Kinh tếNgân hàng CSXH

Đáp ứng kịp thời nguồn vốn phục hồi kinh tế - xã hội

07:15 - Thứ Tư, 13/07/2022 Lượt xem: 1599 In bài viết

ĐBP- Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2022 đến nay, trên cơ sở bám sát chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và chỉ đạo của UBND tỉnh, hệ thống các ngân hàng thương mại và Ngân hàng chính sách trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận với vốn vay để khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân vốn vay tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP cho người dân xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ.

Thời gian qua, NHNN Chi nhánh tỉnh Điện Biên cùng với các tổ chức tín dụng  trên địa bàn đã vào cuộc mạnh mẽ, chủ động làm việc với khách hàng để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời phân tích, đánh giá, dự báo những thiệt hại, khó khăn của doanh nghiệp, người dân, khách hàng vay vốn, nhất là những lĩnh vực, ngành nghề chịu thiệt hại trực tiếp do dịch bệnh gây ra để chủ động áp dụng những biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp và người dân phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Hà Văn Từ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết: Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, năm 2022 ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tháng 3/2022, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành ngân hàng. Các ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của NHNN.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Điện Biên (Agribank Điện Biên) là ngân hàng thương mại luôn đồng hành và có nhiều giải pháp hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, Agribank Điện Biên đã dồn lực triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân. Trong đó, tập trung vào các chương trình: 100.000 tỷ đồng đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; 30.000 tỷ đồng đối với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; 20.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân khu vực đô thị; 25.000 tỷ đồng cho vay thấu chi đối với khách hàng trả lương qua tài khoản Agribank... 5 tháng đầu năm 2022, chi nhánh đã cho vay mới với lãi suất ưu đãi để khôi phục và phát triển kinh doanh cho trên 1.100 khách hàng là doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh với số tiền cho vay trên 2.100 tỷ đồng; đồng thời hỗ trợ khách hàng thông qua việc giảm lãi suất (cho vay ưu đãi) trên 38 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ ngày 17/5/2021, Agribank Điện Biên đã triển khai chương trình miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống áp dụng đối với khách hàng cá nhân và tổ chức có tài khoản thanh toán tại đơn vị giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử (Internet Banking, ATM/CDM, Agribank E-Mobile Banking, SMS Banking, Bankplus) và tại quầy. Theo đó, từ tháng 5/2021 đến nay, số phí chuyển tiền hỗ trợ khách hàng qua chính sách miễn phí chuyển tiền ước tính khoảng 1,3 tỷ đồng. Qua đó góp phần hỗ trợ cho khoảng 45 nghìn khách hàng đang sử dụng dịch vụ thanh toán của Agribank Điện Biên trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Những tháng cuối năm 2022, để tiếp tục đồng hành và đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho doanh nghiệp, người dân đầu tư kinh doanh, sản xuất, Agribank Điện Biên phấn đấu huy động nguồn vốn đạt 5.404 tỷ đồng, tăng 282 tỷ đồng (5,5%) so với đầu năm, tăng 249 tỷ đồng (4,83%) so với 30/6/2022; tỷ lệ dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân chiếm tối thiểu 70% tổng dư nợ; dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 70% tổng dư nợ.

Triển khai kịp thời các chương trình chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là một giải pháp căn cơ để giúp phục hồi nên kinh tế nhanh và bền vững sau đại dịch Covid-19.

Ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết: Ngân hàng đã phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố và các ban quản lý dự án chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, rà soát đối tượng, nhu cầu và phê duyệt nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách xã hội thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP. Theo đó, tổng nhu cầu kế hoạch vốn tín dụng ưu đãi thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP giai đoạn 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh là 545,7 tỷ đồng (năm 2022 là 285,7 tỷ đồng; năm 2023 là 260 tỷ đồng), gồm 5 chương trình vay vốn. Đến nay, Ngân hàng CSXH đã giải ngân được 4/5 chương trình với tổng số tiền là 34,06 tỷ đồng cho 486 khách hàng. Thời gian tới, Ngân hàng sẽ tiếp tục rà soát nhu cầu vay vốn, tập trung triển khai giải ngân đối với những hồ sơ đủ điều kiện, nhất là giải ngân Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 sau khi nguồn vốn được phân bổ và có đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện.

Trong thời gian 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với nhiều lần phải dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, một số hạng mục cơ sở vật chất, đồ dùng học tập tại Trường Mầm non Ánh Thu (TP. Điện Biên Phủ) đã bị hư hỏng, xuống cấp. Để chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023, nhà trường phải triển khai sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm học cụ... song gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn.

Bà Lò Thị Đà Giang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Rất kịp thời, nhà trường được Ngân hàng CSXH tỉnh tư vấn và cho vay vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Ngày 31/5 vừa qua, Ngân hàng đã giải ngân khoản vay 100 triệu đồng cho nhà trường để phục vụ công tác chuẩn bị năm học mới. Ngay sau khi được vay vốn, Trường Mầm non Ánh Thu đã tiến hành sửa chữa, sơn lại trường học, mua sắm một số trang thiết bị phục vụ chăm sóc, giáo dục, sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top