau khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko phê chuẩn danh sách mở rộng trừng phạt nhằm vào 1.228 cá nhân và 468 thực thể, trong đó hầu hết là người Nga với cáo buộc có liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.

Các thực thể trong danh sách nói trên đều bị gia hạn trừng phạt từ 1 đến 3 năm, trong khi cá nhân thậm chí bị trừng phạt vô thời hạn. Ngoài các đơn vị truyền thông của Nga nằm trong "danh sách đen" trước đó như Rossiya Sevodnya, Zvezda, TVC, trong danh sách mở rộng còn xuất hiện thêm tên nhiều kênh truyền hình, trang web cùng hơn 50 công ty công nghệ của nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Mátxcơva cho rằng hành động kể trên của Kiev là một biểu hiện khác của chính sách không thân thiện với Nga, vi phạm quyền lợi của người dân Ukraine trong việc tiếp nhận thông tin. Trả lời phỏng vấn chính thức trước báo giới, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết Mátxcơva hiện đang theo dõi chặt chẽ tình hình và sẽ sớm có biện pháp đáp trả Ukraine. Chỉ vài giờ sau đó, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Dmytro Shymkiv thông báo trang mạng của Tổng thống P.Poroshenko đã bị các tin tặc Nga tấn công. Ngay lập tức, phía Nga đã phản bác, cho rằng đó là cáo buộc vô căn cứ.

 

VKontakte là mạng xã hội lớn nhất của Nga, hiện được hơn 1/3 dân số Ukraine sử dụng nhưng nằm trong danh sách cấm mới nhất.

Những động thái mới kể trên đã “đổ thêm dầu vào lửa” cho mối quan hệ vốn đầy căng thẳng giữa hai nước kể từ đầu năm 2014, sau khi các lực lượng thân phương Tây tại Ukraine tiến hành "cuộc đảo chính đường phố" lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych. Đợt "tranh cãi" mới xảy ra giữa lúc Mátxcơva đang là tâm điểm của những cáo buộc can thiệp vào bầu cử ở Mỹ và một số nước Châu Âu, còn tình hình miền Đông Ukraine cũng không hề yên ả. Bộ Ngoại giao Nga đã nhiều lần ra tuyên bố khẳng định chính quyền Kiev đã sử dụng các biện pháp chia rẽ tiêu cực, từ việc cấm công dân nước này tiếp cận âm nhạc, các giá trị văn học thời Liên Xô, cho đến sử dụng các giải pháp quân sự tại vùng xung đột ở Donbass. Đáp lại, Ukraine cáo buộc Nga hậu thuẫn các lực lượng ly khai ở miền Đông, tìm cách tiến hành chiến tranh điện tử nhằm vào mạng lưới điện, hệ thống tài chính của nước này.

Việc chính quyền của Tổng thống P.Poroshenko liên tục gia tăng trừng phạt đối với Mátxcơva vẫn được giới phân tích cho là nhằm thể hiện xu hướng ngả về phía Liên minh Châu Âu (EU) và phương Tây, đặc biệt khi công dân Ukraine được miễn thị thực vào Châu Âu. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là lần mở rộng danh sách trừng phạt nói trên lại vấp phải một số ý kiến trái chiều từ EU. Phát ngôn viên Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết, việc Ukraine trừng phạt các cơ quan truyền thông Nga là không phù hợp với các giá trị của EU, bởi lẽ “tự do báo chí tại Châu Âu là một trong những giá trị quan trọng nhất”. Đây là quan điểm đã được chính Hội đồng Châu Âu (EC) đồng thuận. Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, Kiev đang có phần "làm quá" trong việc thể hiện quan điểm, tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới những mâu thuẫn ngoài ý muốn với chính các đồng minh phương Tây.

Trong khi đó, cuộc chiến kinh tế giữa Nga và các nước phương Tây cũng đang khiến nhiều chính phủ phải đau đầu. Tính đến thời điểm này, các nước phương Tây đã thiệt hại tới 100 tỷ USD, tức là gấp đôi Nga, sau 3 năm áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Chính Kiev cũng thiệt hại hàng tỷ USD vì những lệnh trừng phạt.

Có thể nói, căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ không thể chấm dứt trong một sớm một chiều. Ukraine vẫn tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ của EU và Mỹ trong việc giải quyết tình hình ở miền Đông. Vì vậy, dù câu chuyện mâu thuẫn Nga - Ukraine có vẻ như là vấn đề song phương nhưng trên thực tế nó cần tới những động thái đa phương mang tính nhất quán và cứng rắn hơn để có thể đi tới một giải pháp hòa bình, ổn định lâu dài.