Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất để phòng chống bệnh sởi

Thứ Hai 9:37 10/08/2020

ĐBP - Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 15 ca sốt phát ban nghi sởi, sau khi lấy mẫu bệnh phẩm cho thấy có 8 ca dương tính, 2 ca âm tính và 5 ca đang đợi kết quả. Trong 8 ca mắc sởi thì có 7 ca ở huyện Nậm Pồ, còn lại 1 ca ở TP. Điện Biên Phủ. Có thể thấy, các trường hợp mắc sởi tập trung chủ yếu tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và tại các thôn bản có tỉ lệ tiêm chủng đạt thấp.

Trẻ em tiêm vắc xin phòng bệnh tại Phòng Tiêm chủng vắc xin Safpo (TP. Điện Biên Phủ). Ảnh: Minh Thảo

Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh lây theo đường hô hấp thông qua dịch tiết mũi họng khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc tiếp xúc. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. Bệnh sởi rất dễ lây lan và có tốc độ lây nhiễm rất cao nên có thể gây thành dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác. Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chiếm tỉ lệ khá cao.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có công văn đề nghị trung tâm y tế các huyện tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phục vụ cho hoạt động phòng chống bệnh. Đồng thời, tuyên truyền người dân chủ động thực hiện tiêm chủng vắc xin sởi, đưa con em đến các cơ sở y tế tiêm phòng vắc xin mũi 1 và mũi 2; tránh tiếp xúc với người bệnh, cách ly bệnh nhân, giữ vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, đồ dùng, đồ chơi và vệ sinh thân thể.

Bác sĩ Đàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Người bị nhiễm virus sởi sẽ mắc bệnh sởi nếu không được tiêm phòng đúng liều, không có trường hợp người lành mang virus, người đã từng bị sởi hầu như không bị mắc bệnh lại. Trong vòng 7 - 21 ngày sau khi bị nhiễm virus do tiếp xúc với người bị bệnh, bệnh nhân có các triệu chứng: Sốt cao, ho, hắt hơi (hoặc chảy nước mũi), viêm kết mạc (mắt đỏ) hoặc nổi hạch (cổ, sau tai, dưới chẩm), hoặc sưng đau khớp. Giai đoạn toàn phát, phát ban sẩn (mịn, không có nước, không phải ban xuất huyết). Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân. Ban bay (hết ban) theo trình tự như trên. Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị mắc bệnh khác gây biến chứng có thể là: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não... dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

Tranh thủ ngày nghỉ, chị Nguyễn Hương Thảo, tổ 9, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) đưa con trai được hơn 9 tháng tuổi đến Phòng Tiêm chủng vắc xin Safpo để tiêm phòng sởi. Chị Thảo chia sẻ: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết việc tiêm phòng giúp trẻ tránh được một số bệnh. Vì vậy, tôi đưa con đi tiêm phòng đầy đủ các mũi theo đúng thời gian.

Bác sĩ Đàm Thanh Tú khuyến cáo: Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất, nếu trẻ được tiêm đủ 2 mũi thì hiệu lực bảo vệ lên tới 95%. Chính vì vậy, người dân cần chủ động phòng bệnh cho con em mình bằng cách cho trẻ tiêm đầy đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với các bà mẹ trước khi mang thai 3 tháng nên tiêm phòng sởi. Cùng với chủ động thực hiện tiêm chủng, người dân cũng cần nâng cao ý thức phòng, chống bệnh dịch, giữ gìn vệ sinh môi trường. Khi trong gia đình có người xuất hiện dấu hiệu nghi mắc bệnh sởi phải thực hiện các biện pháp cách ly, tránh lây lan cho người thân và cộng đồng, đồng thời đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được khám, lấy mẫu xét nghiệm, xác định bệnh, tiến hành điều trị kịp thời.