Nâng chất lượng giáo dục vùng trũng

Thứ Tư 14:22 06/12/2017
Bộ GD-ĐT đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Trong đó, một trong vấn đề mà Bộ GD-ĐT xin ý kiến Chính phủ là nâng chuẩn giáo viên tiểu học lên trình độ cao đẳng. Đa số ý kiến đồng tình nhưng vẫn còn băn khoăn việc này có thể gây khó cho một số địa phương khó khăn.

Khi tiến hành các hội thảo lấy ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi, đa số ý kiến đồng tình với đề xuất nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học. Vì Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu rõ, tiến tới giáo viên tiểu học, THCS, THPT đều phải có trình độ đại học trở lên, do đó việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng chỉ là một bước trong lộ trình thực hiện mục tiêu này.

Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết, việc nâng chuẩn trình độ giáo viên là tất yếu. Hiện tại, chúng ta tăng chuẩn giáo viên tiểu học lên bậc cao đẳng, sắp tới sẽ là đại học. Những năm gần đây, thế giới có nhiều biến động mạnh mẽ với cách mạng 4.0. Vì vậy, việc nâng chuẩn giáo viên sẽ tạo ra bước đột phá đổi mới năng lực sư phạm, chuyển hướng từ tiếp cận kiến thức sang năng lực người học. Đây cũng là bước đột phá tạo hành lang pháp lý thực hiện đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng băn khoăn cho rằng việc này phải có lộ trình phù hợp bởi có thể gây khó khăn cho những tỉnh thành khó khăn.

Yêu cầu chuẩn đào tạo nhà giáo theo quy định 77 của luật hiện hành nêu chuẩn giáo viên tiểu học và mầm non là trung cấp sư phạm. Theo thống kê của các sở GD-ĐT và tổng hợp của Bộ GD-ĐT, tổng số giáo viên tiểu học đạt trình độ trung cấp sư phạm hiện nay chiếm 12,1%, trình độ cao đẳng 32,12%, đại học 55,5%, trên đại học 0,29%. Tổng số giáo viên đạt trình độ cao đẳng sư phạm trở lên là 87,99%. Có 33/63 tỉnh thành trình độ giáo viên đạt từ cao đẳng trở lên chiếm 90%; từ 80% trở lên có 18/63 tỉnh thành; từ 70% trở lên có 9/63 tỉnh, thành. Cả nước hiện nay chỉ còn 3 tỉnh là Hà Giang, Tuyên Quang và Lai Châu tỷ lệ này dưới 70%.

Như vậy có thể thấy, tỷ lệ giáo viên tiểu học phải nâng chuẩn không quá nhiều. Tuy nhiên, số giáo viên chưa đạt chuẩn lại chủ yếu nằm ở các tỉnh thành khó khăn, cũng là “vùng trũng” của giáo dục. Vì vậy, để thực hiện việc nâng chuẩn, các cơ sở giáo dục cần tạo điều kiện cho giáo viên trung cấp sư phạm yên tâm công tác. Bộ GD-ĐT đưa ra khuyến nghị với các giáo viên còn 1 - 5 năm công tác, địa phương cần phối hợp các trường sư phạm để thiết kế khóa học bồi dưỡng. Những giáo viên còn trên 5 năm công tác cần có lộ trình bồi dưỡng, đào tạo lại cùng nhiều biện pháp linh hoạt. Quốc hội có thể giao cho Bộ GD-ĐT áp dụng thực hiện việc nâng chuẩn ở các vùng miền, địa phương riêng sao cho phù hợp.

Nâng chuẩn giáo viên tiểu học là việc có thể khó khăn ở một số vùng trũng, nhưng đây cũng là cơ hội để Chính phủ và Bộ GD-ĐT tập trung nâng vùng trũng này lên, tạo cơ hội để giáo viên nâng chuẩn. Hiện đa số giáo viên dạy ở tiểu học đều có trình độ cao đẳng, chỉ còn một số ít giáo viên có trình độ trung cấp. Nếu trong luật không nâng cao trình độ đạt chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng thì những quy định trong luật sẽ bị lạc hậu.

Hiện nhiều quốc gia đã yêu cầu giáo viên tiểu học có trình độ thạc sĩ. Tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục cần thiết phải nâng trình độ giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng. Bởi ở bậc tiểu học, giáo viên tiểu học phải dạy tích hợp cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, do đó, cần thiết phải nâng cao năng lực giáo viên.