Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông từ đạp xe thể dục

Thứ Tư 16:31 08/09/2021

ĐBP - Đạp xe thể dục vừa thư giãn, rèn luyện sức khỏe vừa đảm bảo khoảng cách trong tình hình dịch Covid-19 nên thời gian qua nhiều người dân trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ lựa chọn đạp xe làm môn thể dục. Vào mỗi sáng sớm hoặc chiều muộn, tuyến quốc lộ 12 trở thành cung đường ưa thích của những người đạp xe thể dục. Tuy nhiên cũng từ môn đạp xe xuất hiện thêm nỗi lo tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông…

Nhiều người đạp xe dàn hàng 2 - 3, chiếm gần hết phần đường trên đèo Cò Chạy quốc lộ 12.

Mới đây, trên mạng xã hội facebook đăng tải đoạn chia sẻ của một lái xe tải thể hiện sự bức xúc đối với một bộ phận người tập luyện môn xe đạp thể thao trên tuyến quốc lộ 12, đoạn từ TP. Điện Biên Phủ tới đỉnh đèo Cò Chạy. Theo chia sẻ của lái xe trên, các buổi chiều từ 17 – 18 giờ hàng ngày, từng đoàn người đạp xe thể thao tràn xuống lòng đường, đi dàn hàng 2 - 3 gây cản trở giao thông. Nhiều người còn dừng nghỉ, mua sắm nông sản hai bên đường. Đặc biệt, đoạn chân đèo Cò Chạy, khi xe tải chở hàng nặng cần lấy đà lên dốc lại vướng những người đạp xe này. Đoạn chia sẻ nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của cư dân mạng. Chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ đã có hàng trăm bình luận, đa số là đồng tình ủng hộ, thậm chí, còn “kể thêm không ít tội” của những người đạp xe thiếu văn minh…

Chúng tôi đã theo chân những người đạp xe thể thao để “mục sở thị” vấn đề có đến mức bức xúc như dân mạng phản ánh. Quả thực, vào buổi chiều hàng ngày, từ khoảng 16 giờ, hàng dài những người đạp xe thể dục từ trung tâm TP. Điện Biên Phủ theo quốc lộ 12 ngược lên đèo Cò Chạy. Đoạn đường trong thành phố vẫn là đường 1 chiều, 2 làn rộng rãi nên việc đạp xe khá an toàn. Tuy nhiên, khi ra khỏi địa phận thành phố, từ đoạn bờ mương Độc Lập, xã Thanh Nưa, đường thu hẹp lại thành đường 2 chiều, mật độ giao thông đông dần thì những hiểm họa giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có những người đi xe đạp dàn ngang hàng 2, hàng 3, vừa đi vừa nói chuyện. Có người mở điện thoại nghe nhạc sử dụng tai nghe hoặc mở loa inh ỏi... Thậm chí, có những gia đình đưa cả trẻ nhỏ đi cùng. Sự nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông xuất phát từ sự chủ quan khi luyện tập môn thể thao này. Một người dân xã Thanh Nưa lo lắng: “Thể thao gì mà trẻ con, người lớn thì đi bên trong, xe tải chở đất chở đá thì đi ngay bên ngoài. Nhìn thấy bất an vô cùng. Nói dại các cháu tay lái yếu, không may ghi đông chệch sang 1 chút thôi là có chuyện rồi. Chiều chiều ở đây nhìn thấy nhiều người đạp xe nguy hiểm lắm…”. Còn người dân ở bản Tâu, xã Hua Thanh, bức xúc: “Cứ tờ mờ sáng là các đoàn đạp xe đi qua đây mở loa, mở nhạc inh ỏi, không ai ngủ được. Hay sợ đi sớm quá các xe khác không nhìn thấy nên phải mở nhạc để cảnh báo…”.

Không chỉ vậy, nhiều người đạp xe còn dừng nghỉ, mua sắm nông sản dọc 2 bên đường gây cản trở giao thông. Đoạn chân đèo Cò Chạy - nơi kết thúc hành trình rèn luyện của nhiều “cua-rơ” không chuyên thì càng đông người dừng nghỉ, chuyện trò. Hàng dài xe đạp dựng bên đường, người ngồi, kẻ đứng, chuyện trò rôm rả, có khi tràn sang cả phần đường bên kia. Điều này khiến cho những phương tiện khác, đặc biệt là ô tô, xe tải, xe khách… gặp nhiều khó khăn vì đây là đoạn dốc tức, kéo dài. Chỉ vài phút đứng đây chúng tôi đã kịp chứng kiến 1 ô tô khách, 1 xe bồn phải lách sang đường để vượt người đi xe đạp rồi lại phải chật vật leo đèo vì… mất đà. Nhiều tài xế qua đoạn này, nhất là thời điểm sáng sớm và chiều tối, tầm nhìn bị hạn chế, khó quan sát thì vừa lo lắng vừa bức xúc. Anh Nguyễn Quốc Khánh, lái xe ô tô chia sẻ: “Xe đạp cứ tràn ra cả giữa đường. Lái xe còi từ xa họ không thèm tránh, đến gần còi thì họ giật mình. Lái xe ai nói tài được, chẳng may không kiểm soát tay lái, đang tập trung điều khiển xe mà họ tạt đầu thì… toi. Thêm nữa, đoạn đường đèo vào cua mà bất chợt gặp hàng 2 - 3 đi ngược chiều thì nguy cơ không kịp tránh là rất cao. Đi đường gặp nhiều trường hợp người đạp xe gây ức chế lắm mà chẳng biết làm thế nào…”.

Phong trào đạp xe mới phát triển rầm rộ 1 - 2 năm trở lại đây, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hạn chế tập trung đông người thì đạp xe là sự lựa chọn gần như tốt nhất. Số lượng người đạp xe ngày càng đông, dàn hàng 2, hàng 3, dừng nghỉ nơi chân đèo… dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Không phải ai đạp xe thể dục cũng “xấu xí” như lời chia sẻ trên. Nhiều người đạp xe nghiêm túc, tuân thủ các quy định về an toàn giao thông cũng rất bức xúc trước những hành vi thiếu ý thức của một bộ phận người đạp xe khác. Ông Hà Văn Thanh, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: “Đi mà cứ dàn hàng 2 - 3 đã không đảm bảo an toàn giao thông rồi lại còn vừa đi vừa nói chuyện, tốc độ chậm, gây ảnh hưởng đến người khác. Nếu người khác muốn vượt thì lại phải lấn sang làn sang bên kia. Chẳng may gặp xe ngược chiều thì xử lý làm sao kịp. Đạp xe để rèn luyện sức khỏe, mong rằng mọi người nâng cao ý thức để không bị mang tiếng là những người đạp xe kém văn minh…”   

Nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của mọi người là hoàn toàn chính đáng và cần được khích lệ. Đạp xe để rèn luyện sức khỏe cũng là để thư giãn, tận hưởng bầu không khí trong lành. Tuy nhiên, bất cứ hoạt động nào khi tham gia giao thông cần hết sức cân nhắc, đảm bảo an toàn cho mình và những người xung quanh. Những hành vi chưa an toàn, văn minh trên chỉ là nhất thời, hoàn toàn có thể thay đổi nếu mỗi người tự nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông, rèn luyện thể thao văn minh hơn để hướng tới mục tiêu cao nhất là niềm vui, sức khỏe và an toàn cho bản thân mình.