Người dân không nên hoang mang khi sử dụng thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn

Thứ Hai 20:39 11/03/2019

ĐBP - Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ cảm thấy hoang mang khi bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại huyện Tuần Giáo, với 35 con lợn dương tính với bệnh dịch bị tiêu hủy. Ở một số chợ lớn, như: Mường Thanh, Noong Bua, Trung tâm I, Trung tâm II, Trung tâm III (TP. Điện Biên Phủ), tình trạng các quầy hàng bán thịt lợn sức tiêu thụ chậm hơn trước, do người dân e dè và chọn thực phẩm khác.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Dung, bán thịt lợn tại chợ Mường Thanh, cho biết: “Khi nghe tin có dịch tả lợn châu Phi, nhiều người dân đã hoang mang, đồn thổi những tin đồn thất thiệt về dịch tả lợn đã xuất hiện trong thành phố Điện Biên Phủ; vì vậy, người dân tới mua thịt lợn tại các quầy giảm hẳn. Tôi cũng đã chủ động giảm số lượng thịt lợn bày bán để tránh ế ẩm trong thời gian này”.

 

Người dân không nên “tẩy chay” thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn. 

Không chỉ thịt lợn, một số tiểu thương bán thực phẩm chế biến từ thịt lợn, như: nem, chả, giò, ruốc, thịt sấy... cũng cho biết: Nhiều người tiêu dùng đang “tẩy chay” các sản phẩm của họ vì lo dịch tả lợn châu Phi. “Khoảng một tuần nay, số khách quen thường xuyên mua hàng của tôi tỏ ra e ngại, lo lắng về dịch tả lợn châu Phi nên đã dừng mua, khiến thực phẩm trở nên ế ẩm. Mặc dù tôi đã giải thích những thực phẩm này đảm bảo an toàn và hạ giá thành xuống từ 10 – 20%, nhưng vì tâm lý chung nên họ vẫn không dám mua” – bà Trần Mai, bán thực phẩm chế biến từ thịt lợn tại chợ Trung tâm I chia sẻ.

Trước tình hình trên, chúng tôi đã trao đổi với ông Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Theo phân tích của ông Hùng, người dân trên địa bàn chưa hiểu đúng về dịch tả lợn châu Phi và công tác phòng dịch tại địa phương có dịch nên tâm lý hoang mang, lo sợ. Ông Đoàn Ngọc Hùng khẳng định: “Dịch tả lợn châu Phi không lây sang người và các động vật khác, người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người dân nên chọn mua thực phẩm ở những nơi uy tín, có xuất xứ rõ ràng và phải chế biến hợp vệ sinh trước khi sử dụng”.

Khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở huyện Tuần Giáo (ngày 4/3), UBND huyện Tuần Giáo đã cho tiêu hủy toàn bộ số lợn dương tích với dịch, đồng thời tổ chức các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn cũng như các sản phẩm, chế phẩm từ thịt lợn trên địa bàn huyện; ngăn chặn, nghiêm cấm việc đưa lợn, chế phẩm từ thịt lợn sang địa phương khác tiêu thụ; bao vây, khống chế khu vực có dịch, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng đối với các phương tiện đi lại trên quốc lộ 279, quốc lộ 6... Do đó, bệnh dịch được kiềm chế ở mức thấp nhất khả năng lây lan từ khu vực có dịch về thành phố và các địa phương khác.

Theo phân tích của ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, tác nhân gây bệnh dịch tả lợn châu Phi là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Virus tả lợn châu Phi sống được rất lâu ở môi trường bình thường, có thể tồn tại trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3- 6 tháng. Tuy nhiên virus này chịu nhiệt kém và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C. Do đó, trong trường hợp ăn phải thịt lợn đã nhiệm bệnh dịch tả châu Phi cũng không nguy hiểm cho tính mạng người tiêu dùng, vì thịt đã được nấu chín. “Để đảm bảo yên tâm, cơ quan thú y khuyến cáo người dân nên nấu chín kỹ thịt lợn khi sử dụng; đồng thời nên mua thịt lợn ở các cơ sở uy tín, có đóng dấu của cơ quan thú y, bởi các thịt lợn này đã được kiểm định kỹ càng trước khi cho xuất ra thị trường. Tuyệt đối không mua thịt lợn không rõ nguồn gốc, không còn tươi, có dấu hiệu lạ như: Các điểm xuất huyết trên da, nổi hạch trắng...” – ông Đỗ Thái Mỹ cho biết.

Hiện nay, trên mạng xã hội có nhiều tin đồn thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, thậm chí có người đã sử dụng hình ảnh bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn đăng lên và cho rằng đó là triệu chứng của dịch tả lợn châu Phi khi đã lây sang người. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm những trường hợp đăng thông tin sai sự thật để tránh gây hoang mang dư luận. Do đó, cơ quan thú y tỉnh Điện Biên khuyến cáo người dân trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ cũng như các huyện, thị xã trong tỉnh không nên hoang mang “tẩy chay” thịt lợn, gây xáo trộn thị trường, thiệt hại kinh tế cho người dân chăn nuôi, buôn bán lợn.