Tháng hành động quốc gia về dân số:

Chăm lo sức khỏe sinh sản cho vị thành niên

Thứ Năm 15:15 29/11/2018
Mặc dù đã có các chương trình sức khỏe vị thành niên, thanh niên trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều khoảng trống trong các chương trình, được phản ảnh qua kết quả các chỉ số về kiến thức, thực hành sức khỏe sinh sản và tình dục của vị thành niên, thanh niên.

Vì thế, Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2018 chọn chủ đề “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi” để quan tâm hơn nữa vấn đề sức khỏe sinh sản cho vị thành niên/thanh niên.

 

Báo động tình trạng vị thành niên mang thai sớm

Việt Nam hiện có hơn 64 triệu người đang trong độ tuổi lao động, chiếm trên 68% dân số, trong đó vị thành niên, thanh niên Việt Nam (nhóm dân số từ 10-24 tuổi, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới) chiếm khoảng trên 22% dân số.

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách mang tính chiến lược như Nghị quyết số 21 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về Công tác Dân số trong tình hình mới, Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em (năm 2014) Luật thanh niên (năm 2005), Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020… Những năm qua, vị thành niên, thanh niên Việt Nam đã có những bước phát triển khá toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; đã và đang đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục cho lứa tuổi này.

Theo Tổng Cục Dân số, tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV ở vị thành niên, thanh niên vẫn có xu hướng gia tăng, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu các khu công nghiệp tập trung… Đặc biệt, kiến thức, kỹ năng cơ bản về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên còn nhiều hạn chế; giáo dục về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục chưa tiếp cận được ở diện rộng; việc cung cấp thông tin, dịch vụ thân thiện về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của vị thành niên, thanh niên.

Báo cáo của UNFPA về vị thành niên/thanh niên năm 2017 cho biết, trong tổng số nữ trong độ tuổi 15-24, tỷ lệ hiện đang sử dụng biện pháp tránh thai là 60% và tỷ lệ hiện đang sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 50,5%. Nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại trung bình khoảng 30% và thậm chí lên tới 48,4% đối với nữ chưa từng kết hôn độ tuổi 15-24. Trong tổng số thanh thiếu niên tham gia nghiên cứu, 83% đã từng nghe nói về bao cao su nam và 63,4% hiểu đúng mục đích của việc dùng bao cao su. Tuy nhiên, chỉ có 26% trong số họ biết các sử dụng bao cao su đúng cách. Rào cản phổ biến nhất để mua bao cao su là xấu hổ (76%) và có cảm giác đang làm điều sai trái khi mua bao cao su (18%).

Một nghiên cứu trên đối tượng nữ công nhân di cư ở tuổi thanh niên năm 2015 cho thấy tỷ lệ không sử dụng biện pháp tránh thai chiếm 27,8%. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là tình trạng sử dụng biện pháp tránh thai không thường xuyên trong quan hệ tình dục rất cao. Thiếu kiến thức toàn diện và chính xác về HIV/AIDS, bệnh lây truyền qua đường tình dục, và mang thai là kết quả đáng quan tâm ở nữ thanh niên là lao động di cư.

Theo Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số Nguyễn Doãn Tú, vị thành niên, thanh niên Việt Nam có kiến thức chưa đầy đủ và thực hành chưa đúng về các vấn đề sức khỏe. Theo số liệu của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em của Bộ Y tế, tỷ lệ mang thai ở vị thành niên tại Việt Nam có giảm đôi chút trong những năm gần đây nhưng vẫn ở mức cao và rất đáng lo ngại: năm 2010 là 3,24% đã giảm xuống nhưng không đáng kể là 2,66 % vào năm 2015.

Tình trạng phá thai ở Việt Nam đang ở mức rất cao với 250.000 - 300.000 ca mỗi năm. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ năm 2017, cứ 1.000 ca phá thai có 15 trường hợp ở độ tuổi vị thành niên. Cứ 100 ca phá thai ở phụ nữ tuổi 15 - 49 thì có 62 ca mang thai ngoài ý muốn.

Trong các điều tra về thanh thiếu niên Việt Nam lần 2 (SAVY2) cho thấy nhóm dân tộc thiểu số kết hôn sớm hơn 6 lần so với dân tộc Kinh (8,4% so với 1,4%), và cao hơn trung bình cả nước 3,5 lần (2,5%). Tỷ lệ từng kết hôn của trong nhóm vị thành niên từ 15-19 tuổi là 2,6%.

“Vị thành niên, thanh niên vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục bảo đảm chất lượng, thí dụ các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiện nay tập trung chủ yếu vào những người đã kết hôn. SAVY2 cũng cho rằng các can thiệp, chương trình sức khỏe sinh sản và tình dục vị thành niên, thanh niên còn thiếu hụt trong giải quyết các vấn đề của các nhóm thiệt thòi, dân tộc thiểu số, và vấn đề về giới”, ông Nguyễn Doãn Tú nói.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên

Sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.

Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011- 2020 với nhiều nội dung quan trọng. Chiến lược xác định bảy giải pháp cụ thể, từ tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động truyền thông đối với tất cả các nhóm đối tượng, tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi và vị thành niên; nâng cao chất lượng truyền thông giáo dục; nâng cao chất lượng dịch vụ dành cho người cao tuổi, trẻ vị thành niên, chất lượng dịch vụ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đào tạo và tập huấn theo địa chỉ, theo nhu cầu, nhất là vùng sâu, vùng xa...

Vấn đề này đã được Bộ Y tế xác định là một nội dung ưu tiên trong Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Một số mô hình đã và đang được triển khai nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng và dịch vụ về dân số - sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên như mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”, mô hình “Cung cấp dịch vụ sức khỏe thân thiện với vị thành niên, thanh niên”.

Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định số 906/QĐ-BYT ngày 15-3-2017 phê duyệt Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2016-2020; đồng thời phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam …triển khai chương trình giáo dục dân số - sức khỏe sinh sản, giới và bình đẳng giới trong nhà trường; các mô hình “Góc thân thiện cho thanh niên công nhân” tại các khu công nghiệp, “Góc thân thiện cho học sinh” trong các nhà trường phổ thông, “Kịch tương tác cho vị thành niên, thanh niên”; mô hình “Nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trong công nhân lao động“, đặc biệt là lao động trẻ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

 
Để thiết thực hưởng ứng chủ đề của Tháng hành động Quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam năm nay, các đơn vị làm công tác dân số ở các cấp đã tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục theo chuyên đề tại địa bàn; tăng cường lồng ghép giữa truyền thông và cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe nhân các chiến dịch; chú trọng mở rộng đối tượng vận động là cha mẹ, ông bà…để giáo dục, động viên con em trong việc tham gia tư vấn và khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, gia đình và xã hội cần tạo mọi điều kiện để vị thành niên, thanh niên tích cực học tập, lao động, chủ động tham gia các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục lành mạnh nói riêng; bảo đảm để vị thành niên, thanh niên được quan tâm chăm lo toàn diện và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình.