Nắng nóng làm gia tăng trẻ em viêm não Nhật Bản

Thứ Ba 9:10 03/07/2018
Những ngày nắng nóng gần đây, số ca bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương không tăng đột biến, từ 2.500 đến 3.200 ca khám/ngày. Tuy nhiên, số ca mắc viêm não Nhật Bản đang gia tăng, gây căng thẳng tại khoa Truyền nhiễm và Hồi sức cấp cứu.

Gia tăng số ca viêm não Nhật Bản

Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương hai tuần gần đây luôn trong tình trạng quá tải. Hơn 70 giường tại Khoa Hồi sức cấp cứu chỉ có 11 bác sĩ chính. Một phòng tám giường bệnh chỉ có hai điều dưỡng chăm sóc.

 

Các bác sĩ, điều dưỡng đang chăm sóc một bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản.

TS, BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, là khoa đặc biệt điều trị tích cực cho các ca nặng, số lượng giường dành cho thở máy chỉ hơn 40 máy nên không thể nào tải được số bệnh nhi nhập viện đông như những ngày nắng nóng vừa qua. Như mọi lần, khoa sẽ có chuẩn bị 2-3 giường trống để sẵn sàng đón các bệnh nhi nhưng vài ngày qua, các cháu phải nằm chờ, thở máy tại khu cấp cứu. Sau khi có giường trống mới nhận bệnh nhân lên.

Mùa hè năm nay, khoa tiếp nhận đột biến các ca mắc viêm não. “Năm nay viêm não Nhật Bản quay lại với tỷ lệ dương tính tương đối. Những ca bệnh này chủ yếu là ở các cháu tại các tỉnh vùng núi phía bắc như Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng…”, BS Tuấn cho hay.

 

Các bệnh nhi được chăm sóc tại Khoa Hồi sức cấp cứu.

BS Tuấn cho biết thêm, khi khai thác các gia đình có cháu bé mắc viêm não Nhật Bản thì hầu hết đều được trả lời gia đình quên cho con đi tiêm chủng nhắc lại, chỉ chú ý tiêm phòng cho con trong giai đoạn một tuổi. BS Tuấn tiếc nuối nói “Các gia đình chủ quan khi con đã hơn một tuổi, không quan tâm đến thời điểm tiêm chủng. Đó là lý do bệnh có thể phòng nhưng lại không phòng, để xảy ra những ca bệnh mắc viêm não Nhật Bản rất đáng tiếc”.

Ghi nhận tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương chiều 2-7, thời tiết nắng nóng rơi đúng vào mùa viêm não Nhật Bản (từ tháng 5 kéo dài đến tháng 7,8) nên bệnh viêm não Nhật bản đang là căn bệnh gây căng thẳng tại khoa.

 

Trẻ nhỏ dễ bị sốt, rối loạn tiêu hóa ngày hè.

TS, BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, từ đầu mùa đến giờ có khoảng 37 ca viêm não Nhật Bản điều trị tại khoa. So với mọi năm thì không tăng nhưng lứa tuổi mắc năm nay lại cao hơn mọi năm. Hiện tại trong khoa có khoảng gần chục ca viêm não Nhật Bản, hầu hết là những ca nặng. Cháu lớn nhất khoảng 15- 16 tuổi, còn lại đa số là các cháu 10- 12 tuổi. Thông thường trẻ lớn trên 10 tuổi thì có kháng thể tự nhiên, chống lại không mắc viêm não Nhật Bản, nhưng những trẻ không được tiêm phòng, sẽ mắc viêm não.

TS Lâm nói, điều đặc biệt của mùa dịch năm nay là bệnh viêm não nhật bản có tuổi mắc lớn hơn. Thông thường viêm não Nhật Bản thường xảy ở độ tuổi 2- 8 tuổi, nhưng năm nay, lứa tuổi nhập viện cao hơn, khoảng 8-12 tuổi, đa số các bệnh nhi vào viện đã ở tình trạng nặng nề. Khi được hỏi, các bậc phụ huynh không nhớ tiền sử tiêm chủng của con, có cháu không tiêm mũi nhắc lại. Đây là lý do làm cho trẻ dễ mắc bệnh.

Theo BS Lâm, có nhiều di chứng do bệnh viêm não Nhật Bản gây nên. “Hiện tại các ca chúng tôi gặp có trẻ liệt tứ chi, nhiều cháu không tự thở được, phải mở khí quản để thở máy kéo dài. Di chứng để lại rất nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này của các cháu”, BS Lâm nói. Bác sĩ Lâm khuyến cáo các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho con mình đầy đủ và tiêm nhắc lại 3 năm 1 lần đến năm 15 tuổi.

Cẩn trọng với rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn do tụ cầu

Tại khoa Hồi sức cấp cứu, một ca nhiễm khuẩn do tụ cầu khá nghiêm trọng đang được các bác sĩ điều trị tích cực. Dù mới 17 tháng tuổi, nhưng bé gái quê Yên Bái này đã nặng 17 cân. Từ một vết xước đơn giản trên cơ thể, bé đã được điều trị kháng sinh ở bệnh viện tuyến dưới nhưng không khỏi. Khi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương, bé đã bị suy đa tạng: suy thận, suy gan, nhiễm khuẩn huyết.

Hiện tại, các bác sĩ chưa tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng suy đa tạng của cháu bé. Bé đang được điều trị kháng sinh tối đa và được nằm phòng riêng tại khoa Hồi sức tích cực để phòng nguy cơ bị sốc do suy tim, các biến chứng suy hô hấp.

BS Tuấn cho hay, mùa hè là mùa các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn liên quan vi khuẩn gram dương, nhiễm khuẩn huyết tụ cầu tăng hơn. “Mùa hè nóng nực, các cháu ra mồ hôi nhiều, nếu không vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn sẽ phát triển. Qua những tổn thương như vết xước trên da, nếu không vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn xâm nhập vào máu, dễ gây biến chứng nhiễm khuẩn huyết, viêm tấy mô mềm lan tỏa. Trường hợp cháu bé 17 tháng là một ví dụ cho thấy, bố mẹ cần phải quan tâm đến cân nặng và quan tâm đến những vết thương ngoài da của trẻ, tránh những biến chứng nguy hiểm”, BS Tuấn khuyến cáo.

Mùa hè là mùa trẻ mắc viêm hô hấp, rối loạn tiêu hóa dễ xảy ra với nhiều biến chứng. TS Nguyễn Thị Út, Trưởng khoa Khám bệnh 2, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mùa hè năm nay tình trạng nhiễm khuẩn hô hấp đến khám và điều trị không có sự đột biến. “Đợt này là nghỉ hè, các cháu được gia đình giữ ở nhà, không ra đường, không đi học nên không có tình trạng lây nhiễm chéo. Nhưng vì nắng nóng đang ở giai đoạn đỉnh điểm, nên các bậc phụ huynh phải hết sức lưu ý bảo vệ cho con”, TS Út nói.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương chiều 2-7, rất nhiều phụ huynh mang theo ba lô, đồ dùng để chuẩn bị sẵn tư thế cho con nhập viện. Nhà tại Đống Đa, Hà Nội, bà Bùi Thị Vân T cho biết, các bà ở nhà chăm sóc cháu rất kỹ, lúc nào cũng để bé ở trong điều hòa nhưng không rõ vì sao cháu lại bị sốt. Ba ngày sốt, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, gia đình cho bé H khám.

Mẹ của bé Trung Kiên (Vĩnh Phúc) cho biết, chị đã đưa con đi khám ở bệnh viện tỉnh nhưng không tìm ra nguyên nhân bệnh. “Cháu ho khò khè lâu rồi, cứ do và dãi đỏ mà không tìm ra nguyên nhân. Nắng nóng bé càng khó chịu nên tôi cho con xuống Bệnh viện Nhi khám”, người mẹ này cho hay. Vừa tranh thủ cho con bú, mẹ bé Nhật Quang kể, bé bị tiêu chảy do virus gần một tháng qua và đã tạm khỏi. Tuy nhiên, mấy ngày nắng nóng gần đây, bé lại bị sốt, ho và sổ mũi. Gia đình lại sốt ruột khăn gói đưa nhau vào viện nhi để khám bệnh cho cháu.

Các bác sĩ khuyến cáo, trong thời điểm nắng nóng đỉnh điểm, các bậc phụ huynh cần để con trẻ ở trong khu thoáng mát, mặc quần áo thoáng mát. Cần vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, cung cấp đủ dịch bằng các loại nước cho trẻ nếu không trẻ dễ bị mất nước, dễ bị sốc nhiệt khi ra ngoài trời. Điều hòa chỉ nên để ở mức 27-28 độ, tránh sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ cho bé khi ra ngoài.