Nâng cao đạo đức công vụ

Thứ Sáu 15:55 28/07/2017
“Người sống khổ, người chết cũng chẳng được yên thân”, “hành hạ cả người chết”, “táng tận lương tâm”... Đó là một số bình luận, ý kiến của dư luận trước vụ việc chị Vũ Thanh Hoa, một công dân ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội) tới UBND phường Văn Miếu để làm giấy chứng tử cho người cha mới mất, nhằm hoàn tất thủ tục để tổ chức tang lễ.

Theo phản ánh của chị Hoa trên mạng xã hội, cán bộ tại bộ phận một cửa của phường Văn Miếu “hành” chị phải đi lại nhiều lần mới lấy được giấy chứng tử. Hệ quả là tang lễ của cha chị Hoa phải lùi lại một ngày, một việc rất kiêng kỵ với nhiều gia đình không may có tang.

Việc xin tờ giấy báo tử cho người thân qua đời là thủ tục hành chính người dân rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ chính quyền địa phương để giải quyết hậu sự cho người thân nhanh chóng, thuận tiện. Thế nhưng đằng này khi người dân đang gặp chuyện đau buồn, tang gia bối rối, khi tới cơ quan chính quyền địa phương làm các thủ tục hành chính cần thiết lại bị hành, đi ngược lại với đạo lý của người Việt.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhanh chóng chỉ đạo lãnh đạo Sở Nội vụ phối hợp với UBND quận Đống Đa kiểm tra làm rõ, kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định pháp luật. Hiện một phó chủ tịch phường Văn Miếu đã bị tạm đình chỉ nhiệm vụ, còn một cán bộ tại bộ phận một cửa đã bị điều chuyển công việc khác.

Vụ việc xảy tại phường Văn Miếu là “giọt nước tràn ly” nói lên sự bức xúc, vất vả mà người dân phải gánh chịu lâu nay bởi sự quan liêu, thờ ơ của một phận không nhỏ cán bộ, công chức cấp cơ sở đối với người dân. Phường, xã là đơn vị quản lý nhà nước sát dân, gần dân nhất. Những thủ tục giấy tờ thiết yếu liên quan tới cuộc sống hàng ngày của dân như: khai sinh, khai tử, kết hôn, đất đai, xây dựng, công chứng... đều phải tới UBND xã/phường thực hiện. Thế nhưng, lâu nay, ở không ít địa phương, tại cấp chính quyền này lại là nơi gây ra nhiều phiền toái cho dân.

Cũng phải khách quan nhìn nhận, trong thời gian quan bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp đã có nhiều cải cách quan trọng về hành chính theo hướng nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ phục vụ. Tuy nhiên thực tế cho thấy, người dân, doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng do sự rườm rà, phức tạp của không ít quy định hành chính hoặc các hành vi không thực hiện đúng quy định của các cán bộ, công chức, cơ quan hành chính nhà nước khi giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân.

Tệ hơn, do lâu nay người dân và không ít doanh nghiệp luôn bị làm khó dễ còn bởi chính không ít cán bộ công chức và lãnh đạo. Vì thế nhiều người luôn có suy nghĩ cứ đến cơ quan công quyền nhà nước làm các thủ tục hành chính là phải có “phong bì”, bôi trơn mới có thể giải quyết mọi việc. Về phía cơ quan công quyền, không ít cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người dân cũng còn thái độ hống hách, cậy quyền, hành xử theo kiểu ban ơn cho người dân. Điều bất hợp lý là người dân là người đóng thuế để nhà nước lấy tiền nuôi bộ máy hành chính, cũng như duy trì các hoạt động của chính quyền và các cơ quan cung ứng dịch vụ công. Vì vậy chính quyền phải phục vụ người dân, chứ không thể đứng trên nhân dân.

Chúng ta đang xây dựng một xã hội sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Chính phủ đang nỗ lực xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch phục vụ nhân dân. Để người dân thực sự hài lòng đối với các cơ quan công quyền khi đến giải quyết hay thực hiện các thủ tục hành chính, đòi hỏi cùng với việc cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, thái độ giao tiếp cho đội ngũ cán bộ công chức thì nên nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng thước đo chuẩn để mỗi cán bộ, công chức phải tự soi mình, điều chỉnh hành vi, thái độ khi tiếp xúc với dân.

Khi có thước đo đánh giá minh bạch thì người dân đến giao dịch mới thuận tiện; việc đánh giá của người dân về thái độ phục vụ của cán bộ, chính quyền các cấp mới khách quan và chuẩn xác. Bên cạnh đó, cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thủ tục hành chính càng đơn giản, thuận lợi cho người dân. Nước ta cũng cần xã hội hóa trong việc thực hiện dịch vụ hành chính, nhằm giảm bớt sự ôm đồm, bao sân của cơ quan Nhà nước đối với một số các thủ tục hành chính như nhiều nước.