Hơn 1 triệu vụ ly hôn trong 10 năm gần đây có nguyên nhân là bạo lực gia đình

Thứ Tư 16:41 28/11/2018

Theo số liệu do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cung cấp thì trong 10 năm trở lại đây có 1.384.660 vụ án ly hôn Tòa án đã giải quyết, thì có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình như: bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn). 

 

Quang cảnh buổi hội thảo.

Sáng nay 28-11 tại Hà Nội, bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo khoa học "10 năm thi hành luật phòng, chống bạo lực gia đình thực trạng và giải pháp".

Tại đây, TS Trần Ánh Tuyết, Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ VH-TT-DL kết quả tổng hợp số liệu cho thấy, từ năm 2009 đến năm 2017 có trung bình khoảng 292.268 vụ bạo lực gia đình, tính trung bình mỗi năm có khoảng 36.534 vụ.

Cũng theo số liệu tổng hợp này thì từ ngày 1-7-2008 đến ngày 31-7-2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%, còn lại 37.407 vụ đang trong quá trình giải quyết.

Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn Tòa án đã giải quyết, có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình như: bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn). 

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Gia đình, ước tính, hiện nay nước ta có khoảng 27 triệu hộ gia đình. Bạo lực gia đình thường bị che giấu đằng sau "cánh cửa mỗi gia đình", vì vậy để nắm thông tin về bạo lực gia đình phải có mạng lưới cộng tác viên tại cộng đồng dân cư. 

Tại hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp cũng cho rằng thực tiễn cho thấy, các vụ bạo lực gia đình trong những năm gần đây ngày càng tăng về số lượng với tính chất, mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng. Nạn nhân của bạo lực gia đình chủ yếu vẫn là phụ nữ và trẻ em ở cả nông thôn và thành thị.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình còn nhiều bất cập như quy định về hành vi bạo lực gia đình... Một số quy định còn quá chung chung và không đầy đủ; quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong phòng, chống bạo lực gia đình còn chung chung và không đề ra cơ chế cho việc thực thi trên thực tế; thiếu quy định về biện pháp xử lý cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình…

Vì vậy, theo đại diện Bộ Tư pháp cần rà soát các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình để quy định hình thức xử phạt hợp lý và khả thi do một số hành vi quy định mức phạt quá thấp, không đủ sức răn đe...