Một lần tuần tra biên giới

10:29 - Thứ Hai, 30/12/2019 Lượt xem: 4728 In bài viết

ĐBP - Vào những ngày cuối năm, chúng tôi theo chân Ðội Tuần tra của Ðồn Biên phòng Leng Su Sìn (xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé) đi tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc trên các cung đường đèo núi. Ðã từng tham gia tuần tra biên giới nhưng chuyến đi này là chuyến đi vất vả nhất từ trước đến nay bởi chúng tôi đi đúng đợt gió mùa đông bắc tràn về, cung đường dọc biên giới gió thổi lạnh thấu xương.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng và dân quân xã Leng Su Sìn lên đường tuần tra. Ảnh: Phương Liên

Sáng sớm, sương mù giăng kín tầm mắt, con gà rừng đâu đó mới cất tiếng gọi canh năm, đội tuần tra của Ðồn đã sẵn sàng hành lý, tư trang và vũ khí lên đường. Một nhóm dân quân xã cũng đã có mặt để cùng đi tuần tra theo kế hoạch phối hợp. Thiếu úy Nguyễn Văn Tân, Ðội trưởng Ðội Vũ trang dặn dò: “Ðường tuần tra dài ngày và khá vất vả đấy nhà báo ạ! Mang đủ đồ dùng thiết yếu và chuẩn bị tinh thần thép nhé!”.

Xuất phát từ Ðồn Biên phòng Leng Su Sìn, đội tuần tra của chúng tôi bắt đầu vượt suối, đi qua địa phận các bản, sau đó xuyên qua những cánh rừng sản xuất, rừng đặc dụng của Khu bảo tồn Thiên nhiên Mường Nhé. Ðược biết, Ðồn Biên phòng Leng Su Sìn hiện quản lý 9 cột mốc (từ mốc 8 - 16) trên tuyến biên giới Việt - Lào trải dài 25,9km. Tính ra mỗi cột mốc trên tuyến biên giới mà Ðồn quản lý chỉ cách nhau vài cây số, nhưng con đường tuần tra thực tế là những đường mòn đầy hiểm trở của rừng xanh, vực sâu, suối thẳm. Do đó, để tới mỗi cột mốc phải ít nhất một ngày. Trên đường tuần tra khi nào mồ hôi thấm ướt áo, bước chân mỏi rã rời thì đội tuần tra mới dừng chân nghỉ.

Thiếu úy Nguyễn Văn Tân tuổi đời còn trẻ, mới ra trường vào công tác tại Ðồn chưa lâu nhưng anh đã thông thạo địa bàn và quen với nhiệm vụ tuần tra. Anh cho biết: “Ðịa bàn Ðồn quản lý chủ yếu là đường rừng, có nhiều suối sâu, nước lớn chạy giữa rừng, như suối Voi đổ về từ dòng sông Nậm Ma, suối Păng Pơi theo dòng Mo Phí. Bên cạnh đó còn nhiều núi cao, vực sâu hiểm trở. Vì thế mỗi đợt tuần tra, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, cả đội chúng tôi và các dân quân địa bàn đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Nhiệm vụ lần này của đội tuần tra là tới mốc 13, 14. Ðây là 2 mốc xa xôi, khó khăn nhất của Ðồn. Sương muối rơi nhiều khiến đường trơn trượt, chúng tôi di chuyển khá khó khăn. Mỗi lần vượt qua đoạn vực sâu nguy hiểm, người đằng trước phải quay lại hỗ trợ người đằng sau. Chiều tối, đoàn mới tới gần mốc 13. Lúc này, cả đội tuần tra sẽ phải băng qua một nhánh của suối Nậm Ma.

Nhìn dòng suối nước lớn, chảy xiết ngang bụng người, cộng với thời tiết giá lạnh mùa đông, chúng tôi ái ngại, lo lắng, nhưng các chiến sĩ của đồn và nhóm dân quân địa phương thì vẫn nhanh chóng, vững vàng vượt qua. Chúng tôi tháo giày cầm tay, đằm mình dưới dòng nước lạnh, lội sang bên kia bờ. Cái lạnh mùa đông buốt giá đã cho chúng tôi hiểu phần nào nỗi vất vả, khó nhọc của những người tuần tra biên giới. Sang đến nơi, cả đoàn đều ướt lạnh, đội tuần tra quyết định căng bạt, nghỉ ngơi, đốt lửa sưởi ấm, hong khô quần áo và chuẩn bị bữa tối.

Không phải lần đầu theo đoàn tuần tra đường biên, mốc giới, nhưng là lần đầu được ngủ rừng. Ðối với chúng tôi, đây là lần trải nghiệm khá thú vị. Ngồi trong tấm bạt lều chắn gió, căng xung quanh đống lửa lớn, thức ăn chỉ đơn giản là cơm nắm, muối vừng mang đi nhưng chúng tôi đã cảm thấy ấm áp, bớt giá lạnh đi nhiều. Một dân quân trong đoàn bẫy được cá suối, nướng thơm phức cho cả đoàn cải thiện bữa ăn. Sau bữa ăn tối giữa rừng, mọi người quây quần bên đống lửa, chuyện trò về cuộc sống, con người nơi biên viễn Tổ quốc.

Sáng sớm hôm sau, thời tiết vẫn chìm trong giá rét, chúng tôi tiếp tục hành trình tới mốc 13. Xuyên qua cánh rừng già đầy tiếng voọc kêu gọi bầy, mốc 13 hiện hữu trước mắt chúng tôi. Lúc này, các chiến sĩ biên phòng tiến hành kiểm tra mốc, cảnh giới khu vực và chụp ảnh làm báo cáo; dân quân địa phương thì quét dọn, phát cỏ cho mốc dễ nhìn; còn chúng tôi có dịp ghi lại những hình ảnh tự hào về lần chinh phục thành công mốc biên giới của Tổ quốc.

Rời mốc 13, chúng tôi tiếp tục hành trình tới mốc 14. Lúc này trời hửng nắng, sương mù đã tan bớt, chúng tôi an tâm hơn và cố gắng bước tiếp cùng đội tuần tra. Anh Phùng Khừ Xá, cán bộ xã Leng Su Sìn, cũng là thành viên trong đoàn dân quân đi tuần tra chia sẻ với chúng tôi: “Chuyến này chúng tôi theo đội tuần tra của Ðồn đi vẫn còn là chuyến thuận lợi đấy nhà báo ạ! Có những chuyến đi đường rừng gặp mưa liên miên, ướt và lạnh lắm, vắt bám đầy chân còn không buồn gỡ ra nữa. Có lần thành viên trong đoàn bị cảm lạnh hoặc bị rắn độc cắn, sốt cao, co giật khiến chuyến tuần tra bị gián đoạn vài ngày. Khi ấy thực phẩm dự trữ hết, chúng tôi phải kiếm thêm thức ăn trong rừng để ăn...”.

Trở về Ðồn sau hai ngày đi tuần tra, chúng tôi được Trung tá Chu Ngọc Lệ, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Leng Su Sìn chia sẻ thêm: “Mỗi chuyến tuần tra thường gian nan, vất vả như thế, nhưng vào những ngày cuối năm, tình hình an ninh biên giới càng dễ có nhiều bất ổn nảy sinh. Chính vì thế, việc tuần tra của Ðồn càng phải bố trí dày đặc, tăng số buổi và quân số đi tuần, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm quy chế biên giới”. Với quyết tâm “Xây dựng biên giới lòng dân vững chắc”, cán bộ, chiến sĩ của Ðồn Biên phòng Leng Su Sìn vẫn nỗ lực bám biên, bám mốc, hoàn thành tốt sứ mệnh của người lính mang quân hàm xanh trong việc bảo vệ biên cương Tổ quốc”.

Phương Liên
Bình luận
Back To Top