Đảng bộ huyện Mường Chà 60 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ Tư 0:00 08/01/2014
ĐBP - Ngày này cách đây 60 năm, ngày 25/01/1954, Ban cán sự Đảng tỉnh Lai Châu quyết định thành lập chi bộ Đảng huyện Mường Lay gồm 7 đảng viên do đồng chí Nguyễn Xuân Giảng làm Bí thư, đồng chí Lâm Sung làm Phó Bí thư. Chi bộ Đảng huyện Mường Lay là tiền thân của Đảng bộ huyện Mường Chà ngày nay, đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng, từ đây nhân dân các dân tộc trong huyện đã có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo.

Mường Chà trước đây có tên gọi châu Lai, châu Mường Lay. Lúc bấy giờ châu Mường Lay có 19 xã và 1 thị trấn; sau đó tách chuyển 8 xã để thành lập châu Tủa Chùa theo Nghị định số 606 /TTg ngày 18/10/1955 của Thủ tướng Chính phủ, lúc này châu Mường Lay có 11 xã và 1 thị trấn châu lỵ. Từ đó đến nay huyện đã qua 4 lần chia tách, có 11 xã chuyển sang huyện Mường Nhé, huyện Nậm Pồ, thị xã Mường Lay và tỉnh Lai Châu. Ngày 2/3/2005 Chính phủ ra Nghị định số 25/2005/NĐ-CP về "điều chỉnh địa giới hành chính và đổi tên thị xã Lai Châu thành thị xã Mường Lay, đổi tên huyện Mường Lay thành huyện Mường Chà. Đến thời điểm này, huyện Mường Chà có 11 xã và 1 thị trấn, có 122 thôn, bản, tổ dân phố. Đảng bộ huyện có 48 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), trong đó có 34 TCCSĐ thuộc khối cơ quan với tổng số 1.737 đảng viên.

Khu trung tâm huyện lỵ Mường Chà. Ảnh: Đạt Thương

Trong những năm qua, huyện luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đầu tư nhiều chương trình dự án, diện mạo của Mường Chà từng bước được đổi thay. Tốc độ phát triển kinh tế đạt khá; giá trị sản xuất tăng từ 7-8%/năm; năm 2013 thu nhập bình quân đầu người đạt 8,21 triệu đồng/người. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực: nông - lâm nghiệp chiếm 53%, công nghiệp xây dựng chiếm 36%, dịch vụ chiếm 11%. Kinh tế vùng đã hình thành và phát triển đúng định hướng, nhân dân trong huyện đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây con vào sản xuất chăn nuôi để tăng sản lượng. Hiện toàn huyện có hơn 200 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, 17 doanh nghiệp tư nhân; có 157 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, 157 mô hình kinh tế trang trại vừa và nhỏ. Mạng lưới giao thông hàng năm được mở mới, nâng cấp, hiện nay các xã đều có đường ô tô đến trung tâm, có 100% số bản xe máy đi lại được về mùa khô, góp phần giao lưu, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế của nhân dân các dân tộc trong huyện, gần 83% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã; 11/12 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia ở trung tâm, tỷ lệ hộ được sử dụng điện là 74,5%; có 95% dân cư thị trấn được dùng nước sạch; 82% dân cư nông thôn dùng nước hợp vệ sinh. Toàn huyện hiện có 45 trường, có 7 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp bình quân hàng năm đạt trên 95%. Năm 2000 huyện hoàn thành phổ cập tiểu học và xóa mù chữ, năm 2008 hoàn thành phổ cập THCS, tiếp tục duy trì phổ cập tiểu học đúng độ tuổi; thực hiện đúng, đủ chính sách đối với học sinh con em người dân tộc. Công tác chăm sóc sức khỏe, chất lượng khám chữa bệnh ngày một được nâng lên rõ rệt, có 100/122 bản có cán bộ y tế, 7 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác an sinh xã hội ngày càng được quan tâm và chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%/năm, đến nay hộ nghèo chiếm 53,5%; tạo việc làm bình quân hàng năm từ 400 - 600 người. Tỷ lệ hộ được phủ sóng truyền hình 90%, sóng phát thanh trên 95%. Phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" thường xuyên được triển khai sâu rộng đến từng khu dân cư và gia đình, đã có 61 thôn, bản, tổ dân phố, 99 cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, 3.177 gia đình đạt thôn, bản, tổ dân  phố, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, gia đình văn hóa.

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, Đảng bộ quan tâm lãnh đạo xây dựng củng cố lực lượng vũ trang, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Tổ chức học tập, quán triệt triển khai, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về nhiệm vụ quân sự quốc phòng, bảo vệ an toàn tuyệt đối các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, đường biên, mốc giới. Huyện tiếp tục duy trì và thực hiện tốt mối quan hệ với huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly (nước CHDCND Lào); phối hợp làm tốt công tác quản lý và giải quyết tốt các vụ việc trên tuyến biên giới. Hướng dẫn quản lý chặt chẽ các chương trình, dự án có yếu tố nước ngoài và khách nước ngoài đến làm việc và tham quan du lịch.

Những năm qua, hệ thống chính trị toàn huyện không ngừng được củng cố, kiện toàn. Đảng bộ đã tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên. Hàng năm có trên 65% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh, không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, trên 80% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng, hàng năm kết nạp mới từ 120-150 đảng viên. Hoạt động của chính quyền có nhiều đổi mới, thể chế hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng phù hợp với tình hình thực tế của huyện, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các hội quần chúng thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động hướng về cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; tích cực tuyên truyền động viên nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Xây dựng tinh thần đoàn kết, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa mang bản sắc của nhân dân các dân tộc; tích cực giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

60 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua những bước thăng trầm của từng thời kỳ cách mạng, nhiều gian nan, vất vả, qua nhiều lần chia tách; đặc biệt trận lũ lịch sử năm 1996 đã gây thiệt hại lớn về người và của; kết cấu của trung tâm huyện hầu như bị phá hủy hoàn toàn, huyện lỵ phải di dời về địa điểm mới, gặp muôn vàn khó khăn. Song trong từng thời điểm, Đảng bộ huyện đều có những chủ trương hết sức đúng đắn, từng bước giải quyết và khắc phục khó khăn. Sự đồng sức, chung lòng, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng bộ và nhân dân các dân tộc ngày càng được củng cố đã đưa huyện từng bước phát triển, tình hình an ninh chính trị được ổn định; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Và trong những năm đổi mới vừa qua, Đảng bộ nhân dân các dân tộc cũng đã giành được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Với những thành tích đã đạt được, cuối năm 2008 Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Mường Chà đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Tự hào, trân trọng những thành quả đã đạt được trong 60 năm qua, Đảng bộ nhân dân các dân tộc huyện Mường Chà đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết; chủ động, sáng tạo, khai thác mọi tiềm năng nội lực, góp sức cùng với tỉnh, cả nước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế. Trước mắt tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XVIII. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đảng bộ chính quyền tập trung lãnh đạo chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng vững chắc quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch vững mạnh.

Trần Thanh Hải

Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy Mường Chà