Tập trung thu hồi nợ thuế

Thứ Tư 8:30 08/07/2020

ĐBP - Cùng với việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị định số 41/2020/NÐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tập trung rà soát, phân loại nợ, từ đó đề ra các giải pháp quản lý, đẩy mạnh thu hồi nợ thuế.

Triển khai thực hiện công tác thuế những tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp; thời tiết nắng hạn kéo dài dẫn đến nguồn nước khô cạn, các thủy điện không hoạt động thường xuyên gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Ước thực hiện 6 tháng đầu năm đạt 520 tỷ đồng (đạt 43,48% dự toán HÐND tỉnh giao). Thời gian qua, ngành Thuế tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp chống thất thu ngân sách và kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nợ đọng thuế nhưng con số nợ vẫn cao. Tính đến hết tháng 5/2020 tổng số tiền nợ thuế của các doanh nghiệp trên toàn địa bàn là 264,793 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, Cục Thuế tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý nợ thuế; đôn đốc và kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật. Ngành Thuế tích cực phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo thu nộp ngân sách Nhà nước tỉnh, huyện triển khai giải pháp xử lý các trường hợp nợ đọng dây dưa kéo dài, cố tình chây ỳ nợ đọng thuế. Từ đầu năm đến nay toàn ngành Thuế đã thực hiện gọi điện thoại, nhắn tin và gửi Email đôn đốc nợ thuế trên 50.000 lượt; ban hành 316 lượt quyết định cưỡng chế với số tiền 117,628 tỷ đồng, trong đó: Cưỡng chế tài khoản 291 lượt (67,091 tỷ đồng), thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với 25 lượt doanh nghiệp (50,537 tỷ đồng). Ngành Thuế đã phối hợp công khai 197 lượt doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế (283,915 tỷ đồng) trên phương tiện truyền thông đại chúng. Ðã thu hồi 96,551 tỷ đồng tiền nợ thuế nộp ngân sách Nhà nước, góp phần tích cực vào kết quả thu ngân sách Nhà nước của toàn ngành. Ước đến 30/6/2020, số nợ khó thu là 46,435 tỷ đồng; tiền phạt và tiền chậm nộp là 102,3 tỷ đồng; tiền nợ thuế có khả năng thu là hơn 94,2 tỷ đồng. Trên thực tế, số nợ thuế trong nhóm này chủ yếu của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, không có khả năng nộp ngân sách nhưng theo quy định của Luật Quản lý thuế vẫn phải phân loại và  theo dõi.

Ðể công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế năm 2020 đạt mục tiêu đề ra, ngành Thuế tỉnh đang triển khai, thực hiện một số giải pháp, như: Xử lý khoanh nợ tiền thuế gốc và xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội khóa XIV về xử lý nợ thuế cho người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước để giảm số tiền thuế nợ đọng của người nộp thuế mất tích, người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, người nộp thuế mất năng lực hành vi dân sự. Cơ quan thuế cũng tích cực hướng dẫn người nộp thuế lập hồ sơ và văn bản đề nghị xóa nợ gửi đến cơ quan thuế để được hưởng chính sách. Thực hiện đôn đốc, quản lý nợ và cương quyết thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy trình quản lý nợ và quy trình cưỡng chế nợ thuế của Tổng cục Thuế.