Huyện Ðiện Biên Ðông

Truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân

Thứ Hai 8:36 14/05/2018
ĐBP - Ðiện Biên Ðông là một trong những huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh; với địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm đa số (53,79% tổng dân số), trình độ dân trí không đồng đều… Thực tế này dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Những năm qua, Trung tâm Y tế huyện đã không ngừng nỗ lực vượt khó, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo các khoa, phòng, trạm y tế giám sát chặt chẽ dịch bệnh nhằm phát hiện sớm những ca bệnh truyền nhiễm để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Hầu hết các trạm y tế xã, thị trấn tổ chức thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh. Các chương trình, mục tiêu, dự án y tế quốc gia được Trung tâm Y tế huyện triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Nhờ chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm và các kế hoạch phòng chống với từng loại bệnh; chủ động cử cán bộ xuống cơ sở nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh, giám sát các ổ dịch, nên dịch bệnh trên địa bàn được khống chế, không có vụ dịch nào xảy ra, góp phần ổn định đời sống nhân dân.

 

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên Ðông chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Ðồng thời, Trung tâm Y tế huyện kiện toàn bộ máy, tổ chức mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe từ huyện đến các xã. Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe và trình độ, tay nghề đội ngũ y bác sĩ; tập trung tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng bằng nhiều hình thức, nội dung chủ yếu về: vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêm chủng mở rộng và phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi (sởi, thủy đậu, tiêu chảy cấp, cúm A (H5N1), (H1N1), tay - chân - miệng,  sốt xuất huyết…). Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế  huyện đã thực hiện 213 buổi truyền thông trực tiếp; qua loa phát thanh 117 buổi; tư vấn trực tiếp 4.510 lượt; phát trên 2.000 tờ rơi…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trung tâm Y tế huyện cũng nhận thấy, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, cần nỗ lực khắc phục trong thời gian tới. Bác sĩ Vừ A Câu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Cơ sở vật chất của đơn vị còn thiếu thốn; đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế tuyến xã còn thiếu và yếu về chuyên môn; dịch bệnh về truyền nhiễm vẫn tiềm ẩn nguy cơ khó lường.

Thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện sẽ tiếp tục chủ động phổ biến các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chăm sóc sức khỏe nhân dân; thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và cá nhân về truyền thông giáo dục sức khỏe; tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính của các tổ chức và cá nhân để phát triển sự nghiệp truyền thông giáo dục sức khỏe; triển khai đồng bộ, đa dạng các loại hình truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp, hiệu quả, ít tốn kém; cung cấp tài liệu, nâng cao chất lượng các ấn phẩm truyền thông, in ấn, phát hành thêm nhiều áp phích có nội dung về phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe; xây dựng các mô hình truyền thông, lồng ghép điểm tại cộng đồng, từ đó nhân rộng mô hình hiệu quả... Phấn đấu hết năm 2018, có 65% người dân được tiếp cận với thông tin về các chính sách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; 45% người dân hiểu biết đúng về phòng chống bệnh không lây nhiễm và giảm các hành vi nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm; 65% tỷ lệ hộ gia đình biết cách thực hành sức khỏe cơ bản; tăng tỷ lệ người dân trong các bản, xã tham gia các phong trào, sinh hoạt cộng đồng có lồng ghép với hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe lên trên 65%...