Xây dựng hệ sinh thái không tham nhũng

Thứ Tư 15:15 20/12/2017
Có thể nói rằng, trong thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) nói chung, xử lý một số vụ việc cụ thể nói riêng đã thu được những kết quả tích cực, rõ nét, có vụ vượt yêu cầu, được nhân dân và dư luận đánh giá cao.

Các cơ quan chức năng đã tích cực, khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với mức án nghiêm minh, đúng pháp luật. Trong đó, có thể kể đến vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm đã được đưa ra xét xử với những mức án nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Qua xét xử vụ án này, các cơ quan chức năng còn làm rõ nhiều dấu hiệu sai phạm có liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và bước đầu được xử lý. Vụ án bà Châu Thị Thu Nga và đồng phạm phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Dự án B5 Cầu Diễn, Hà Nội được xét xử với những mức án nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “tham ô tài sản; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đang được tích cực điều tra, hoàn tất. 

Phiên họp gần đây nhất của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN đã thống nhất kế hoạch để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2017 và quý 1-2018. Trong đó Thường trực Ban chỉ đạo do Tổng Bí thư làm Trưởng ban đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương để đưa các vụ án ra xét xử đúng quy định của pháp luật. 

Như vậy, những vụ án lớn mà dư luận rất quan tâm như vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “tham ô tài sản”, “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án “tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khác; vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (giai đoạn 2 vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm); vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm; vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm... tới đây sẽ được đưa ra xét xử. 
Có thể nói, nhiều vụ bắt cán bộ liên quan đến tham nhũng vừa qua đã làm “rúng động” dư luận, qua đó dù rất đau xót nhưng nhân dân lại cảm thấy tăng niềm tin với quyết tâm PCTN của Đảng, Nhà nước, tăng niềm tin vào công lý. Hơn hết, người dân vô cùng mong Đảng, Nhà nước xây dựng được một hệ sinh thái không tham nhũng, mà ở đó, cán bộ thực sự liêm chính, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy; không còn nạn tham nhũng vặt cũng như không còn những vụ tham nhũng làm trôi ra sông ra biển hàng ngàn tỷ đồng, khiến nguồn lực đất nước kiệt quệ, người dân mất lòng tin.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về kinh tế tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các doanh nghiệp tư nhân nói không với việc đưa hối lộ cho các cấp, các ngành. Tại lễ phát động cuộc vận động “xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” hồi đầu tháng 11 vừa qua, Thủ tướng cũng nhắn nhủ doanh nghiệp không trốn thuế, chuyển giá, có trách nhiệm xã hội, trước hết là với môi trường sống của người dân xung quanh và đối xử với người lao động; nói không với đưa hối lộ, tham ô, lãng phí. Nhưng để xây dựng hệ sinh thái chống tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện chính sách, thể chế đồng bộ để cán bộ có chức có quyền “không thể tham nhũng”. Hay như việc để doanh nghiệp không đưa hối lộ, cần phải dẹp bỏ cơ chế xin - cho, không còn tình trạng “trên rải thảm đỏ, dưới rải đinh”. Bởi còn bị rải đinh, doanh nghiệp còn phải đưa hối lộ, thậm chí đến cả những người dân bình thường cũng phải “hối lộ” cán bộ, công chức - những người hàng ngày thực thi công vụ để “cho được việc”. 

Xây dựng hệ sinh thái chống tham nhũng xét cho cùng là phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ liêm chính, và đặc biệt là phải có được một thể chế PCTN hoàn thiện, để cán bộ muốn tham nhũng cũng không thể. Công tác PCTN luôn là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Vấn đề đặt ra là phải thực hiện cho được quyết tâm của Đảng, Nhà nước là không để “chìm xuồng” vụ nào, không có “vùng cấm”. Xử lý nghiêm các vụ án; công khai kết quả xử lý toàn bộ các vụ việc để nhân dân yên tâm, tin tưởng.